Dân ca Quan họ

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 48)

* Tính chất âm nhạc của làn điệu quan họ

Theo nhà nghiên cứu Lê Danh Khiêm - Trưởng Ban sưu tầm nghiên cứu Quan họ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin: “Không gian văn hóa Quan họ là sự hợp thành của 5 mặt hoạt động: Dân ca Quan họ, tục kết bạn Quan họ, Văn hóa hành vi Quan họ, lễ hội Quan họ và tín ngưỡng Quan họ”. Trong đó, Dân ca Quan họ là mặt hoạt động trọng tâm, hay nói cách khác, tiếng hát Quan họ là phương tiện để thực hiện tất cả các mặt hoạt động của mình. Những tinh hoa của dân ca Quan họ được thể hiện tập trung ở các lễ hội, đặc biệt là hội Lim - một lễ hội Quan họ lớn và tiêu biểu nhất của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Điểm qua một số hoạt động trong lễ hội xứ Kinh Bắc – Bắc Ninh để thấy ca hát Quan họ là phương tiện để thực hiện các mục đích “chơi Quan họ”:

- Các bọn nam mới thành lập ở các làng Quan họ, tới hội tìm bọn quan họ nữ xin kết bạn. Trong việc này có tổ chức hát, mục đích là để đôi bên tỏ rõ cái tình, cái nghĩa của mình và cầu mong được thành bạn lâu dài. Nhiều câu hát lại như những lời “ướm hỏi” bạn xem có thể “cá nước, chim trời” gặp nhau không:

Hôm nay lan huệ sánh bầy

Đào đông xin hỏi liễu tây mấy nhời. Lạ lùng ướm hỏi nhau chơi

Nữa may cá nước, chim trời gặp nhau

(La rằng – hôm nay loan huệ sánh bầy)

Qua câu hát, nếu thấy thuận ý, thuận tình thì bọn Quan họ nữ mới chính thức “nhận nhời” kết bạn.

- Các lễ hội còn là nơi hò hẹn của hầu hết bọn Quan họ kết bạn trong vùng Quan họ. Nhằm vào dịp năm mới, tháng xuân, các bọn Quan họ kết bạn ở các làng gặp gỡ nhau và hò hẹn đi chơi hội. Đến hội, từng cặp bạn rủ nhau vào làm lễ đình, lễ chùa. Sau đó, tìm nơi thích hợp, đứng ngoảnh mặt vào nhau trò truyện và ca hát đối đáp. Trưa thì mời nhau và các quán, tiệm ăn uống. Buổi chiều lại ca hát tới tận tối thì “giã bạn”. Cũng có những cặp dùng dằng mãi mới chia tay.

Quan họ, mục đích chính là “chơi Quan họ”, dân ca Quan họ - tiếng hát Quan họ chỉ là phương tiện để người Quan họ thực hiện các cuộc “chơi” của mình, tức là thực hiện phong cách của người Quan họ.

Quan họ là một loại dân ca ra đời sớm và phát triển liên tục trong lịch sử đã tạo ra hàng trăm làn điệu. Cuốn Dân ca Quan họ Bắc Ninh,

xuất bản năm 1962 chép được 285 lời ca, còn theo con số đi sưu tầm, ghi chép được của đoàn DCQH có chừng gần 250 bản lời ca. Có tài liệu nói có 500 bản lời ca. Nhưng theo nhà sưu tầm Quan họ Lê Danh Khiêm có 213 giọng Quan họ thì có 3 hệ thống giọng Quan họ: Các giọng lề lối,

các giọng lẻ, giọng vặt, các giọng giã bạn. Cụ thể số lượng giọng của từng hệ thống giọng như sau:

- Các giọng lề lối: 20 giọng.

- Các giọng lẻ, giọng vặt (còn gọi là các giọng hát giao duyên): 183 giọng.

- Các giọng giã bạn: 10 giọng.

Quan họ là một loại dân ca cổ, nó là loại dân ca có sự phát triển nội tại, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hiện nay còn quan sát thấy. Đối với dân ca Quan họ, cái còn đọng lại trong con người, cái có hiệu quả nghệ thuật ngay trong bản thân nghệ nhân là lời và nhạc. Trong dân ca Quan họ lời và nhạc luôn có sự kết hợp, phù hợp lẫn nhau.

