Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại trong mối quan hệ với pháp luật Sở hữu trí tuệ và

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 85)

nhượng quyền thương mại trong mối quan hệ với pháp luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật Cạnh tranh

Những phân tích ở chương 2 đã chỉ ra rằng pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại, với tính chất khá đặc biệt của mình, có mối quan hệ mật thiết với pháp luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, những quy định hiện hành của pháp luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật Cạnh tranh khi áp dụng để điều chỉnh các quan hệ trong hợp đồng nhượng quyền thương mại đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp với bản chất và đặc trưng vốn có của loại hợp đồng này. Do vậy, để điều chỉnh một cách có hiệu quả hợp đồng nhượng quyền thương mại, cũng như có sự phối hợp nhịp nhàng, hợp lý với pháp luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh, pháp luật Việt Nam cần xây dựng và hoàn

thiện các quy phạm pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại trong mối quan hệ với hai mảng pháp luật trên.

(i) Hoàn thiện các quy phạm pháp luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại

Trong mối quan hệ với pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại, pháp luật Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc bảo hộ và quy định quyền sử dụng đối với các đối tượng của “quyền thương mại”. Trên cơ sở pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện có, khi xây dựng các quy phạm pháp luật để áp dụng riêng trong quan hệ nhượng quyền thương mại cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Quy định “tên thương mại” là đối tượng có thể chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền thương mại. Đây có thể được coi là một ngoại lệ của pháp luật Sở hữu trí tuệ dành riêng cho quan hệ nhượng quyền thương mại. Đối với các quan hệ thương mại khác, tên thương mại thường là cơ sở phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, trong quan hệ nhượng quyền thương mại, việc đồng nhất tên thương mại giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền là một thỏa thuận cần thiết, được sự đồng ý và mang lại lợi ích đối với cả hai bên trong quan hệ.

- Nghiêm cấm các hành vi mang tính cải tiến hay sáng tạo đối với các đối tượng trong “quyền thương mại”. Nếu như trong quan hệ pháp luật Sở hữu trí tuệ thông thường, pháp luật cho phép và khuyến khích các bên sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp có quyền cải tiến, sáng tạo các đối tượng này thì trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại lại hoàn toàn không phù hợp. Việc cải tiến hay sáng tạo các đối tượng được chuyển giao trong “quyền thương mại” làm phá vỡ tính đồng bộ và nhất quán của hệ thống nhượng quyền.

- Đưa ra cơ chế bảo hộ một cách tổng thể tất cả các đối tượng trong “quyền thương mại”. Hiện nay, pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam mới chỉ dừng lại việc bảo hộ đối với một số đối tượng cụ thể, riêng lẻ. Điều này dễ dẫn tới tình trạng có những đối tượng cấu thành nên “quyền thương mại” do các bên thỏa thuận sẽ không được bảo hộ. Như đã biết, pháp luật chỉ đưa ra một số đối tượng cơ bản trong “quyền thương mại”, sự rộng hay hẹp của khái niệm này phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Do đó, việc bảo hộ một cách tổng thể tất cả các đối tượng trên là việc làm cần thiết. Thêm nữa, các yếu tố là thành quả sáng tạo trong hoạt động của bên nhượng quyền, tạo nên diện mạo riêng có của hệ thống nhượng quyền cũng cần được bảo hộ như cách bài trí cửa hàng, phong cách phục vụ, trang phục của nhân viên, cách thức tổ chức kinh doanh…

(ii) Xây dựng pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới góc độ luật cạnh tranh

Ở Việt Nam, có lẽ pháp luật cạnh tranh và pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại đều là hai mảng pháp luật còn khá mới mẻ. Do vậy, để xây dựng pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới góc độ luật cạnh tranh thực sự có hiệu quả và hữu ích, rất cần sự tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có sự phát triển về cả hai mảng pháp luật này.

Theo pháp luật cạnh tranh của Mỹ, một trong những nguyên tắc cơ bản để xác định một hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm là khi nó hạn chế thương mại một cách hợp lý [29], tức là phải xem xét hạn chế cạnh tranh đó về bản chất có tác dụng khuyến khích cạnh tranh hay thực sự ngăn cản cạnh tranh. Tuy nhiên, do quá trình xác định vấn đề này khá phức tạp và gây nhiều tốn kém, đôi khi lại không mang lại kết quả nên Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra kết luận, nếu một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thỏa mãn hai điều kiện: (i) có ảnh hưởng nghiêm trọng

đến cạnh tranh, và (ii) không có các tác dụng thúc đẩy cạnh tranh để bù lại, tức là không có sự biện minh hợp lý về tính hiệu quả của hành vi thì thỏa thuận đó mặc nhiên vi phạm pháp luật cạnh tranh mà không cần phải tiến hành phân tích toàn diện theo nguyên tắc lập luận hợp lý.

