Lễ hội Quan họ, đặc biệt là lễ hội Lim là môi trường để sinh hoạt Quan họ thể hiện phong cách của người Quan họ, thái độ của người Quan họ đối với nhau thông qua các hành vi trong giao tiếp và ca hát giữa các liền anh, liền chị Quan họ.
Trước hết, văn hóa hành vi Quan họ được hình thành từ những cơ sở nội tại ngay trong chính bản thân văn hóa Quan họ.
Nếu như trong hầu hết các loại hình dân ca khác, người ta hay nói: Đi hát Trống quân, đi hát Ví, đi hát Đúm… thì người Quan họ xưa lại nói “đi chơi Quan họ” và Quan họ là một “nghề có tinh mới tường”
Trong Quan họ chữ “chơi” được sử dụng phổ biến nhất, nó không chỉ được sử dụng phổ biến trong lời ca Quan họ mà còn cả trong những câu giao tiếp của các liền anh, liền chị. Người ta thống kê trong 213 giọng Quan họ thì có tới 165 chữ “chơi”. Nhiều bài Quan họ ngay tên bài đã sử dụng chữ “chơi” như bài: Khách đến chơi nhà, chơi cho sấm động mưa sa, chơi cho đám hội mua vui, chơi cho nước Hán sang Hồ, chơi cho lá rụng vào đền vua Ngô, chơi cho hòn đá nảy mầm, dưới giời mấy kẻ biết chơi, khi vui chơi trà rồi lại tửu…
Chữ “chơi” còn được sử dụng rất phổ biến trong giao tiếp Quan họ. Chẳng hạn một cuộc đối thoại sau:
“ – Em xin có lời mời anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm… đương Quan họ ngồi chơi. Cảnh chúng em nhà gianh vách đất, chiếu đơn, giường hẹp, chúng em chỉ có tấm lòng.
- Dạ “Gạch lát vàng cửa điện môn” mà hẹp bụng thì sao bằng đố sậy giường tre mà rộng chơi, rộng nghĩ ạ…”
Không chỉ là “chơi”, Quan họ còn là một “nghề chơi” rất công phu. Từ đó, đã hình thành phong cách riêng của người Quan họ về đối nhân, xử thế thông qua giao tiếp và ca hát, trở thành phổ biến chung, quy định chung cho mọi liền anh, liền chị Quan họ tạo nên văn hóa hành vi Quan họ.
Một điều nữa tạo nên văn hóa hành vi Quan họ là các cuộc chơi Quan họ tổ chức nhằm để những bọn Quan họ có cơ hội giao lưu, kết bạn, hát chơi với nhau chứ không phải mục đích thi hát để tranh tài cao thấp, phân ra thứ hạng giải.
Tuy nhiên, không ít người nhầm tưởng rằng hình thức hát canh là hát thi. Thực ra thì, trong canh hát có sự phân ra bên thắng câu, bên thua câu trong mỗi canh hát, nhưng cũng chỉ là phân ra cho vui. Chính vì vậy buổi hát canh đó được gọi là “Quan họ du ca tại gia” có nghĩa là: Quan họ hát chơi tại nhà.
Mặt khác, những bọn Quan họ đã kết bạn với nhau, họ có mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, người ta chơi với nhau thân thiết như anh em ruột thịt, còn xem nhau như họ hàng như ở những làng đã kết chạ với nhau.
Mối quan hệ trong nội bộ bọn Quan họ cũng hình thành những tình cảm hết sức bền chặt thể hiện trong việc đặt tên phiếm chỉ theo thứ tự số lượng các thành viên trong một bọn Quan họ. Bọn nam có từ anh Hai tới anh Sáu, bọn nữ có từ chị Hai đến chị Sáu. Trong ngôn ngữ Nam bộ, việc gọi tên đó là theo thứ tự ruột thịt trong gia đình.
