Văn hóa Quan họ góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ của người Việt thông qua trang phục Quan họ

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 76)

Như đã trình bày ở phần trên, trang phục Quan họ nữ với bộ váy áo mớ ba mớ bẩy, nam là bộ áo the khăn xếp không phải là của riêng người Quan họ mà đó là trang phục trong lễ hội truyền thống của các nam thanh nữ tú đi trẩy hội.

Từ xa xưa Bắc Ninh - Kinh Bắc đã nổi tiếng là một vùng quê ngàn năm văn hiến. Ngoài các làn điệu dân ca Quan họ mang đậm hồn dân tộc, Bắc Ninh còn nổi tiếng là đất sành chơi, sành ăn, sành mặc… Như dân gian thường có câu “Ăn Bắc, mặc Kinh”. Nhưng người Quan họ đã tạo dựng cho mình những nét riêng và phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của mình. Vì vậy, nhắc đến Quan họ là người ta hình dung ra ngay các liền chị với bộ váy áo mớ ba mớ bẩy, các liền anh trong bộ áo the khăn xếp. Do đó đã làm cho người ta lầm tưởng rằng trang phục đó là của riêng người Quan họ. Khi mặc bộ trang phục Quan họ làm tôn thêm vẻ đẹp sang trọng, thanh lịch của các liền anh, liền chị Quan họ trong những ngày hội. Trang phục Quan họ cộng với lời ca, giọng ca mượt mà, sâu lắng tạo nên giá trị thẩm mỹ của dân ca Quan họ, xứng đáng được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Cái đẹp trong trang phục của người Quan họ không phải là cái đẹp cầu kỳ, lộ liễu, phô trương, gây ấn tượng ngay từ đầu mà cái đẹp đó thể hiện trong quan niệm về nhân sinh sâu sắc qua những bộ trang phục đó. Nhìn một liền anh Quan họ, trước hết ta thấy nổi lên hình ảnh một nhân vật nam giới nghiêm chỉnh, chỉn chu nhưng không kém phần thanh lịch, hào hoa, phong nhã, thể hiện cốt cách của người quân tử. Cái đẹp nam tính được khắc họa từ những vòng khăn lượt hay vành khăn xếp đặt ngay ngắn trên đầu, phía trên, trên chính giữa vầng trán cao cương nghị là một chữ nhân rất cân đối. Điều đó thể hiện quan điểm sống của người Quan họ là luôn đặt chữ nhân lên hàng đầu.

Cách pha trộn màu giữa áo dài ngoài (làm bằng chất liệu có thể nhìn qua được) và áo dài trong (dù làm bằng chất liệu nào, kể cả gấm) đã tạo nên

một hòa sắc lung linh, luôn luôn thay đổi mỗi khi thân áo có sự chuyển động hoặc khi ánh sáng chiếu vào từ các chiều khác nhau làm cho bộ quần áo có sự uyển chuyển, sinh động không gò bó, cứng nhắc.

Nếu như cốt cách của người quân tử được thể hiện thông qua chiếc khăn xếp của các liền anh thì nét duyên dáng, đáng yêu của các liền chị được thể hiện qua chiếc khăn mỏ quạ. Người Quan họ luôn tạo ra những chiếc khăn với những phong cách riêng để làm duyên, làm dáng. Hội Lim, hay các lễ hội Quan họ thường diễn ra vào các độ xuân thu nhị kỳ khi thời tiết còn xe lạnh. Chiếc khăn mỏ quạ của các liền chị có tác dụng giữ ấm trong thời tiết như vậy. Nhưng với sự sáng tạo, người Quan họ đã kết hợp chiếc khăn mỏ quạ để làm duyên. Do đó, sau khi gập chéo tấm khăn vuông đặt lên đầu và buộc ra sau gáy, các liền chị Quan họ khéo léo, nắn nót cái mỏ quạ sao cho nó ở chính đường ngôi giữa của tóc được chải đều hai bên. Kiểu buộc khăn độc đáo đó, không rõ được sáng tạo ở địa phương nào, và thời gian nào, nhưng giá trị thẩm mỹ của cái khăn mỏ quạ đã đi vào trong văn thơ:

“Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”

Câu ca dao ngắn gọn nhưng đã lột tả được giá trị thẩm mỹ chứa đựng trong chiếc khăn mỏ quạ. Thường thì, trang phục hay đồ trang sức chỉ là để tôn thêm vẻ đẹp cho người sử dụng nó và có tác dụng che đi những khuyết điểm trên cơ thể. Chiếc khăn mỏ quạ được người Quan họ sử dụng làm trang phục truyền thống của mình thể hiện phong cách thẩm mỹ rất độc đáo của họ. Vì tấm khăn trùm đầu này màu thâm đậm với cái mỏ quạ nhọn nhọn làm nền cho khuôn mặt trắng hồng của người thiếu nữ Quan họ đang tuổi trăng tròn, tràn đầy sức sống. Cho nên, có thể diễn xuôi câu ca dao này để hiểu ẩn ý của tác giả muốn gửi gắm đó là “cái khăn trùm đầu (làm cho khuôn mặt) như thể hoa sen”.

Như vậy, giá trị thẩm mỹ của riêng chiếc khăn mỏ quạ đã làm cho hệ thống trang phục của người Quan họ thêm phần hấp dẫn, phong phú.

Giá trị thẩm mỹ của người Quan họ được thể hiện trong những chi tiết rất nhỏ nhưng lại mang lại giá trị thẩm mỹ cao, qua đó cũng thể hiện quan điểm nhân sinh, vẻ đẹp không phải ở sự phô trương, cầu kỳ mà trong từng chi tiết, quan trong hơn nó thể hiện trong chính nhân cách, cốt cách của người sử dụng nó.

Những ngày hội, đặc biệt ở hội Lim – hội Quan họ là cơ hội để bọn Quan họ kết bạn, để trai gái gặp gỡ nhau, vậy nên, người Quan họ đã sử dụng rất thành công chiếc nón thúng Quai thao để làm bình phong duyên dáng, hữu hiệu chặn lại một cái nhìn dung tục, ngăn lại những câu nói đùa quá trớn của chàng trai nào đó mà không làm ai phật lòng. Gặp trường hợp e lệ, ngại ngùng làm đỏ hồng đôi má, chiếc nón thúng Quai thao giúp các liền chị che dấu đi phần nào tình cảm xốn xang. Chiếc nón để làm duyên khoác hờ vành nón trên vai, lúc thì che phía trước, lúc thì giấu phía bên, có khi còn để dùng dằng với các liền anh … các động tác này được các liền chị thể hiện như những vũ điệu hoa bướm dập dìu, thơ mộng. Chiếc nón Quai thao được làm thêm bằng hai tua thao dài đung đưa góp phần sinh động đáng kể cho chiếc nón Quai thao.

Nếu ai không để ý, yêu thích trang phục của người Quan họ thì sẽ không thấy được hết giá trị thẩm mỹ ẩn chứa trong những bộ trang phục đó và tác dụng tôn thêm vẻ đẹp, duyên dáng của các thiếu nữ trong ngày hội. Vẻ đẹp đó đã làm rung lên biết bao trái tim thổn thức của các chàng trai. Chẳng vậy mà, các cô gái đã phải thốt lên rằng:

Chàng buông vạt áo em ra Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa

Trang phục tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, tươi hồng của các liền chị nhưng lại hết sức kín đáo. Chiếc váy phía dưới, do cách may, cách mặc các liền chị Quan họ vận chiếc váy buông trùng (không bao giờ mặc váy ngắn) tạo nên hình lưỡi trai trông thanh lịch mà trang nhã. Váy đen làm nền cho

các tà áo màu, các dải thắt lưng màu. Các dải thắt lưng có thể dài ngắn tùy ý nhưng phải đủ để quấn được hai vòng bảo đảm sự chắc chắn cho tấm váy. Các thắt lưng này lại được quấn vòng ra sau lưng, bên trong các thân áo, nhưng phía trước lại được quấn ngoài thân áo, buộc múi kiểu con sò, phần còn lại buông dài phía dưới gấu áo. Đã tươi tắn lại luôn chuyển động đem lại sự sinh động vui mắt.

