Nội dung pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mạ

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 29)

Như bản chất vốn có của hợp đồng, hợp đồng nhượng quyền thương mại là kết quả của sự tự do thỏa thuận, tự do và thống nhất ý chí của các bên trong quan hệ nhượng quyền. Pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại trước hết phải là sự tôn trọng quyền tự do thống nhất và tự do định đoạt của các bên. Tuy nhiên, để quan hệ hợp đồng phát triển một cách lành mạnh, thể hiện được đúng bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại, điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa các chủ thể cũng như lợi ích chung của toàn xã hội, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại thường bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

Một là, pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại xác định bản chất của “hợp đồng nhượng quyền thương mại” và có sự phân loại các dạng của hợp đồng này.

“Hợp đồng nhượng quyền thương mại” là một trong những khái niệm cơ bản, quan trọng, đóng vai trò làm nền tảng cho các quy định khác trong pháp luật

điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền. Thông qua khái niệm này, bản chất, đặc trưng của hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng được thể hiện một cách rõ nét. Từ đó, là cơ sở để phân biệt hợp đồng nhượng quyền thương mại với các loại hợp đồng khác có những điểm tương đồng như: hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng li-xăng hay hợp đồng đại lý. Việc phân biệt và làm rõ bản chất của hợp đồng nhượng quyền thương mại so với các loại hợp đồng khác có ý nghĩa quan trọng trong việc pháp luật đề ra những quy định phù hợp để điều chỉnh có hiệu quả hợp đồng nhượng quyền thương mại trên thực tế.

Về phân loại hợp đồng, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại phân chia hợp đồng nhượng quyền thương mại thành các dạng khác nhau. Trên thực tế, hoạt động nhượng quyền thương mại được tồn tại với nhiều hình thức dưới nhiều biến thể, do đó, việc phân loại hợp đồng nhượng quyền thương mại là cần thiết. Với việc phân loại này, pháp luật có sự điều chỉnh phù hợp với bản chất của mỗi loại hành vi kinh doanh nhượng quyền thương mại trong thực tiễn, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực đối với các thương nhân.

Hai là, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại đặt ra các yêu cầu để một hợp đồng nhượng quyền thương mại có giá trị pháp lý. Để xem xét tính có hiệu lực của một hợp đồng thông thường cần xét đến các vấn đề: (i) về chủ thể của hợp đồng, (ii) về nội dung của hợp đồng, (iii) về hình thức của hợp đồng.

(i) Về chủ thể, trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại, có hai bên chủ thể: bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Ngoài việc xác định các chủ thể trong quan hệ này phải là các chủ thể có đủ năng lực hành vi dân sự để tiến hành giao kết, pháp luật về hợp đồng nhượng quyền còn có những yêu cầu cụ thể riêng biệt. Xuất phát từ đặc trưng cơ bản của hoạt động nhượng quyền thương

mại, pháp luật của hầu hết các nước đều quy định cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều phải là thương nhân, có tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập với nhau. Sự độc lập ở đây có thể hiểu là độc lập trong tài chính, độc lập trong trách nhiệm pháp lý trước pháp luật. Ngoài tiêu chí cơ bản trên, để tránh rủi ro cho các bên, pháp luật một số quốc gia còn quy định về thời gian hoạt động tối thiểu cũng như năng lực tài chính của các bên chủ thể.

(ii) Về nội dung của hợp đồng, xét một cách khái quát nhất, các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng phải đảm bảo không trái với các quy định pháp luật cũng như đạo đức xã hội. Điều này được đặt ra để các bên trong quan hệ không lạm dụng hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại nhằm che giấu các hành vi bất chính khác, tạo điều kiện cho hoạt động nhượng quyền phát triển một cách lành mạnh. Mặt khác, nó cũng góp phần điều tiết lợi ích của các chủ thể tham gia nhượng quyền với lợi ích chung của toàn xã hội. Một giao dịch hợp đồng với những điều khoản có lợi cho hai bên chủ thể, song lại xâm phạm đến lợi ích chung của toàn xã hội cũng cần phải loại trừ. Các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng mà không thỏa mãn điều kiện này đều có thể trở nên vô hiệu.

(iii) Về hình thức của hợp đồng, là phương tiện để ghi nhận kết quả mà các bên thỏa thuận với nhau. Về nguyên tắc, phương tiện này có thể bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể, bằng văn bản hay các hình thức khác tương đương văn bản. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất khá phức tạp của hoạt động nhượng quyền thương mại, nên pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới quy định hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập dưới hình thức văn bản hoặc các hình thức khác tương đương với văn bản. Song, bên cạnh đó cũng có quốc gia lại khá cởi mở trong việc quy định vấn đề này. Theo đó, hợp đồng nhượng quyền khi được thể hiện bằng văn bản, lời nói hay một thỏa thuận ngầm định đều được coi

là hợp pháp. Như vậy, tùy theo quan điểm cũng như cách thức nhìn nhận của từng quốc gia về tính chất của hoạt động nhượng quyền thương mại mà pháp luật của mỗi nước có sự ghi nhận cụ thể về hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Ba là, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại quy định những nội dung chủ yếu của hợp đồng. Trên thực tế, hợp đồng nhượng quyền thương mại bao gồm những nội dung nào là do sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện cũng như hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra, pháp luật định hướng cho các bên một số nội dung chính của hợp đồng nhượng quyền như sau:

(i) Về đối tượng của hợp đồng, pháp luật điều chỉnh về hợp đồng nhượng quyền thương mại làm rõ khái niệm “quyền thương mại”. Quyền thương mại trong một hợp đồng gồm những vấn đề gì và được sử dụng như thế nào là do sự thỏa thuận của các bên. Song, pháp luật cũng đưa ra những yếu tố cơ bản, đặc trưng nhất cấu thành nên “quyền thương mại” làm căn cứ cho các bên có thể dựa vào đó mà mở rộng hay thu hẹp “quyền thương mại” trong những trường hợp cụ thể.