Hơn nữa, mỗi bọn Quan họ đều hình thành những cặp chơi (hai người) và bất kỳ hai người nào cũng đều là cặp hát với nhau để hàng ngày từng cặp chơi phải gặp gỡ nhau để luyện câu, luyện giọng, luyện cách giao tiếp. Từ đó, tạo nên mối quan hệ tình cảm bền chặt, toàn diện giữa tất cả các liền anh, liền chị trong bọn Quan họ. Chính vì vậy trong mỗi bọn Quan họ đã hình thành phong cách và thái độ của người Quan họ đối với nhau thông qua các hành vi giao tiếp và ca hát. Những quy định chung, bắt buộc này dù không thành văn bản nhưng được những người “chơi Quan họ” tuân thủ theo một cách tự nguyện, tự giác. Từ đó đã hình thành nên văn hóa hành vi Quan họ với những đặc tính chung.
Điều đầu tiên mà những ai đã từng nghe và xem Quan họ đều dễ nhận thấy là: Người Quan họ lịch thiệp, tao nhã nhưng rất tài hoa trong giao tiếp và ca hát. Điều đó được xuất phát tự đáy lòng từ chính cái “tâm” của người Quan họ, từ lễ nghĩa mang tính truyền thống của con người vùng Quan họ. Sự lịch thiệp, tao nhã, tài hoa của người Quan họ thể hiện trong lời giao tiếp vừa thực thà dân dã, vừa giàu chất văn chương, thi ca.
Thứ hai, người Quan họ có tính bình đẳng rất cao. Chúng ta biết
rằng, kết bạn Quan họ là điều kiện tiên quyết để có những sinh hoạt Quan họ. Nhưng bọn Quan họ đã kết bạn với nhau là ngang nhau, không bên nào là bọn anh (hoặc bọn chị). Tính bình đẳng của Quan họ cũng là kế thừa và phát huy từ lễ nghĩa truyền thống của người vùng Quan họ. Lễ nghĩa ấy được khởi thủy từ tục kết chạ giữa các làng xã. Khi đã kết chạ rồi thì đôi làng ngang nhau, bình đẳng với nhau. Ngày nay, tính bình đẳng trong văn hóa hành vi Quan họ còn thể hiện một nét hiện đại đó là sự bình đẳng giữa nam và nữ. Một biểu hiện cụ thể là người Quan họ ai cũng tự xưng “em” hoặc “chúng em” và gọi bên kia là “anh” hoặc “chị”. Đây là một đặc trưng Văn hóa hành vi tiêu biểu của Quan họ mà ta không thể tìm thấy trong tất cả các loại hình dân ca, nhạc cổ truyền khác.
Chúng ta hãy cùng nghe đoạn giao tiếp sau đây do nghệ nhân Phạm Văn Thà kể lại:
“- Đã lâu ngày Quan họ không về chơi, hôm nay chúng em mời Quan họ đến chơi bên chúng em, trước là thầy mẹ chúng em mừng, sau là chúng em được học đòi Quan họ đôi câu.
- Em đỡ lời anh Hai, anh Ba, anh Tư …(hoặc chị Hai, chị Ba, chị Tư…) chúng em chỉ sợ năng mưa thì tốt lúa đường, chúng em năng đi lại thầy mẹ lại coi thường chúng em ra
- Da, anh Hai, anh Ba, anh Tư…(hoặc chị Hai, chị Ba, chị Tư…) cứ nói thế, chứ năng mưa thì càng tốt lúa soi, mà Quan họ năng đi lại thì thầy mẹ chúng em coi như vàng đấy ạ”
Cách xưng hô của các liền anh, liền chị Quan họ còn được thể hiện rõ hơn trong lời ca.
Nếu như trong các loại hình dân ca khác như hát Ví, hát Trống quân thường bên nam xưng “anh” và gọi bên nữ là “em”. Như trong câu hát Ví sau đây:
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường Thấy em nằm đất anh thương ….
Và thường là bên nữ xưng “em” và gọi bên nam là “anh”
- Trăm năm em quyết đợi chờ
Cầm bằng tóc bạc như tơ cũng đành - Thuyền tình lại ghé bến tình
Thương anh vất vả một mình anh ơi
(Trống quân)
Rõ ràng, ở tất cả các loại dân ca, trong cách xưng hô bên nam bao giờ cũng là người trên. Còn như người Quan họ thì đôi bên là ngang nhau, bình đẳng với nhau.
