Cho dù không đưa ra khái niệm Hợp đồng nhượng quyền thương mại nhưng pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam lại đưa ra khái niệm đối với các dạng biến thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Theo quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ - CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, có hai dạng hợp đồng được nhắc đến, đó là: (i) “Hợp đồng phát triển quyền thương mại” (Điều 3 Khoản 8) và (ii) “Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp” (Điều 3 Khoản 10). Theo đó, Hợp đồng phát triển quyền thương mại là hợp đồng nhượng quyền thương mại theo đó Bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền được phép thành lập nhiều hơn một cơ sở của mình để kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại trong phạm vi một khu vực địa lý nhất định. Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp là hợp đồng nhượng quyền thương mại ký giữa Bên nhượng quyền thứ cấp và Bên nhận quyền thứ cấp theo quyền thương mại chung. Quyền thương mại chung là quyền do Bên nhượng quyền trao
cho Bên nhượng quyền thứ cấp được phép cấp lại quyền thương mại cho các Bên nhận quyền thứ cấp. Bên nhận quyền thứ cấp không được phép cấp lại quyền thương mại chung đó nữa.
Như vậy, theo tinh thần của pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam, bên cạnh hợp đồng nhượng quyền thương mại thông thường, theo đó việc nhượng quyền được tiến hành một cách trực tiếp từ bên nhượng quyền đầu tiên đến từng bên nhận quyền riêng lẻ, còn tồn tại những dạng hợp đồng nhượng quyền thương mại khác mà ở đó việc nhượng quyền được tiến hành và phát triển một cách gián tiếp thông qua một bên vừa đóng vai trò là bên nhận quyền sơ cấp vừa đóng vai trò là bên nhượng quyền thứ cấp. Bên này sau khi nhận quyền từ bên nhượng quyền ban đầu tiến hành nhượng quyền lại cho các bên nhận quyền khác. Dạng hợp đồng này là sự kết hợp của hai hợp đồng: hợp đồng ký kết giữa bên nhượng quyền đầu tiên - là chủ sở hữu của quyền thương mại với bên nhận quyền sơ cấp và hợp đồng ký kết giữa bên nhượng quyền thứ cấp (chính là bên nhận quyền sơ cấp trong hợp đồng thứ nhất) với các bên nhận quyền khác. Với loại hợp đồng nhượng quyền thương mại như vậy, mạng lưới nhượng quyền thương mại đã được phát triển và mở rộng thông qua một bên đóng vai trò trung gian giữa bên nhượng quyền ban đầu với các bên nhận quyền riêng lẻ, do đó có thể gọi đây là hợp đồng nhượng quyền thương mại gián tiếp.
Qua khảo sát, có thể thấy, pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại Việt Nam cũng đã hướng tới sự phân loại hợp đồng nhượng quyền thương mại, song sự phân loại này chưa được thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ và trực tiếp. Với các điều khoản còn sơ sài, việc giải thích các khái niệm còn mang tính viện dẫn thì những quy định này khó tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình hiểu và áp dụng. Hơn nữa, sự trống vắng của khái niệm Hợp đồng nhượng quyền
thương mại, một khái niệm cơ bản, đã dẫn tới việc giải thích của hai khái niệm Hợp đồng phát triển quyền thương mại và Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trở nên khó thoát nghĩa và thiếu đi tính logic cần thiết, khi mà cả hai khái niệm này đều được giải thích thông qua khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại. Chính vì vậy, dường như sự có mặt của một vài điều luật đã trở nên không thực sự có ý nghĩa cho các thương nhân khi phân tách và lựa chọn ký kết các loại hợp đồng nhượng quyền thương mại trong thực tiễn hoạt động của mình.