Nhắc đến Quan họ và các lễ hội Quan họ thì không thể không nhắc tới hội Lim – lễ hội tiêu biểu và được coi là Hội Quan họ.
Lim là tên Nôm của xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 18 km. Hội mở trên đồi Lim, tên chữ là Hồng Vân Sơn và có chùa Lim nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập tục hát quan họ. Đây là một ngọn đồi thuộc địa phận 3 xã Duệ Đông, Lũng Sơn, và Lũng Giang, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Hiếu Trung Hầu tên húy là Diễn, làm quan dưới triều của vua Lê Cảnh Hưng, xuất thân hoạn quan, ngài đã được thăng đến chức Thanh Hóa trấn đốc đồng. Dân chúng quanh vùng quen gọi lăng ngài là lăng quan trấn. Ông không có con nên khi gần chết ngài hầu hàng tổng và làm đình cho mấy xã. Để ghi nhớ công ơn ngài hàng năm đến 13 tháng giêng (âm lịch) dân tổng Nội Nhuệ mở hội rất to tại lăng ngài. Ngày hội đó được gọi là ngày hội Lim.
Lâu nay người ta có ấn tượng rằng ngày hội Lim là ngày hội Cả của Quan họ, là ngày hội tiêu biểu nhất của sinh hoạt Quan họ. Thực ra đó cũng chỉ là hội chùa Lim và do làng Lim đứng ra tổ chức, giống và ngang với các ngày hội khác do các làng đứng ra tổ chức thôi. Tuy nhiên, hội Lim , như ta
nhận biết hiện nay là một tài liệu đáng chú ý về một ngày hội Quan họ lớn trước cách mạng tháng Tám. Sở dĩ ngày hội Lim lớn và được coi là hội Quan họ là vì các lý do sau:
1. Hội Lim mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch, trùng vào ngày hội chợ đầu năm.
2. Ngày 12 tháng giêng là ngày hội đình của cả sáu làng xung quanh vùng Lim nên không khí náo nức của ngày hội đình chuyển ngay cho hội chùa Lim.
3. Lúc này là thời gian tốt nhất để mở hội vì trời có trăng một số hội đã mở lấy đà, mọi người vừa ăn tết xong, công việc đồng áng buôn bán đang rỗi rãi, giao thông thuận lợi…
4. Điều quan trọng hơn vì hội Lim là hội hàng tổng, có lực lượng Quan họ tại chỗ rất đông đảo. Tuy chỉ có 4 làng Quan họ nhưng tổng Nội Duệ lại có 13 bọn Quan họ nam nữ. 13 bọn Quan họ này lại kết bạn với 13 bọn Quan họ ở các làng khác. Vì thế, hội Lim còn là nơi hội tụ của Quan họ Bắc Ninh.
Chùa Lim được làm từ hồi nào, không rõ. Theo truyền thuyết có một người đàn bà tên là Bà Mụ Ả , người Duệ Đông , đến tu ở đó. Bà tu đắc đạo, nên có phép hô phong hoán vũ. Mỗi khi hạn hán dân thường cầu bà làm mưa. Do bà linh ứng như thế, nên làng Lim tôn bà làm Thành Hoàng làng, và ngày hội chùa Lim tổ chức vào ngày mất của Bà. Bà vừa là thần làng vừa là người nhà chùa, có phép làm mưa gió sấm chớp, có phần giống như hành trạng và thần tích của bà Man Nương (chùa Dâu)
Làng Lim có bốn xóm. Mỗi xóm có hai “bọn” Quan họ: một bon nam, một bọn nữ. Có tục “ăn chạ” với Tam Sơn, tục kết nghĩa với Bịu.
Có truyền thuyết kể rằng “ăn chạ” giữa Lim và Tam Sơn có nguyên nhân của tục hát Quan họ .
Hội Lim là ngày hội chùa của làng Lim. Hội chỉ mở một ngày, đó là ngày 13 tháng giêng Âm lịch. Từ trước Tết, người ta đã chuẩn bị cho ngày hội đó. Suốt tháng mười một, tháng chạp, các bọn Quan họ đã bắt đầu luyện tập. Bọn này mời bọn kia đến hát đối đáp thử. Ra Giêng, từ mồng 4, mồng 5 Tết từng bọn nhận lời mời của các thôn bạn đã rủ nhau đi hát nhiều nơi để tập dượt, thử thách. Qua việc đi hát, các bọn cũng mời bọn hát tốt về dự hội làng mình. Nhưng việc mời chính thức những “bọn” nào đến dự hội còn phải qua một cuộc hội ý giữa các ông Trùm, bà Trùm. Dĩ nhiên đối với hội Lim không thể thiếu bọn Quan họ Bịu và Tam Sơn, vì đó là những Quan họ kết chạ và kết nghĩa. Số bọn tới dự lại không thể quá số bọn Quan họ của Lim. Chẳng hạn, Lim có bốn bọn nam thì tối đa bọn nữ các nơi được mời đến chỉ có thể là bốn mà thôi vì nếu không thì các bọn thứ 5, thứ 6 sẽ không có ai tiếp.
Tuy nhiên trong những ngày hội Lim thì Quan họ các nơi lại có thể đến hát tự do. Đấy là lối hát ngoài đồi, khác với lối hát mời nhau hát trong nhà. Đến đồi Lim, một bọn nam chưa có bạn gái đi tìm trong đám hội một bọn nữ cũng chưa có bạn và mời nữ xơi trầu. Nếu bên nữ nhận trầu tức là nhận lời hát. Cũng có khi bọn nữ chủ động mời bọn nam. Trong khi hát với nhau ở đám hội, nếu đôi bên cùng hợp nhau về cách đối xử, ăn ý với nhau về giọng hát thì sẽ hẹn gặp nhau trong một ngày nào đó ở bên làng nữ, để bên nam đưa lễ xin kết nghĩa. Tục này gọi là “Quan họ Nghĩa”. Ít lâu sau đúng hẹn, bọn trai đưa hương vàng, trầu cau sang gia đình bọn nữ xin kết bạn. Bọn nữ đưa bọn bạn ra trình tiên chỉ rồi làm lễ rước đình, sau đó đưa bạn về ăn uống và ca hát.
Như vậy trong hội Lim, có hai hình thức tổ chức hát. Một là, hát trong nhà, của những bọn có kết nghĩa. Hai là hát ngoài đồi của những bọn đến xem hội, góp vui và tìm bạn. Cuộc hát quan họ giữa các quan họ bạn có khi đến ra thâu đêm.
Cũng như các lễ hội khác, ngoài hát quan họ, hội Lim còn có đủ các phần từ lễ rước, lễ tế đến các trò chơi dân gian như đấu vật, đấu võ, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm…nhưng phần cơ bản nhất vẫn là ca hát. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng… Một trời âm thanh thơ và nhạc náo nức không gian, xao xuyến lòng người, làm cho những người đến hội không thể nào quên.