(ii) Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, trước hết pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Trong khi thương lượng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, về mặt lý thuyết, các bên ở vị trí ngang bằng nhau. Tuy nhiên, đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại, xuất phát từ đặc trưng riêng của hoạt động này, sự “ngang bằng” nhau giữa các bên trên thực tế không được đảm bảo. Bên nhượng quyền với tư cách là chủ sở hữu của “quyền thương mại”, có quyền kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của bên nhận quyền bất cứ lúc nào, thường có vị thế cao hơn so với bên nhận quyền.

Điều này dẫn tới xu hướng bên nhượng quyền dễ lạm dụng vào vị thế này để đưa ra những thỏa thuận bất lợi cho bên nhận quyền. Chính vì vậy, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại quy định những vấn đề cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ nhượng quyền là rất cần thiết, tạo ra sự cân bằng và điều hòa lợi ích giữa các bên, bảo vệ quyền lợi cho bên nhận quyền - bên được coi là yếu thế hơn.

(iii) Một số vấn đề pháp lý khác trong nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại như trường hợp thay đối, tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại; thời hạn, gia hạn, hợp đồng; vấn đề giải quyết tranh chấp cũng được pháp luật điều chỉnh hợp đồng thương mại dự liệu và điều chỉnh.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các bên muốn thay đổi một số thỏa thuận đã ký kết cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, hoặc các bên không thể tiếp tục thực hiện được nữa dẫn đến phải tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng. Pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại đưa ra các quy định làm khung pháp lý cơ bản để các bên thực hiện. Các quy định này thường bao gồm một số vấn đề sau: căn cứ, điều kiện phát sinh; hậu quả pháp lý, cách thức giải quyết và trách nhiệm pháp lý của mỗi bên trong trường hợp này.

Bản chất của nhượng quyền thương mại không phải là việc “mua đứt bán đoạn”, việc chuyển nhượng quyền thương mại được hiểu là sự chia sẻ quyền thương mại của bên nhượng quyền cho bên nhận quyền, cả hai bên cùng đồng thời tiến hành kinh doanh dưới một tên thương mại chung, bên nhượng quyền vẫn là chủ sở hữu của “quyền thương mại”. Do vậy, trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, vấn đề thời hạn bao giờ cũng được đặt ra. Với thời hạn trong bao lâu thì bên nhận quyền có thể kinh doanh trên thương hiệu của bên nhượng

quyền để thu lợi nhuận; trong trường hợp khi hai bên đã hết thời hạn mà vẫn muốn hợp tác theo mô hình kinh doanh nhượng quyền thì việc gia hạn được thực hiện như thế nào, là những vấn đề mà các bên quan tâm. Trên nguyên tắc chung, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về vấn đề này, song việc quy định thời hạn có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên nhận quyền, vì nếu thời hạn nhượng quyền quá ngắn thì chưa đủ để bên nhận quyền khai thác được lợi ích từ thương hiệu của bên nhượng quyền để bù đắp lại phí nhượng quyền cũng như những khoản đầu tư khác mà bên nhận quyền phải bỏ ra. Do đó, việc pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại đưa ra thời hạn tối thiểu cho các bên tiến hành nhượng quyền là rất có ý nghĩa.

Hợp đồng nhượng quyền thương mại là loại hợp đồng khá phức tạp, chứa đựng nhiều khả năng phát sinh tranh chấp giữa các bên trong quá trình thực hiện. Việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp, chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, luật áp dụng giải quyết tranh chấp là những vấn đề do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì pháp luật thương mại nói chung và pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng cũng có những quy định để giải quyết và hướng dẫn các bên trong trường hợp này.

Bốn là, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại thể hiện khá rõ mối quan hệ mật thiết với pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh. Xuất phát từ chính bản chất và đặc trưng của hoạt động nhượng quyền thương mại, trong quá trình đàm phán, thỏa thuận giữa các bên thường xuất hiện các điều khoản mà nội dung của chúng chịu sự điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh. Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại chủ yếu bao gồm các yếu tố liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp như tên

thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh…do đó các thỏa thuận liên quan đến quyền sử dụng các đối tượng này chịu sự điều chỉnh của cả pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại và các quy định liên quan của pháp luật sở hữu trí tuệ. Cũng như vậy, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống nhượng quyền, trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thường có những thỏa thuận loại trừ sự cạnh tranh của bên thứ ba như các thỏa thuận về phân chia thị trường, về giá, về sự cạnh tranh giữa các bên nhận quyền trong cùng hệ thống…Điều này đòi hỏi có sự giải quyết thỏa đáng về mối quan hệ giữa pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại với pháp luật cạnh tranh, vừa đảm bảo đúng bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại, vừa ngăn ngừa được những hành vi không trung thực, lạm dụng hình thức kinh doanh này để tiến hành những hoạt động xấu gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh.

Như vậy, có thể nói, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại đã đưa ra những quy định khá toàn diện, đầy đủ về các vấn đề của hợp đồng nhượng quyền thương mại: từ khái niệm, chủ thể, nội dung, hình thức, phân loại hợp đồng đến mối quan hệ giữa các điều khoản của hợp đồng với các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan như pháp luật cạnh tranh, pháp luật sở hữu trí tuệ. Với những nội dung như vậy, pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại có vị trí quan trọng, đóng góp nhiều nội dung chủ yếu trong hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại nói chung.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)