Tổ chức “Bọn Quan họ”

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 55)

“Bọn Quan họ” là tên gọi do các liền anh, liền chị Quan họ ngày xưa đặt ra để chỉ tổ chức cơ sở của Quan họ. Điều này, đòi hỏi những ai muốn tham gia “chơi Quan họ” thì bắt buộc phải xin gia nhập một bọn Quan họ nào đó của làng xã.

“Bọn” về nguyên gốc từ nghĩa, là để chỉ một tập thể đồng chất. Tổ chức Quan họ ở cơ sở bao giờ, ở đâu cũng đều phải là một tập thể cùng giới tính, nghĩa là gồm toàn nam hoặc toàn nữ. Quy định về đồng chất giới tính này rất chặt chẽ đến mức người đứng đầu bọn Quan họ nam cũng là một “ông trùm” và người đứng đầu bọn Quan họ nữ gọi là “Bà trùm”, cũng có nơi gọi là “anh cả” và “chị cả”.

Do đó, đã gọi là làng Quan họ thì mỗi làng phải có ít nhất là một bọn Quan họ nam và một bọn Quan họ nữ. Đa số các làng, tổ chức bọn Quan họ được hình thành tới cấp xóm. Chẳng hạn, Lũng Giang xưa có 4 xóm, mỗi xóm đều có một bọn Quan họ nam và một bọn Quan họ nữ, làng Viêm Xá có 9 xóm thì có tới 5 bọn Quan họ nam, 5 bọn Quan họ nữ.

Tổ chức nhân sự của một bọn Quan họ cũng rất chặt chẽ và là quy định phổ biến chung cho tất cả các bọn Quan họ ở tất cả các làng Quan họ. Đã là một bọn Quan họ thì phải có các thành phần sau:

Thành phần đầu tiên phải kể đến và không thể thiếu trong mỗi bọn Quan họ là: Ông trùm hoặc bà chùm (hay anh cả, chị cả).

Đó là các liền anh, liền chị đã lớn tuổi, không trực tiếp đi “chơi Quan họ” nữa, đứng ra tập hợp lực lượng để thành lập bọn Quan họ.

Một bọn Quan họ cũng không thể thiếu những người trực tiếp đi “chơi Quan họ” được gọi là những liền anh, liền chị Quan họ. Một quy định bất di bất dịch nữa là một bọn Quan họ chỉ được có 5 liền anh (nếu là nam) và 5 liền chị (nếu là bọn nữ). Vậy nên trong quá trình hoạt động, nếu có liền anh, liền chị nào đó thôi không tham gia ‘‘chơi Quan họ’’ nữa thì buộc phải bổ sung ngay cho đủ năm người.

Tùy theo khả năng và uy tín mà mỗi bọn Quan họ đều phân định thành tên phiếm chỉ theo thứ tự số lượng:

Bọn nam: Anh hai, anh ba, anh tư, anh năm, anh sáu Bọn nữ: Chị hai, chị ba, chị tư, chị năm, chị sáu

Đó là tên gọi chính thức của từng người. Khi giao tiếp và ca hát, người ta gọi nhau theo tên phiếm chỉ ấy và tuyệt đối không gọi tên thật (tên tục) của nhau. Điều này phù hợp với đặc điểm chung của Quan họ là: Quan họ sử dụng nhiều nhã ngữ khi giao tiếp và ca hát, nghĩa là lối nói gián tiếp, tránh gọi tên trực tiếp các sự vật, hiện tượng.

Về số lượng liền anh, liền chị tham gia trong bọn Quan họ, các nghệ nhân đã giải thích nôm na, dễ hiểu rằng: Bàn tay, bàn chân chỉ có 5 ngón nên Quan họ cũng chỉ có được 5 người.

Đồng thời, người Quan họ cũng tuân thủ theo thuyết âm dương, ngũ hành của phương Đông: vũ trụ được tạo ra do sự vận hành của 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Hơn nữa, Quan họ chủ yếu là hát đôi, nên mỗi bọn đều phân ra từng cặp hát gồm 2 người để từng cặp thường xuyên ôn luyện với nhau. Chẳng hạn, một bọn Quan họ nữ có thể phân chia thành 10 cặp hát sau: Chị Hai - Chị Ba, Chị Hai - Chị Tư, Chị Hai - Chị Năm, Chị Hai - Chị Sáu, Chị Ba - Chị Tư, Chị Ba - Chị Năm, Chị Ba - Chị Sáu, Chị Tư - Chị Năm, Chị Tư - Chị Sáu, Chị Năm - Chị Sáu. Vậy là, bất kỳ 2 liền anh hoặc 2 liền chị nào đó trong cùng bọn đều có thể hát đôi với nhau.

Quan họ chỉ có từ anh Hai, chị Hai vì các nghệ nhân cho rằng các ông trùm, bà trùm chính là anh Cả, chị Cả trong bọn Quan họ.

Nhu cầu bắt buộc của Quan họ là phải thường xuyên sáng tác bài bản mới, mới cả nhạc lẫn lời (gọi là giọng mới hoặc bài độc). Mặt khác, hát Quan họ là đối giọng, nên nếu bên kia tung ra bài sáng tác mới, thì sau đó bên này phải sáng tác bài để đối lại (cùng giai điệu âm nhạc với bài của bên kia nhưng lời khác).