Nam Quan họ gọi nữ Quan họ “chị”, xưng là “em” hoặc “chúng em”:
Cây trúc xinh trúc mọc bờ ao
Chị Hai xinh, chị Hai đứng nơi nào cũng xinh
(Cây trúc xinh)
Ngay cả đến chị Năm, chị sáu, thường là người ít tuổi nhất và tài chơi Quan họ thì chỉ là chập chững, bước đầu, cũng được gọi là chị.
Chị Năm ơi, chị Sáu ơi! Bởi vì đâu
Anh em chúng tôi phải lên thác xuống ghềnh. (Ông giăng bên đông)
Thứ ba, người Quan họ bao giờ cũng tôn trọng, quý trọng nhau, đề cao lẫn nhau.
- Trong giao tiếp và lời ca, người Quan họ bao giờ cũng nói thấp đi khi nói về mình, nói cao hơn khi nói về bạn. Ví dụ như thực ra thì bữa cơm thiết bạn rất thịnh soạn, nhưng người mời vẫn nói “đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa”. Hoặc như giọng hát của một liền anh, liền chị nào đó vốn rất nổi tiếng nhưng vẫn nói với bạn hát rằng “Chúng em đã ca đôi câu, thật là
cầm đèn soi giăng, đánh trống qua cửa nhà sấm. Giờ xin Quan họ người ca đôi câu để chị em chúng em theo tiếp”.
Cách nói đó của người Quan họ có ảnh hưởng từ cách nói khi giao tiếp với khách của người dân ở những làng kết chạ hoặc của chủ tiếp khách trong dịp hội làng, rộng hơn nữa, đó là cách nói của chung người xứ Bắc xưa.
- Người Quan họ dùng những đại từ xưng hô ở dạng đặc biệt để gọi bạn chẳng hạn: Người, Quan họ, đương Quan họ.
Cách nói gián tiếp, tránh gọi tên trực tiếp các sự vật, hiện tượng được gọi là nhã ngữ. Ví dụ trong bọn Quan họ thì đặt tên theo phiếm chỉ số lượng. Ngoài đại từ thông thường để gọi gián tiếp trên, Quan họ còn sử dụng một số đại từ ở dạng đặc biệt, đều là biểu hiện của sự trân trọng và đề cao bạn như “người”, “Quan họ”, “đương Quan họ”
Trước hết nói về đại từ người, cá biệt, có trường hợp “người” làm nhiệm vụ của danh từ.
Người khôn ai chả nâng niu
Hoa thơm ai chả chắt chiu trên cành
(nhất quế nhị lan)
Còn đa số “người” làm nhiệm vụ của một đại từ, kiểu như:
Người về em vẫn khóc thầm, Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa Người về em vẫn trông theo
Trông nước, nước chảy, trông bèo bèo trôi
Hơn nữa, trong giao tiếp và lời ca Quan họ, không ít trường hợp các liền anh, liền chị dùng chính tên loại hình sinh hoạt văn hóa Quan họ để làm đại từ chỉ người, chẳng hạn câu trong bài “con nhện giăng mùng”:
Quan họ trở ra về có nhớ đến chúng em chăng? Ai đem người ngọc thung thăng chốn này
Quan họ trở ra về khăn áo người gửi lại đây, Chữ nhớ thương em xếp để dạ này bao quên.
Tính chất quý trọng nhau, đề cao lẫn nhau của người Quan họ được biểu hiện rất rõ trong việc gọi nhau là “đương Quan họ”.
Trong giao tiếp, các liền anh, liền chị thường gọi nhau là “đương Quan họ”. Như trong cuộc hội thoại sau:
“- Thôi thì, nhất niên, nhất lệ, năm mới, tháng xuân, ngày xuân thong thả, chị em chúng em đi hội cầu may, tình cờ lại gặp người đây, đương Quan họ liền anh cho ăn giầu thì chúng em xin nhận ạ!
