Trang phục Quan họ

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 40)

Từ điều kiện và môi trường lễ hội, văn hóa quan họ đã thừa hưởng một số yếu tố vốn sẵn có của lễ hội truyền thống làm phong phú, làm đẹp cho mình. Trong đó, trang phục Quan họ là sự kế thừa, phát triển của trang phục lễ hội truyền thống, gắn liền với trang phục truyền thống miền Bắc nước ta. Song người Quan họ đã cải tiến cho nó phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của mình. Thực ra, truy về nguyên thủy, đó chính là trang phục lễ

hội. Đó là trang phục của nam thanh, nữ tú, của “Trai thanh tân gắn với gái mỹ miều” đi trẩy hội mùa xuân năm xưa.

Thi sĩ nguyễn Bính khi viết về người con gái vùng quê Nam Định (trong bài “chân quê”):

Còn đâu cái áo tứ thân, Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp tả người con gái “Theo thầy me” đi hội chùa Hương (trong bài “Chùa Hương”)

Quần lĩnh áo the mới, Tay em cầm nón quai thao.

Điều đó cho thấy rằng, khăn mỏ quạ, nón thúng Quai thao không phải của riêng người Quan họ. Đó chính là trang phục của những cô gái đi trẩy hội ngày xưa nói chung.

* Trang phục của các liền chị - Nón Quan họ

Trong ngày hội xuân xưa, xuất hiện hai loại nón: nón Ba tầm và nón thúng Quai thao. Ngày nay có nhiều sự nhầm lẫn giữa nón thúng Quai thao và nón Ba tầm. Một số cho rằng đây là tên gọi khác nhau của một loại nón. Ngay cả nhiều ca sĩ, nghệ sĩ Quan họ cũng có sự nhầm lẫn này. Một số ý kiến khác khi thì cho rằng nón Ba tầm là nón Quan họ, lúc lại nói rằng nón thúng Quai thao là nón quan họ. Thực ra, đó là hai loại nón hoàn toàn khác nhau:

+ Nón Ba tầm: Là loại nón dùng cho các bà già đi chùa trong các ngày hội làng. Do đó, trước hết nón Ba tầm làm bằng loại lá già, mầu vàng (vàng là tượng trưng của tuổi già). Nón Ba tầm dùng để đội, tuy cũng có phần tăng yếu tố thẩm mỹ nhưng chủ yếu mang tính thực dụng là tránh mưa, tránh nắng, cho nên phải làm dày. Cũng có thể tên gọi nón Ba tầm là nói chệch từ ba tầng vì nón được làm từ ba tầng lá. Nón Ba tầm có độ dốc hơn nón thúng Quai thao, bởi còn phải đội khi có trời mưa. Chính vì dùng

cho các bà già nên nón dù đơn hay kép vẫn là màu vàng. Nón Ba tầm có đường kính nhỏ hơn nón Quai thao. Thực tế, nếu coi nón thúng Quai thao với nón Ba tầm là một thì tại sao mặc dù Huế chỉ là một trung tâm Phật giáo chứ không phải vùng Quan họ mà trong Thành nội ở Huế lại bày bán rất nhiều nón Ba tầm?

+ Nón thúng Quai thao: Là một loại nón dùng cho các thanh nữ đi trẩy hội, vậy nó được làm bằng loại lá bánh tẻ có màu hồng (hồng là tượng trưng của các cô gái trẻ). Nón thúng Quai thao cũng như nón Huế chủ yếu là để làm duyên, làm tăng thêm vẻ đẹp thanh xuân của người con gái

Ai làm cái nón Quai thao Làm cho anh thấy cô nào cũng xinh

Chính vì thế nón là phải mỏng, để những khi cô gái đội nón hoặc cầm nón che đầu, ánh sáng của trời xuân chiếu qua lượt lá màu hồng, khiến khuôn mặt như mịn màng, hồng hào hơn. Vì không phải là loại nón tránh mưa, tránh nắng, ít khi dùng để đội nên nón thúng Quai thao rộng và có độ dốc thấp. Chủ yếu các thanh nữ cầm nón, nghiêng nón che một phần gương mặt để làm duyên, cũng có khi các cô gái đội nón, đó là vào tiết xuân có những hạt mưa bụi bay lất phất. Hoặc khi ngồi hát trên thuyền, người ta còn nghiêng nón che hướng gió để tiếng ca ngọt ngào khỏi để gió bay đi… Mặt khác, là nón của tuổi trẻ nên chiếc quai cũng phải màu hồng.