Nhận thức được việc trang phục Quan họ có sự kế thừa trang phục truyền thống của dân tộc, nhưng được sáng tạo cho phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Quan họ. Giá trị thẩm mỹ trong trang phục Quan họ không chỉ dừng lại ở cái đẹp, cái duyên mà còn thể hiện cốt cách, quan điểm sống luôn luôn đặt chữ nhân lên hàng đầu. Trang phục của người Quan họ dù kín đáo nhưng vẫn phô được dáng vẻ của người Quan họ. Do đó, ở trang phục Quan họ, giá trị thẩm mỹ còn nhiều điều tiềm ẩn, từ xưa đến nay và từ nay về sau này chắc chắn sẽ được nhắc tới và phát hiện thêm. Cho nên, vấn đề đặt ra là phải biết phát hiện, phát huy và kế thừa những giá trị thẩm mỹ đó trong đời sống hiện đại với phương châm: Kín đáo nhưng vẫn dẩm bảo sự thanh lịch, nhẹ nhàng và duyên dáng.

Tiểu kết chương II

Quan họ không chỉ là một loại dân ca cổ truyền mà còn là một hoạt động sinh hoạt văn hóa mang nhiều giá trị trong đời sống tinh thần của người Việt về các mặt như: Văn hóa hành vi Quan họ, trang phục Quan họ, tục kết bạn Quan họ, dân ca Quan họ. Các mặt này luôn tồn tại trong một môi trường nhất định, đó là các lễ hội Quan họ, trong đó hội Lim là một lễ hội tiêu biểu mà từ lâu người ta cho rằng đó là hội Quan họ, không có các lễ hội thì các hoạt động Quan họ không thể diễn ra.

KẾT LUẬN

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có nền dân ca đa dạng, phong phú và đặc sắc. Dân ca Việt Nam gồm nhiều thể loại mang nhiều nét văn hóa đặc sắc có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước có những biến thiên phức tạp, đứt gẫy. Một thời kỳ dài của nước ta không còn là một quốc gia độc lập, tự chủ. Nhưng sự tồn tại của dân tộc vẫn được duy trì và biểu hiện trong văn hóa dân tộc.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, với chủ chương của Đảng xây dựng nền văn hóa – khoa học – đại chúng, nhiều giá trị văn hóa đã được nghiên cứu và sưu tầm. Văn hóa dân tộc đã được phục hưng. Cùng với các giá trị văn hóa khác, giá trị văn hóa âm nhạc dân tộc được phổ biến rộng rãi. Hàng trăm, hàng nghìn bài bản, làn điệu dân ca, chưa khi nào có hình hài cụ thể, nhìn thấy, sờ thấy nay được hiện diện là những bản nhạc trên giấy, những lời ca, điệu đàn và được phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Kinh Dương Vương, Lý Bát Đế, nơi hội tụ kho tàng văn hoá dân gian, là quê hương của gốm sứ Bát Tràng, của tranh Đông Hồ…

Bản sắc văn hoá của đất Kinh Bắc – Bắc Ninh còn được thể hiện đậm nét ở truyền thống hiếu học khoa bảng. Vùng đất này là cái nôi của Nho giáo, đất khoa bảng nổi tiếng cả nước được sử sách và dân gian ca ngợi là đất của “ Một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Đặc biệt Bắc Ninh còn là quê hương của làn điệu dân ca Quan họ trữ tình đằm thắm nổi tiếng trong và ngoài nước.

Sinh hoạt văn hóa Quan họ không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể của Bắc Ninh, của dân tộc mà còn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân

loại. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, cùng với UNESSCO, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về văn hóa nhằm “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Quan họ không chỉ là một loại hình dân ca cổ truyền mang giá trị âm nhạc to lớn mà còn là một sinh hoạt văn hóa hết sức ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người Kinh Bắc cùng với các sinh hoạt văn hóa âm nhạc dân gian khác Quan họ đã góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa dân tộc vừa độc đáo vừa đa dạng của người dân Việt Nam.

Lần đầu tiên nghiên cứu một vấn đề khoa học ở phạm vi rộng, đề tài không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết. Tác giả đề tài mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp của các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo và bạn bè.

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w