dân tộc, cổ truyền - ở trình độ cao
Một điều dễ nhận thấy, trong dân ca Việt nam nói chung, nhất là dân ca đối đáp giao duyên, đều không có nhạc đệm. Điều đó được tạo ra bởi kỹ thuật thanh nhạc tuyệt vời của người nghệ sĩ Quan họ.
Trong sinh hoạt Quan họ, cũng như đối đáp giao duyên đã thành một quy ước cố định: hát từng đôi một, một đôi nam ở bọn này hát với một đôi nữ ở bọn khác. Trong một đôi của mỗi bên, có người hát chính gọi là dẫn giọng và người hát phụ gọi là luồn giọng. Người dẫn giọng phải là người hát khá, thuộc nhiều, có khả năng đôi đáp sành sỏi. Người hát phụ chỉ đỡ giọng cho người hát chính. Vì thế, luồn giọng mà hát khá thì hai giọng nghe như một, ngược lại, nếu người luồn giọng mà chưa tinh thông lắm khi nghe đôi chỗ chuệch choạc bắt vào các câu, các đận (tiếng chuyên môn của
người đi hát Quan họ dùng để chỉ các khúc, các đoạn trong bài hát) không được đều. Chính vì là hát đôi nên ở đây người chơi Quan họ đã thành công khi sử dụng kỹ thuật thanh nhạc không nhạc đệm (Acapella) bằng cách vừa hát vừa tự đệm không phải bằng nhạc cụ mà bằng những hư từ mô phỏng tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng nhị ngay trong lời từ giai điệu. Điều đó cho thấy, tuy cây đàn vắng bóng trong sân Quan họ nhưng trong ca hát Quan họ yếu tố nhạc đàn rất được chú trọng, xuất hiện rõ nét và biến hóa phong phú, trở thành một phương thức tiến hành giai điệu.
Phần nhạc đàn đã được thanh nhạc hóa bằng những cụm hư từ do người hát thể hiện. Các hư từ có lúc làm chức năng nhạc gian tấu, xuyên tâm, nối kết những câu của bài hát như một sự đối đáp hô ứng giữa hát và đàn, có lúc lại ở sau câu kết của lời hát, làm chức năng nhạc lưu không láy đuôi. Những ý nhạc vui vốn dĩ thường được đệm bằng đàn gẩy (nguyệt, tam tứ) thì trong Quan họ được mô tả bằng những hư từ lính tính tình tang. Còn những ý nhạc biểu hiện niềm thiết tha thương nhớ thì dùng những hư từ hí hi ối hi mô phỏng tiếng nhị, tiếng sáo hoặc hư hồi hư, xừ xang hò xê cống líu ú mô phỏng tiếng hồ, tiếng tiêu gợi cảm, thâm trầm.
Quan họ đã phát triển rất xa tới một dạng thức một ca khúc hoàn chỉnh và được coi là một trong những đỉnh cao của cổ nhạc Việt Nam. Việc Quan họ luôn luôn hát đôi, về mặt nghệ thuật thanh nhạc, là hệ quả trực tiếp của cách hát không nhạc đệm của Quan họ. Hát đôi là cách duy nhất để Quan họ thực hiện nghệ thuật thanh nhạc không nhạc đệm của mình.
Quan họ bỏ qua yếu tố nhạc đệm là bỏ qua một bệ đỡ quan trọng cho giọng hát, cũng là gạt bỏ một thứ trang sức, một cành ngụy trang có thể che bớt đi những nhược điểm của của giọng hát khi cần thiết. Người Quan họ đã tập trung hết tinh lực để tạo nên sự hoàn thiện và sức chinh phục mạnh mẽ cho giọng hát của người nghệ sĩ. Quan niệm về người nghệ nhân Quan họ
có nhiều tiêu chí nhưng trong đó có một tiêu chí về giọng hát đó là giọng hát phải có đủ 4 yếu tố là “vang, rền, nền, nẩy” và lối ngân “nảy hạt”.