Thừa hưởng loại nón tuổi trẻ của ngày hội, người quan họ đã làm cho nón mang tính thẩm mỹ cao hơn. Đặc biệt, nón được phớt nhẹ một lướt quang dầu cho có màu hồng đào (màu hồng của hoa đào). Còn quai thao được làm bằng một loại vải lụa vừa mềm mại, vừa có màu hồng đào của nón, của quai đã làm tăng vẻ đẹp của tuổi trẻ, duyên dáng và dịu dàng giữa tiết xuân tràn đầy sức sống.

Đặc biệt, ở giữa nón (bên trong), có gắn một chiếc gương soi nhỏ, để các liền chị soi gương, sửa khăn, sửa lông mày mà vẫn kín đáo. Ở đầu quai

lại có nhiều tua bằng sợi tơ, bện thành nhiều “quả thao”, chính vì vậy mới gọi là nón Quai thao (nón mà Quan họ ngày nay đính mỗi bên quai chỉ có một quả thao, sau đó mới rủ xuống nhiều tua ).

- Khăn vấn tóc

+ Khăn vấn: Khăn vấn là để vấn tóc quanh đầu. Các thiếu nữ Việt Nam xưa vẫn nuôi tóc dài nên khi muốn gọn ghẽ hoặc quàng khăn vuông hay khăn mỏ quạ thì buộc phải vấn tóc.

Người con gái đi trẩy hội xuân ngày xưa bao giờ cũng chít khăn mỏ quạ, nên thường dùng khăn vấn. Khăn vấn là một tấm vải dài (tùy theo độ tóc dài ngắn của mỗi người) rộng khoảng 15cm – 20cm (cũng tùy theo độ tóc dầy mỏng của mỗi người). Chất liệu của khăn thường là lụa hoặc nhung có màu đậm. Con gái đi hội thì khăn thường màu tím sẫm. Đối với các liền chị Quan họ thì khăn vấn phải là màu đỏ.

+ Khăn mỏ quạ: Khăn mỏ quạ là mảnh vải vuông, màu thâm hoặc đen, được gấp chéo mép vải lại, tạo thành tam giác. Đã thắt khăn mỏ quạ thì bao giờ cũng phải rẽ ngôi giữa, như vậy mới bảo đảm sự cân đối của khuôn mặt. Khi đội, đặt lên vòng khăn vấn tóc, gấp hình mỏ quạ ở chính giữa đường rẽ ngôi của tóc, bắt hai góc khăn về phía hai phía tai rồi thắt múi lại đằng sau gáy. Tiếp thu hình thức đội khăn mỏ quạ của thiếu nữ ngày hội, các liền chị Quan họ lại có nét riêng: Hình “mỏ quạ” nhọn hơn và khi đội có ý để lộ ra một chút thấp thoáng màu hồng của khăn vấn. Mặt khác, khi nắn “mỏ quạ”, phải thành hình chữ “nhân” (٨), đây chính là biểu hiện quan niệm chung của người Quan họ là lấy chữ nhân làm đầu, coi trọng tình người.

Cách vấn khăn mỏ quạ như vậy tạo nên cho các liền chị Quan họ một vẻ đẹp tựa như một búp sen.

- Yếm

Yếm là một loại vải hình vuông dựng chéo khoét một góc phần cổ, mặc trước ngực bó sát người. Yếm được may bằng lụa hoặc vải nõn, sợi

nhỏ hoặc vải quyến. Màu sắc của yếm rất phong phú, dùng màu nào là do ý thích của mỗi người, nhưng màu đen không phải màu mọi người sử dụng làm yếm.

Đối với các thiếu nữ đi trảy hội, thì thường là mặc “yếm thắm” hoặc “yếm đào”:

Em mặc yếm thắm, Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

(Hoàng Cầm – Bên kia sông Đuống)

Ngày xưa có ba loại yếm: Yếm cổ tròn, yếm cổ thìa và yếm cổ xây, nhưng các thiếu nữ vận loại yếm có cổ tròn, cổ xây, còn người có tuổi thì vận áo cổ thìa (cổ xẻ).

Cũng là vận loại yếm thắm hoặc yếm đào như các thiếu nữ đi chơi hội, song người Quan họ đã rất tinh tế khi mặc áo ngoài, để lộ ra một phần nhỏ cổ chiếc yếm. Cùng với nón thúng quai thao, khăn mỏ quạ và sự lấp ló của vấn đào, yếm đào, đã tạo ra vẻ đẹp kín đáo và đầy sức quyến rũ của người con gái Quan họ, tạo ra cái duyên ưa của các liền chị. Nón màu hồng đào, khăn vấn hồng đào, yếm thắm, yếm đào, nón thúng Quai thao hòa quyện cùng ‘‘ má đào’’ đã làm cho các liền chị quan họ trong ngày hội xuân đẹp như người ở chốn thần tiên.