Với cơ chế này, pháp luật Mỹ đã giải quyết khá hợp lý các vụ việc liên quan đến các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh. Theo đó, một thỏa thuận được xem xét trên hai khía cạnh, đó là mức độ ảnh hưởng tới cạnh tranh và tính hiệu quả của thỏa thuận đó mang lại. Như vậy, có thể hiểu, nếu một thỏa thuận dù có sự ảnh hưởng nhất định đến cạnh tranh nhưng lại là một thỏa thuận cần thiết và đặc trưng, mang lại hiệu quả trong hoạt động nhượng quyền thương mại thì thỏa thuận đó có thể không vi phạm và bị cấm theo pháp luật cạnh tranh của Mỹ.

Một trong những thỏa thuận phổ biến mà bên nhượng quyền thường đưa ra đối với bên nhận quyền đó là bên nhận quyền phải mua từ bên nhượng quyền một số những nguyên liệu, sản phẩm kèm theo việc ký hợp đồng nhượng quyền thương mại, trong pháp luật Mỹ gọi là “ràng buộc bán kèm”. Để chứng minh một thỏa thuận bán kèm vi phạm pháp luật cạnh tranh của Mỹ, nguyên đơn thông thường phải chứng minh thỏa thuận bán kèm đó thỏa mãn 5 điều kiện: (i) sản phẩm chính và sản phẩm được bán kèm là hai sản phẩm riêng biệt, (ii) bên bán đã thực sự ép buộc bên mua đồng ý mua sản phẩm được bán kèm, (iii) bên bán có năng lực thị trường đủ mạnh trên thị trường sản phẩm chính để ép buộc bên mua phải đồng ý mua sản phẩm được bán kèm, và không có sự biện minh hợp lý cho ràng buộc bán kèm đó, (iv) có các ảnh hưởng hạn chế cạnh tranh trên thị trường sản phẩm được bán kèm, (v) thỏa thuận đó có liên quan đáng kể đến thương mại trên thị trường sản phẩm bán kèm.

Như vậy, có thể thấy theo cách nhìn nhận của pháp luật Mỹ, việc xác định một thỏa thuận có vi phạm luật cạnh tranh hay không được xem xét khá đầy đủ tính hợp lý, bất hợp lý, tính tích cực, tiêu cực của nó trong các mối quan hệ khác nhau. Do vậy, việc áp dụng pháp luật trở nên hết sức linh hoạt, mềm dẻo trong từng vụ việc cụ thể.

Ở Châu Âu, trên cơ sở phán quyết của Tòa án Tư pháp Châu Âu (ECJ) đối với án lệ Pronuptia de Paris - một án lệ điển hình khi xem xét một số điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, Ủy ban Châu Âu đã ban hành các quy định miễn trừ cho các hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại liên quan đến độc quyền về khu vực kinh doanh, nghĩa vụ không cạnh tranh của Bên nhận quyền, giới hạn về khách hàng…Theo đó, không phải thỏa thuận nào mang bản chất hạn chế cạnh tranh cũng coi là vi phạm. Pháp luật của Châu Âu đã đưa ra những tiêu chí để miễn trừ, mà nếu thỏa mãn các tiêu chí đó, thì các thỏa thuận dù có mang tính chất hạn chế cạnh tranh thì vẫn không bị coi là vi phạm và được miễn trừ. Các điều kiện đó là: (i) nhằm nâng cao, thúc đẩy phân phối hàng hóa, phát triển kỹ thuật của mạng lưới; (ii) đem lại lợi ích nhất định cho khách hàng; (iii) ràng buộc bán kèm liên quan trực tiếp đến đối tượng chính của hợp đồng; (iv) không tạo ra khả năng loại trừ cạnh tranh đối với các sản phẩm liên quan [47, tr.176].

Có thể thấy, pháp luật Châu Âu cũng đưa ra một ranh giới xác định các thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại mang bản chất hạn chế cạnh tranh trong trường hợp nào là vi phạm, trường hợp nào được miễn trừ. Các quy định của pháp luật Châu Âu áp dụng đối với các thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới góc nhìn của pháp luật cạnh tranh ngày càng được hoàn thiện. Ủy ban Châu Âu đã ban hành Nghị định số 4087/88 và Nghị

định số 2790/1999 để điều chỉnh riêng hợp đồng nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp luật cạnh tranh [29, tr.47].

Qua tham khảo kinh nghiệm từ việc xây dựng pháp luật của Mỹ và Châu Âu, để giải quyết một cách hợp lý và thỏa đáng mối quan hệ giữa các thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại với pháp luật cạnh tranh, pháp luật Việt Nam cần điều chỉnh theo hướng:

- Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do giao kết, thỏa thuận hợp đồng giữa các bên, pháp luật vạch ra một ranh giới để các thỏa thuận ấy đi đúng hướng, không gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh.

- Một số thỏa thuận của hợp đồng nhượng quyền thương mại cần được đưa vào một trong các trường hợp miễn trừ và chỉ bị cấm khi vượt quá giới hạn cho phép.

- Khi xem xét một thỏa thuận có được xem là vi phạm pháp luật cạnh tranh và bị cấm hay không cần dựa trên bối cảnh kinh tế của nó xác định những tác động tích cực, tiêu cực của thỏa thuận đó đến tình trạng cạnh tranh.

- Cần xây dựng một cơ chế miễn trừ hợp lý, theo đó, có những thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ được miễn trừ một cách tự động, có những thỏa thuận chỉ được miễn trừ khi thỏa mãn một số điều kiện, tiêu chí nhất định.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)