* Tính chất âm nhạc của làn điệu Quan họ

Đã có nhiều nhạc sĩ bỏ nhiều công nghiên cứu âm nhạc dân ca Quan họ. Như nhiều tác giả phân tích, một bộ phận khá lớn trong những bài Quan họ thường có bố cục hai phần: Phần đầu có tính chất ngâm vịnh gọi là giọng Bỉ, phần này mang tính chất dạo đầu để vào phần chính, tiết tấu chậm rãi, tự do; phần thân bài mang tính chất của ca khúc: tiết tấu, khuôn nhịp rành mạch, có phân câu, phân tiết rõ ràng, tốc độ thường nhanh hơn phần Bỉ. Hình thức đầy đủ nhất kết cấu 3 phần: Bỉ, Thân bài, Đổ. Đổ là chuyển giọng mang sắc thái mới, bất ngờ để báo hiệu hết bài. Những bài hát có tính chất đầy đủ này chỉ thấy trong giọng Vặt. Ở giọng Lề lối như Hừ la, La rằng lại giữ điệu thức ba âm như một số bài hát Lề lối của hát Xoan, Dô, Dậm. Điều đó chứng tỏ tính chất cổ của các làn điệu Lề lối. Quan họ có hơn trăm làn điệu và mỗi làn điệu lại là một ca khúc hoàn chỉnh, nên âm nhạc Quan họ cũng rất đa dạng. Nhưng dù đa dạng đến đâu thì tiếng hát Quan họ cũng có sự quen thuộc với những làn điệu khác của dân ca này. Đó là sự chuyển động của giai điệu theo sát các dấu giọng tiếng Việt trong điệu thức ngũ cung. Trong giai điệu, nhiều nét quen thuộc được lặp đi lặp lại ở các dạng

khác nhau, ta có thể gọi đó là những mô típ đặc trưng. Giai điệu trong dân ca Quan họ vẫn dựa trên những cơ sở âm điệu quen thuộc của dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng biến hóa theo hình thái riêng. Chẳng hạn, giai điệu Quan họ là loại giai điệu nhiều luyến láy, chứa đựng nhiều hình thái âm điệu. Do đó, những âm điệu, những mô típ có tính chất đặc trưng trong dân ca Việt Nam đi vào Quan họ cũng mang những hình dạng phức tạp hơn. Sự vận động của những nét nhạc ở khoảng âm cao xuống khoảng âm thấp (hay ngược lại) rất ít khi diễn tiến trực tiếp mà thường uốn khúc theo lối bậc thang. Độc đáo hơn nữa là sự vận động liên tục của âm điệu bốn, năm (cùng dạng thêu) có khi tạo thành những vế nhạc lớn.

Như vậy, âm nhạc Quan họ là loại có rất nhiều làn điệu; mỗi làn điệu đã đạt đến trình độ ca khúc hoàn chỉnh, đã có một phong cách riêng so với các dân ca khác, dù tiếp thu rất nhiều dân ca vẫn đồng hóa với âm điệu gốc rất hoàn chỉnh.

* Nghệ thuật thơ ca Quan họ

Hầu hết lời ca của các bài ca Quan họ là thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Theo cuốn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong tổng số 285 bài lời Quan họ in trong cuốn sách ấy thì có tới 237 bài theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, chiếm chừng 80%, 29 bài theo thể bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp, chiếm 12%, 19 bài theo các lối biến thể khác chiếm 8%. Tiếng hát Quan họ tạo nên hiệu quả thẩm mĩ chính vì sự kết hợp nghệ thuật cao của thơ ca – âm nhạc – giọng hát người Quan họ.

Thơ ca trong lời ca Quan họ không phải mọi bài đều hay mà có bài hay cả bài, có bài có những đoạn thơ, những câu thơ hay mà phải kết hợp với giọng hát đủ 4 yếu tố như “vang - rền - nền - nẩy”. Hát Quan họ là hát giao duyên, tức là phải có đôi (đôi nam, đôi nữ hoặc đôi nam – nữ), phải tìm được hai người có giọng hợp nhau, hòa quyện vào nhau, tuy hai là một. Chính giọng hát đã tạo ra âm nhạc cho bài ca vì Quan họ xưa hát không có

nhạc đệm nên người Quan họ đã dùng những từ đệm như tình tang, ấy mấy, dậu mà, tình bằng, song luống tình, phú lý tình… cũng có khi dùng chính từ

đệm đó để đặt tên cho làn điệu âm nhạc.

Lời ca của bài ca Quan họ chủ yếu là thơ lục bát và tuân theo luật bằng trắc thể hiện luật phối thanh của thể thơ này. Và thường tuân theo quy luật sau:

Câu sáu chữ: B – T – B Câu tám chữ: B –T – B – B

Ví dụ: Người về (B) em vẫn (T) khóc thầm (B) Đôi bên (B) vạt áo (T) ướt đầm (B) như mưa (B)

Với cách phối thanh như vậy đã tạo nên sự mượt mà, thướt tha cho lời ca. Có những bài lời ca theo thể thơ 4/8 nhưng khi hát lại được biến hóa tài tình.