Vì thế, mỗi bọn Quan họ thường phải có một người chuyên làm nhiệm vụ sáng tác bài mới và bài đối.

Ngoài việc sáng tác bài mới, bài đối, người sáng tác còn phải nghĩ ra các câu giao tiếp thường giàu chất văn chương. Các liền anh, liền chị học thuộc những câu nay để tùy cơ ứng biến trong những hoàn cảnh thích hợp.

Do đó, người sáng tác Quan họ phải có kiến thức uyên thâm, đồng thời phải vốn là người đã từng nhiều năm đi “chơi Quan họ”, chất Quan họ ngấm vào trong từng mạch máu. Chính vì thế, người sáng tác thường là nam giới (cho dù là người của bọn Quan họ nam hay bọn Quan họ nữ).

Trong mỗi bọn Quan họ đều phải có một người chuyên làm nhiệm vụ phục vụ. Những người này thường là người nhà của thành viên trong bọn Quan họ. Những người phục vụ chuyên làm việc như dọn dẹp “nhà chứa” , têm giầu, làm “cơm Quan họ”...

Để duy trì “Bọn Quan họ” qua nhiều thế hệ thì mỗi bọn Quan họ thường dìu dắt một số em nhỏ từ 9 -10 tuổi, đến năm mười tám, đôi mươi, các em mới tạm đủ câu, đủ lối dần dần thay thế lớp liền anh, liền chị đã cao tuổi. Những em nhỏ này thường là con cháu trong nhà các liền anh, liền chị và trong cùng xóm với bọn quan họ. Các em nhỏ được đào tạo theo hai cách:

- Do các liền anh, liền chị trực tiếp truyền dạy từ cách hát, giao tiếp tới những hiểu biết toàn diện về Quan họ. Vì vào ban ngày các liền anh, liền chị còn phải bận việc lao động, sản xuất hoặc buôn bán, nên thường các em phải học ban đêm. Bởi học quá khuya, không về nhà được, nên các em phải ngủ lại “nhà chứa”, gọi là “ngủ bọn”.

- Hoặc bằng cách kiến tập tự nhiên, nghĩa là theo các liền anh, liền chị đi “chơi Quan họ” hoặc được dự các buổi bọn Quan họ tiếp Quan họ bạn trong những ngày lễ hội. Qua việc chứng kiến thường xuyên ấy, các em thuộc câu, thuộc lối một cách tự nhiên.

Thông thường, bọn Quan họ nam kèm cặp các em nam, bọn Quan họ nữ kèm cặp các em nữ, nhưng cũng có khi một bọn kèm cặp cả các em nhỏ nam - nữ. Đây là việc đào tạo tầng lớp kế cận rất công phu, nhằm bảo đảm Quan họ nói chung, từng bọn quan họ riêng tồn tại lâu dài theo hướng “tre già măng mọc”.

2.1.2.2. Nhà chứa

Có thể nói, Quan họ có thiết chế văn hóa rất hoàn chỉnh. Quan họ không chỉ có tổ chức “Bọn Quan họ” mà còn có những cơ sở vật chất cho những sinh hoạt văn hóa Quan họ.

Ngoài những cơ sở vật chất và địa điểm sẵn có của làng để sinh hoạt Quan họ như đình, đền chùa, sân đình, sân đền, sân chùa, hoặc đồi, đê, ao , hồ... còn có một cơ sở vật chất quan trọng hơn cả, của riêng từng bọn Quan họ, đó là “nhà chứa”. Theo từ nguyên, thì “nhà chứa” đơn giản chỉ là nhà để chứa bọn Quan họ.

Đó là nơi hội họp, tập luyện, nơi“ngủ bọn” của bọn Quan họ và nơi lớp đàn em học nghề chơi. Vì một đặc điểm nổi bật của Quan họ là tính tập thể cao, nếu cả bọn không thường xuyên luyện tập thì không thể đi “chơi Quan họ” được. Ngày xưa, ngay từ đầu tháng chạp (âm lịch), các bọn Quan họ đã phải luyện tập tại nhà chứa để chuẩn bị cho các buổi đi chơi Quan họ vào năm sau, nhiều khi tập quá khuya phải nghỉ tại nhà chứa. Đây cũng là nơi đón tiếp và mời cơm Quan họ bạn, nơi tổ chức hát canh giữa các bọn Quan họ sở tại và bọn Quan họ kết nghĩa với mình trong dịp lễ hội xuân của làng.

Mỗi bọn Quan họ đều phải có nhà chứa riêng, do vậy, nếu làng có 10 bọn Quan họ (như ở Viêm Xá) thì cũng phải có 10 nhà chứa.

Nhà chứa có thể là nhà của một người cao tuổi trong xóm, có uy tín và đã có thời là liền anh, liền chị nhà cửa rộng rãi, thoáng mát, khang trang. Chủ nhà chứa được gọi là “ông chứa” (nếu là chứa bọn Quan họ nam) hoặc “bà chứa” (nếu là chứa bọn nữ). Nhà chứa cũng có thể là nhà của các thành viên trong bọn luân phiên đăng cai nhà mình làm nhà chứa. Vì vậy mà bọn Quan họ nào cũng có nhà chứa.

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 55)