Yêu nhau ngả nón ra chào

Phận em là gái má đào duyên ưa - Áo – váy

+ Áo: Áo của thiếu nữ đi hội và áo của liền chị Quan họ thường được nói gọn là mớ bẩy.

Áo tứ thân và áo cánh được may từ 4 khổ vải, hai khổ sau ghép ở sống lưng, hai mảnh trước là hai tà áo hoặc vạt áo. Áo tứ thân không có

khuy, khi mặc có thể bỏ buông hoặc thắt hai vạt vào nhau. Áo cánh thì chỉ may dài tới mông, còn áo tứ thân 4 vạt kéo dài xuống gần đầu gối.

Áo dài 5 thân được may ghép từ 5 khổ vải. Sau lưng gồm hai mảnh, vạt trước phía trái may ghép từ hai thân nên rộng gấp đôi vạt phải. Vạt trái để ra ngoài, đè lên trên vạt phải, nghĩa là vạt thứ 5 cắt chéo từ cổ đến nách áo bên phải, vạt áo chạy nẩn suốt các tà áo. Loại áo 5 thân chỉ cài cúc bên sườn. Nhưng thường khi mặc, người ta khép vạt trái lên vạt phải rồi dùng thắt lưng buộc lại cho chặt. Cổ áo hình lá sen nhỏ dựng cao. Phía trước để hở cổ rộng để hở một phần của cổ yếm thắm, yếm đào. Khi mặc áo tứ thân (áo dài ngoài), người ta không cài hàng cúc từ cổ tới nách để khoe ra các lớp áo bên trong.

Chất liệu để may áo hội cũng như áo liền chị quan họ thường là lụa tơ tằm hoặc the, lụa, màu nâu non, màu đen hoặc màu cánh gián.

+ Váy: Chiếc váy đi hội thường màu đen, dài đến mu bàn chân và có hình ống được khâu kín hai mép vải lại.

Váy được may bằng loại vải đậu, sồi hoặc lụa, lĩnh. Váy thường màu đen. Cái đẹp của váy Quan họ là không để cho váy hớt trước, không để váy quây tròn lấy người mà phải may và mặc khéo sao cho phía trước váy rủ xuống hình lưỡi trai tới mu bàn chân, phía sau hơi hớt lên đúng tầm mắt cá gót chân.

- Thắt lưng: Thắt lưng là một hoặc nhiều dải vải nhiều màu thắt

ngang thân ở tầm rốn để giữ áo và lấy dáng. Thắt lưng thường được làm bằng lụa có độ dài thắt ngang qua người 2 vòng, thắt nút “giọt lệ” và buông xuống phía trước. Cách thắt lưng của người Quan họ là khi buông xuống, hai đầu có độ dài, ngắn khác nhau, không bao giờ để hai đầu bằng nhau.

Về màu sắc, người xứ Bắc đi hội xưa thường dùng màu xanh, ca dao cổ nơi đây rất phổ biến câu:

Có về tỉnh Bắc với anh thì về...

Song ngoài màu xanh, các liền chị Quan họ còn sử dụng nhiều màu sắc khác nhau, như màu xanh lục, màu đỏ nâu, màu mỡ gà, màu hoa đào, màu hoa hiên ...

- Dép: Dép của nữ Quan họ là dép cong làm bằng da trâu, có một

vòng tròn bằng da trên mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai (cạnh ngón cái). Mũi dép cong che đi các ngón của bàn chân, bảo vệ các ngón của bàn chân. Xưa, người Quan họ không đi tất chân.

Ngoài ra, trang phục Quan họ còn có bộ xà tích đeo ở thắt lưng, vừa là trang trí, vừa là để treo cơi giầu, bình vôi. Những liền chị nhà giầu còn đeo khuyên vàng.

* Trang phục của các liền anh Quan họ

- Khăn xếp: Khăn xếp là một dải vải lụa hoặc nhiều, màu đen hoặc

thâm, được khâu theo chiều dài vải. Mỗi lần dùng khăn, nam Quan họ tự vấn lên đầu sao cho hai nếp đầu tiên tạo thành hình chữ nhân (٨), biểu hiện

quan điểm thẩm mỹ của người Quan họ, lấy chữ nhân làm đầu. Đội khăn xếp, khuôn mặt liền anh Quan họ trở thành “vuông chữ điền” - một mẫu hình về người con trai khỏe, đẹp ngày xưa (cũng như người con gái đẹp là mặt tròn “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”). Ngày nay để giản tiện khi đội, người ta may sẵn chiếc khăn xếp, chỉ cần đội lên đầu là xong, không có hình chữ nhân, không có những hình lượn uốn quanh đầu, chặt chẳng khác gì chiếc khăn xếp của các ông cụ đi lên đình.

