Khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mạ

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 40)

Từ những phân tích về bản chất và đặc trưng của hoạt động nhượng quyền thương mại, có thể rút ra một cách khái quát nhất định nghĩa về hợp đồng nhượng quyền thương mại là: “sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại”.

Theo Hiệp ước Cộng đồng chung Châu Âu thì: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại là một thỏa thuận trong đó, một bên là bên nhượng quyền cấp phép cho một bên khác là bên nhận quyền khả năng được khai thác một “quyền thương mại” nhằm mục đích xúc tiến thương mại đối với một loại sản phẩm hoặc dịch vụ đặc thù để đổi lại một cách trực tiếp hay gián tiếp một khoản tiền nhất định. Hợp đồng này phải quy định những nghĩa vụ tối thiểu của các bên, liên quan đến: (i) việc sử dụng tên thông thường hoặc dấu hiệu của cửa hàng hoặc một cách thức chung; (ii) việc trao đổi công

nghệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền; (iii) việc tiếp tục thực hiện của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền trong việc trợ giúp, hỗ trợ thương mại cũng như kỹ thuật trong suốt thời gian hợp đồng nhượng quyền thương mại còn hiệu lực.” [47, tr.80].

Khái niệm này đã khái quát được những đặc trưng cơ bản của hợp đồng nhượng quyền thương mại, là cơ sở để phân biệt hợp đồng nhượng quyền thương mại với các hợp đồng khác có những điểm tương đồng như hợp đồng chuyển giao công nghệ hay hợp đồng li-xăng. Hợp đồng nhượng quyền thương mại dù cũng hướng tới việc sử dụng một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như trong hợp đồng li-xăng, nhưng không chỉ dừng ở đó, đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền thương mại còn bao gồm cả cách thức, bí quyết, quy trình quản lý kinh doanh…Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng có điểm chung đó là có sự trao đổi về công nghệ giữa hai bên chủ thể trong hợp đồng. Song, nếu như ở hợp đồng chuyển giao công nghệ, sau khi đã thực hiện xong việc chuyển giao, bên chuyển giao không còn nghĩa vụ hỗ trợ cũng như kiểm soát đối với bên nhận chuyển giao thì ở hợp đồng nhượng quyền thương mại, vấn đề hỗ trợ và kiểm soát của bên chuyển nhượng đối với bên nhận chuyển nhượng là lâu dài và liên tục trong suốt thời thời gian hợp đồng có hiệu lực.

Hiện nay, ở Việt Nam, có một thực tế là, Luật chuyển giao công nghệ năm 2006, tại Điều 12 điểm b nhìn nhận hợp đồng nhượng quyền thương mại là một hình thức của hoạt động chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, Luật thương mại 2005 lại ghi nhận hoạt động nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại độc lập, đặc thù. Sự mâu thuẫn này giữa các quy định pháp luật đã gây ra sự khó hiểu và những bất cập trong việc đưa ra một khái niệm chung thống nhất về

Hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng như làm phát sinh nhiều hệ lụy pháp lý phức tạp khác không đáng có trong pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.

Chính vì sự thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán trong cách nhìn nhận về bản chất của nhượng quyền thương mại giữa các nhà làm luật mà trong các quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, rất đáng tiếc, không tồn tại khái niệm nào về Hợp đồng nhượng quyền thương mại - một khái niệm được coi là rất cơ bản và được ghi nhận trong hệ thống pháp luật về nhượng quyền thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, dựa trên sự phân tích, nhìn nhận về bản chất, đặc điểm của hoạt động nhượng quyền thương mại, cũng như bằng sự ghi nhận hoạt động này trong một mục riêng của Luật thương mại 2005, khái niệm pháp lý về Hợp đồng nhượng quyền thương mại cần được hiểu dựa trên những quy định của Bộ luật dân sự, Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn. Dưới góc độ pháp lý về hợp đồng cũng như đặc trưng cơ bản của hoạt động nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật, khái niệm về “hợp đồng nhượng quyền thương mại” ở Việt Nam về cơ bản phải đảm bảo hai yếu tố: (i) có những đặc điểm chung của hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự; (ii) thể hiện bản chất của giao dịch nhượng quyền thương mại đã quy định ở Điều 284 Luật thương mại 2005. Căn cứ vào hai yếu tố này, có thể rút ra định nghĩa về hợp đồng nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam như sau:

“Hợp đồng nhượng quyền thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại, theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau:

1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Cách hiểu như trên về hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam chỉ là một sự suy đoán gián tiếp một cách logic ý đồ của các nhà làm luật trong thời điểm hiện nay, do vậy, việc pháp luật đưa ra một khái niệm chính thức là một điều cần thiết.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)