Theo giải thích của nữ nghệ sĩ Thanh Ngân, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa quan họ thì vang là yêu cầu về cường độ âm vang xa. Nền là rõ âm, rõ sắc, khi ca hát phải được thoát hơi ngân qua khẩu hình để tròn vành, rõ chữ, đúng tầm cữ giọng. Nẩy là do từ ngữ đơn âm lai đa thanh của chúng ta đã tạo ra mọi rung, luyến, ngân nẩy hạt còn gọi là ngân hột vì cấu tạo của từ ngữ có rất nhiều từ mà cuối từ là phụ âm cho nên không thuận lợi cho việc thoát hơi ngân qua khẩu hình. Do vậy, khi hát những từ ấy phải ngân từ cổ họng lên mũi thành các âm ngân nẩy hạt. Đó là sự sáng tạo để hình thành phương pháp ngân nẩy hạt. Đặc biệt hơn cả là kỹ thuật Rền. Rền là luyến láy từng chữ, từng tiếng một, luyến láy từng âm sắc hoa mỹ. Ta hình dung mỗi tiếng luyến theo như một vòng tròn dây thép mà cả câu là một cuộn dây thép đang tở dần ra, nghe như các tiếng cuộn vào nhau liên tục ít khi ngừng. Với hệ thống kỹ thuật như vậy, rõ ràng thanh nhạc Quan họ đã cố gắng khai thác đến tận cùng những khả năng có thể của giọng hát. Người nghệ sĩ Quan họ cần nhất việc giữ giọng nên cỗ Quan họ bao giờ cũng là cỗ to, nhưng người Quan họ thường ăn rất ít và kiêng mỡ để giữ cho giọng hát được trong trẻo.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: thanh nhạc không nhạc đệm hay thanh nhạc tự đệm là một đặc trưng thể loại của ca hát Quan họ. Nói theo thuật ngữ quốc tế, nó là một loại acapella, thể loại thanh nhạc không nhạc đệm vẫn tồn tại phổ biến không những trong nhạc cổ điển mà rất phát triển trong nhạc đại chúng thế giới hiện nay. Acapella, nhưng là acapella cổ truyền Việt Nam, acapella Quan họ.
Ngày nay, có nhiều ý kiến về việc sử dụng nhạc cụ đệm hát Quan họ. Tức là, nên sử dụng nhạc cụ thay thế cho cây đàn “Thanh đới” (tiếng đàn phát ra ngay từ trong tiếng hát của người nghệ nhân Quan họ). Nhưng
không phải sử dụng nhạc cụ một cách tràn lan bằng cây đàn Organ như thường thấy mà nên sử dụng nhạc cụ dân tộc đệm cho hát Quan họ. Theo tác giả Nguyễn Trọng Tĩnh in trong cuốn Quan họ Bắc Ninh – Thực trạng
và giải pháp bảo tồn (2006), ông cho rằng: “Nên có đủ các loại nhạc cụ
thuộc bộ hơi (sáo trúc hoặc tiêu) bộ vĩ kéo (nhị - hồ), bộ gảy (nguyệt, bầu, thập lục, tam thập lục). Nếu ít thì cũng phải 3 nhạc cụ thuộc loại kể trên. Ngoài ra có thêm các nhạc cụ gõ tham gia như mõ, trống đế, dàn trống dân tộc” [16; 245]. Ý kiến của tác giả cho thấy, tác giả cũng rất tâm huyết với nghệ thuật và âm nhạc Quan họ vì ông nguyên là hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bắc Ninh. Nhưng theo ý kiến của đề tài, người nghệ sĩ Quan họ xưa đã đạt đến kỹ thuật thanh nhạc không nhạc đệm. Tiếng đàn ngay trong tiếng hát, thông qua hệ thống những tiếng đệm lót mô phỏng tiếng đàn cùng với cách hát đôi nam, đôi nữ, đôi nam - nữ phải hợp giọng làm cho tiếng hát quyện vào nhau, tuy hai là một hấp dẫn người nghe. Người nghệ sĩ Quan họ ngoài chất giọng bẩm sinh còn phải tập hợp bọn, luyện giọng với nhau rất nhiều và trong ăn uống cũng phải chú ý để giữ giọng hát được trong trẻo. Vậy thì, ngày nay, trong Quan họ không phải không có tài năng trẻ về âm nhạc, về thanh nhạc điều quan trọng là cần ý thức tập luyện sao cho giọng hát đạt được đến “vang - rền - nền - nẩy” và kỹ thuật “nẩy hạt” mà không cần sự hỗ trợ của nhạc cụ đệm khi hát. Đó mới là âm nhạc Quan họ thực thụ, mới xứng đáng là người kế cận, duy trì và phổ biến loại dân ca Quan họ độc đáo này trong nước và ra quốc tế. Để làm được điều này có vai trò rất quan trọng của các nghệ nhân Quan họ trong việc truyền dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ, cho những tài năng trẻ thực sự tâm huyết và có niềm say mê với Quan họ.