- Ô lục soạn: Đàn ông nói chung, liền anh Quan họ nói riêng cầm ô

che là biểu hiện của dương tính, bởi “Ô” nghĩa là con quạ, là mặt trời. Thường thì người ta cụp ô cầm tay, có mưa, có nắng thì giương lên để che. Tuy nhiên, cũng như liền chị cầm hoặc nghiêng nón thúng Quai thao thì liền anh Quan họ cũng cầm ô, che ô cũng để làm duyên chứ mục đích chính không phải là che mưa, che nắng. Cho nên, ô lục soạn có hình khum tròn

chứ không có chiều thẳng dốc như chiếc ô Trung Quốc mà nam Quan họ ngày nay thường dùng “cho tiện”. Khi cầm ô che, bao giờ liền anh Quan họ xưa cũng cầm chếch qua vai cho hiện khuôn mặt trong lòng ô, biểu hiện sự cương thường của bậc “làm trai đứng vững trong trời đất”. Tuyệt đối không bao giờ được giương ô lên cao thẳng đứng đầu trừ phi có trời mưa to (mà đã có mưa thì mọi cuộc chơi Quan họ ngoài trời buộc phải ngừng lại).

- Áo: Các liền anh Quan họ nói riêng thường vận hai loại áo: Áo cánh

bên trong và áo dài 5 thân bên ngoài.

Áo cánh (cũng gọi là áo tứ thân), liền anh Quan họ may áo dài đến quá mông. Loại áo này không có lượn eo, có cổ tròn, có nẹp cổ áo, đệm phía trong lá sen, nẹp ngực áo, nẹp gấu áo bằng nhau. Ở một bên nẹp ngực, may một dải cựa gà dọc từ cổ áo xuống dưới rốn để khi cài khuy hai tay áo sẽ khép kín, không hở ngực, hở bụng. Khuy khâu bằng vải cuộn lộn ra thành dây, sau đó tết lại thành hình quả, một bên đính con bọ tạo khuyết để cài. Áo cánh thường may bằng vải sồi, trúc bâu hoặc lụa, có màu trắng ngà hoặc lâu gụ. Loại áo này mặc bên trong, bên ngoài là áo dài 5 thân.

Áo dài 5 thân là kiểu áo đàn ông truyền thống nhưng ngắn hơn, chỉ quá đầu gối, có cổ đứng, cài vạt sang phải. Khuy cài từ cổ chéo sang nách và dọc theo sườn áo, một thân ẩn phía trong, cắt ngắn. Cổ áo dựng đứng không kín, có phủ lá sen ẩn ở dưới khuy tết vải hoặc buộc nút. Lại có kiểu áo vạt thứ nhất không trốn mà để nguyên bằng với vạt áo thứ tư, vạt thứ 5 cắt ngắn bớt chiều dài để khi cài khuy khoe lộ một ít vạt thân thứ nhất, khuy cài cách sườn, lộ 1/3 vạt áo trong để tạo dáng của áo. Cổ áo dựng thì thấp hơn kiểu trên, nẹp cổ áo lá sen ẩn phía trong.

Chất liệu thường là sa, lụa ... lớp áo 5 thân thường màu đen. Cũng có khi liền anh Quan họ mặc áo dài ngoài may 2 lượt, gọi là áo kép.

- Quần. Kiểu quần hay được các liền anh sử dụng phổ biến nhất là

cạp viền nhỏ để luồn dải rút. Cũng có khi cạp vắt chéo, sau đó vặn lộn ra mấy vòng cho chặt, không cần giải rút.

Loại quần này có một ống tròn đứng, giống như ống đựng sớ tâu vua, nên gọi là quần ống sớ. Quần ống sớ của liền anh Quan họ thường là màu trắng, may bằng diềm bâu, trúc bâu hoặc lụa...

Về xa xưa Quan họ nam thường đi guốc mộc, mũi tròn, cong lên để che và bảo vệ các ngón chân. Quai một lỗ bằng da trâu hoặc da bò, cũng để xâu ngón cạnh ngón cái như dép nữ Quan họ. Về sau nam Quan họ đi “dép Gia Định” làm bằng vải dày, nhiều lượt, mũi tròn hoặc nhọn, cong lên. Sau rồi cho tiện, người ta làm dép Gia Định bằng da.

Tóm lại, trang phục Quan họ chính là trang phục của các nam thanh nữ tú đi trẩy hội mùa xuân. Song người Quan họ đã cải biến nó cho phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của mình. Tuyệt nhiên không có trang phục nào là của riêng người Quan họ cả. Chính vì vậy trang phục mới hòa quyện chung với trang phục của tuổi trẻ trong ngày hội.

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 40)