Phát triển hình thức mua lại và sát nhập

Một phần của tài liệu Thu hút FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam (Trang 110)

Sát nhập và mua bán công ty (M&A) là một hoạt động tất yếu khi một doanh nghiệp muốn phát triển một cách đột biến để chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần, mở rộng sang những lĩnh vực mới, thay đổi chiến lược hoạt động hoặc để cạnh tranh tốt hơn trước những thách thức mới của thị trường. Thay vì phải phát triển từ từ và phải đợi vài năm mới có được một thị phần nhất định hoặc mới cho ra đời được một sản phẩm mới, một công ty có thể mua lại hoặc sát nhập với một công ty khác để tiết kiệm thời gian, tài chính và nhân lực và chi phí cơ hội mà vẫn đạt được mục tiêu mình muốn. Tương tự như vậy, một công ty nước ngoài muốn có ngay thị phần ở tại một thị trường nội địa cũng thường hay mua lại một công ty nội địa. Đây là hoạt động mà các TNC Hoa Kỳ thường thực hiện khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Việc sáp nhập công ty ở Việt Nam đã được thực hiện từ rất lâu với việc ồ ạt thành lập các liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp rồi các loại tổng công ty... Tuy nhiên, việc sáp nhập ấy hầu hết mang tính hành chính, cơ học, theo sự chỉ đạo của cấp trên. Còn M&A thực sự đúng nghĩa thị trường mới xuất hiện khoảng năm 2000 và phát triển mạnh trong 2 năm gần đây.

102

Việt Nam hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp mới ra đời mỗi năm. Tuy nhiên, phần đông các doanh nghiệp này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ở những năm đầu hoạt động đã tạo nên nhu cầu mua - bán và sáp nhập để tiếp tục phát triển. Điều này cộng với chính sách thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài ngày một thông thoáng, hoàn thiện, tăng trưởng GDP luôn đạt mức cao cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để M&A phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Đặc biệt, sự ra đời của 2 sàn giao dịch mua bán sáp nhập công ty của Công ty cổ phần đầu tư tài chính Việt Nam (Tigerinvest) và Công ty đầu tư và phát triển đô thị quốc tế (IDJ) cùng với sự mua bán khá nhộn nhịp trên cả 2 sàn này đang làm nóng thị trường M&A.

Dù vậy, hoạt động M&A ở Việt Nam còn rất mới mẻ, do đó việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển đầu tư, đặc biệt là giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước sẽ góp phần tạo ra một kênh thu hút FDI mới và quan trọng vào Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc lại, tập trung và tích tụ nhanh vốn, công nghệ để hình thành những tập đoàn tầm cỡ quốc tế.

Hoạt động M&A ở Việt Nam được dự báo là sẽ phát triển nhanh chóng trong các năm sắp tới, các giao dịch M&A cũng sẽ là sự lựa chọn tốt cho nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đã bắt đầu mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như viễn thông, ngân hàng và tài chính. Việc tiếp tục phát triển nền kinh tế, đặc biệt là sự trỗi dậy của khu vực tư nhân và sự phát triển của thị trường vốn và tài chính, các yếu tố này đã tạo động lực cho việc gia tăng hoạt động M&A tại Việt Nam, bao gồm các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty trong nước cũng như các giao dịch M&A nội địa giữa các doanh nghiệp Việt Nam. Để theo kịp yêu cầu này, khung pháp lý cho các hoạt động M&A cần được tiếp tục hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Thu hút FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam (Trang 110)