- Miếng giầu là đầu câu chuyện. Xin mời đương Quan họ xơi khẩu giầu, rồi đương Quan họ người cất câu ca, trước là ngày xuân anh em chúng em gặp may mắn, sau này là được học đòi Quan đôi câu”.
Trong hệ thống lời ca, cụm từ “đương Quan họ” xuất hiện nhiều lần, làm nhiệm vụ như một đại từ chỉ một tập thể người. Chẳng han:
Đương Quan họ ơi!
Phải duyên thì lấy chớ nghe ai gièm
(Hừ là – Vui vẻ thế này)
Đương Quan họ ơi!
Trai anh hùng sánh với gái thuyền quyên, Phỉ quyền sánh phượng đẹp duyên Châu Trần
(La rằng – Hôm nay tứ hải giao tình)
Thực ra “đương Quan họ” là nói chệch từ “Đông Quan họ”. Thủy tổ Quan họ là Nam hải đại vương, như vậy được xem là cùng anh em với Tứ hải Long vương: Đông hải đại vương, Nam hải đại vương, Tây hải đại vương, Bắc hải đại vương. Chính vì thế người ta mới kiêng húy mà nói chệch “đông” thành “đương”.
Các liền anh, liền chị gọi nhau là “đông” (đương), ý muốn biểu hiện sự trân trọng, quý trọng, đề cao lẫn nhau, phù hợp với bản sắc nội tại của Văn hóa Quan họ. Khái niệm này xuất phát từ quan niệm dân gian và phương Đông cổ đại, chữ “Đông” (nói chệch thành “Đương”) bao giờ cũng để chỉ cái đẹp, chỉ sự cao quý. Chính vì thế, người Quan họ sử dụng cụm từ “Đương Quan họ” gọi nhau, biểu hiện sự quý trọng và đề cao lẫn nhau.
Thứ tư, người Quan họ có tinh tập thể rất cao.
Đặc tính này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt văn hóa Quan họ. Muốn chơi Quan họ bất kỳ ai cũng phải gia nhập một tổ chức “Bọn Quan họ” nào đó. Trong “Bọn Quan họ” cũng được tổ chức hết sức chặt chẽ, các thành viên trong bọn có sự gắn bó mật thiết với nhau trong sinh hoạt Quan họ cũng như trong đời sống hàng ngày, họ cùng giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Tinh thần tập thể trong sinh hoạt Quan họ còn được thể hiện trong cách xưng hô của người Quan họ. Trong ca hát quan họ, phổ biến là hát đôi,
đôi nam ca đối đáp với đôi nữ. Vậy mà, trong lời ca Quan họ, thường chỉ thấy xuất hiện đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít “em” còn hầu như vắng bóng những đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, số nhiều như “các anh” . Bởi vì thực chất, đại từ “em” cũng làm cả nhiệm vụ của đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều, chỉ cả hai người hoặc cả bọn Quan họ. Chẳng hạn, câu sau đây trong bài “Dọn quán bán hàng”, Quan họ dùng đại từ “người”, nhưng thực chất “người” được dùng trong câu ca là chỉ số nhiều (2 người) như vậy mới tương ứng với “đôi em” .
Ước gì người vợ đôi em chồng Người bế con gái, em bồng con trai.
Như vậy, hiểu được lề lối ca Quan họ và Văn hóa hành vi Quan họ thì ta mới có thể hiểu được đôi câu ca trên.
Tính tập thể cao của người Quan họ được thể hiện đậm nét hơn trong câu ca sau:
Bốn tôi như mạ mới gieo
Như lúa mới cấy còn non đòng đòng Bốn tôi như đũa đòng đòng
Đẹp duyên sao chả đẹp lòng mẹ cha
Tức là ở đây, bốn người hát (đôi nam, đôi nữ) hòa nhập làm một, dù cho lúc đó chỉ là hai người ca nhưng vẫn hòa nhập với cả đôi bạn kia. Điều đó để cho thấy rằng, người Quan họ có tính tập thể rất cao.