Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang là vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới hiện nay. Hội nghị lần thứ 29 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Davos (Thuỵ Sĩ) đã khẳng định: “toàn cầu hoá không còn là một xu thế nữa mà đã trở thành một thực tế”. Ngày nay không một quốc gia nào trên thế giới lại có thể đứng ngoài xu hướng hội nhập. Trong bối cảnh ấy, với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” Việt Nam đã mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Việc trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong công cuộc giao lưu, tự do hóa thương mại toàn cầu. Sự kiện này đã tác động không nhỏ đến các hoạt động thương mại diễn ra ở Việt Nam, trong số đó có hoạt động nhượng quyền thương mại. Thị trường nhượng quyền thương mại từ khi Việt Nam gia nhập WTO đã trở nên sôi động hơn, chuyên nghiệp hơn với sự nở rộ của khu vực kinh tế dịch vụ. Điều này đã mang lại những tác động tích cực, là dịp cho các cá nhân, tổ chức có thể trở thành đối tác nhượng quyền của những thương hiệu nổi tiếng thế giới, và cũng là cơ hội để các thương nhân Việt Nam có thể tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm trong việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền từ các thương hiệu tên tuổi này.
Mặc dù đã xuất hiện và có sự phát triển trong đời sống thương mại ở nước ta, khung pháp lý cũng đã được hình thành, song có thể nói, cho đến thời điểm này nhượng quyền thương mại vẫn chưa dành được sự quan tâm sâu rộng và sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp. Nhận thức của nhiều thương nhân về hoạt động này còn chưa sâu sắc. Có nhiều nguyên nhân có thể để đến, song một trong những nguyên nhân cơ bản đó chính là sự thiếu hụt các quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng điều chỉnh về hoạt động nhượng quyền thương mại nói chung cũng như hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng, chưa là “chỗ dựa” tin cậy để tạo ra tâm lý yên tâm cho các thương nhân trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng.
Pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của Luật thương mại 2005, đã khẳng định tính độc lập và đặc thù của hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, chỉ trong khuôn khổ tám điều luật (từ Điều 284 đến Điều 291 Luật thương mại) cùng với hai văn bản hướng dẫn thi hành là Nghị định 35/NĐ - CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và Thông tư số 09/2006/TT - BTM ngày 25/5/2006 của Bộ thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại Việt Nam đã không đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh về hợp đồng nhượng quyền thương mại trong thực tiễn. Nhiều vấn đề phát sinh không có những quy phạm pháp luật cụ thể để giải quyết. Trong bản thân những quy định sẵn có, cũng tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn, bất cập. Do vậy, những thương nhân tham gia ký kết hợp đồng bên cạnh những rủi ro trong kinh doanh, còn phải đối mặt với nhiều rủi ro trên khía cạnh pháp lý. Từ thực tiễn đó, đã đặt ra vấn đề hoàn thiện pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại, tạo ra một hành lang
pháp lý đầy đủ và đồng bộ, tương thích với pháp luật quốc tế, tạo niềm tin cho các thương nhân khi ký kết và thực hiện hợp đồng, qua đó góp phần thúc đẩy và khuyến khích sự phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại ở nước ta.