Ngồi (rằng là) ngồi tựa (ối a) song đào Ngồi tựa (ối a) song đào

Hỏi người (là người) tri kỷ ra vào có thấy vấn vương Hự rằng hứ hối hứ

Gió (rằng là) gió lạnh (ối a) đêm trường Gió lạnh (suốt) đêm (đông) trường

Nửa chăn (là chăn) nửa chiếu (ối a) cũng có Nửa giường (là) nửa giường để đấy đợi ai Hự rằng hứ hội hư

Lời của đoạn hát trên được ghi thành thơ như sau: Ngồi tựa song đào

Hỏi người tri kỷ ra vào vấn vương Gió lạnh đêm trường

Cũng có người gọi thơ 4/8 như vậy là một biến thể của thơ 6/8. Trong thể biến hóa tài tình cả về số chữ, luật phối thanh âm bằng trắc, sự hiệp vần… khiến những bài ca nổi tiếng khi ca lên thấm sâu và gây xúc động lòng người bằng cả tình thơ, ý thơ, nghệ thuật thơ, nghệ thuật âm nhạc và ca hát.

Điều đó, đòi hỏi người sáng tác Quan họ, không phải là sáng tác một bài thơ lục bát rồi áp vào giai điệu có sẵn là sẽ có bài mới mà giữa nhạc và lời gắn bó hữu cơ với nhau.

Mặt khác trong lời ca Quan họ, rất nhiều bài dựa theo ca dao, ca trù, hát văn, các truyện nôm khuyết danh và phổ biến hơn là Truyện Kiều, nên Quan họ là nghệ thuật phổ thơ.

Do đặc điểm trên, mà trong sáng tạo bài bản Quan họ có hai đặc trưng nổi bật:

- Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng tổng hợp, bao gồm cảm hứng sáng tạo âm nhạc và cảm hứng sáng tạo lời ca. Khác với dân ca một làn điệu thì chỉ là cảm hứng sáng tác thơ.

- Lời ca Quan họ sự dụng chủ yếu thể thơ lục bát và những biến thể của nó.

Như vậy, trong hệ thống lời ca Quan họ, người nghệ sĩ Quan họ đã biết sử dụng tài tình biến hóa thể thơ lục bát và tạo nên những bài lời ca theo thể thơ này có thể tồn tại độc lập mà vẫn có những giá trị nghệ thuật thơ ca ở trình độ cao. Nhưng khi cần thiết, người Quan họ cũng sử dụng một số thể thơ khác, kể cả văn xuôi để làm lời ca và có những thành công nhất định.

Không chỉ có vậy, ngôn ngữ thi ca trong lời ca Quan họ còn đạt tới những thành tựu nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Một ngôn ngữ khi thì mộc mạc đồng quê, khi thì trau truốt tài hoa nhưng bao giờ cũng giàu tính hình tượng, sâu đậm nghĩa tình. Ngôn ngữ ấy đã thu hút nhiều tinh hoa của nghệ

thuật ngôn ngữ thơ ca dân gian, thơ ca bác học… để rồi tạo ra một sắc thái riêng với những giá trị nổi bật, góp phần tạo ra những giá trị riêng.

Có những hình tượng đã quen thuộc và được khẳng định giá trị nghệ thuật trong thơ ca và nghệ thuật tạo hình từ rất sớm, ví dụ hình tượng cây trúc trong thơ ca và hội họa, điêu khắc… từ nhiều thế kỷ. Hình tượng cây trúc ta thường gặp ấy đã trở nên biểu tượng cốt cách, phẩm chất của người quân tử: cứng rắn, vươn thẳng, sức sống dẻo dai, bền vững trước mọi thử thách; ý chí kiên định; nhân cách thanh tao…

Trong lời ca Quan họ hình tượng cây trúc hay được nhắc đến như trong câu “Hôm nay xum họp trúc mai”.

Người Quan họ còn dành cả một bài ca cho trúc như bài “Cây trúc xinh”:

Trúc xinh trúc mọc sân đình

Anh (Hai) xinh anh (Hai) đứng một mình cũng xinh Trúc xinh trúc mọc bờ ao

Anh (Ba) xinh anh (Ba) đứng nơi nào cũng xinh Trúc xinh trúc mọc đầu chùa

Không yêu em lấy đạo bùa phải yêu.

(Trúc xinh)

Hình tượng cây trúc trong lời ca Quan họ đã dẫn đến một biểu tượng không hoàn toàn lặp lại biểu tượng quen thuộc của trúc mà đã biến thành một biểu tượng về vẻ đẹp theo góc độ thẩm mỹ của người bình dân, người Quan họ.

Hình tượng con đò, con thuyền cũng được biểu hiện khá thành công trong nhiều bài ca Quan họ:

Ngồi tựa mạn thuyền

Có khi thuyền hiện lên như biểu tượng một sự “mong manh” trong cuộc đời “bãi biển mênh mông” để cho người chờ, người đợi, người gọi … vài người tin con đò kia vẫn sẽ đến, vẫn “nhất tâm đợi chờ” dù “gọi đò chẳng thấy đò thưa” trong bài ca “Gọi đò.”

Một phần của tài liệu Nét văn hóa trong hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ trong lễ hội xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh (Trang 48)