Khái niệm pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mạ

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 27)

Cũng giống như bất cứ các quan hệ nào phát sinh trong đời sống xã hội, nhượng quyền thương mại với những tính chất và đặc điểm của nó tác động không nhỏ đến các lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ cũng như lợi ích chung của toàn xã hội. Trong mối quan hệ nhượng quyền, bên cạnh sức hấp dẫn từ nguồn lợi nhuận thu được là những mạo hiểm phải đương đầu với nhiều rủi ro, bên cạnh sự hợp tác và hỗ trợ mật thiết giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền cũng tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa các chủ thể này. Do đó, sự điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ nhượng quyền là vô cùng cần thiết. Một mặt, pháp luật tạo ra sự cân đối và điều hòa lợi ích giữa bên nhượng quyền với bên nhận quyền, cũng như lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ với lợi ích chung của toàn xã hội. Mặt khác, pháp luật cũng là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình, từ đó đề ra những biện pháp hợp lý và kịp thời, định hướng cho quan hệ này phát triển một cách lành mạnh và tích cực, thực sự là một thứ “vũ khí” quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.

Trong suốt quá trình các bên tham gia vào hoạt động nhượng quyền thương mại, từ chỗ tìm kiếm đối tác để tiến hành nhượng quyền/nhận quyền, đến khi thanh lý hợp đồng nhượng quyền, các bên chủ thể phải tham gia vào rất nhiều các quan hệ khác nhau như quan hệ trong lĩnh vực đất đai (thuê/mua quyền sử dụng đất để làm cửa hàng), quan hệ thương mại (giữa bên nhượng quyền và

bên nhận quyền, giữa bên bán hàng và khách hàng), quan hệ sở hữu trí tuệ (việc đăng ký bảo hộ đối với các quyền sở hữu công nghiệp), quan hệ hành chính (đăng ký hoạt động thương mại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền)…Đối với mỗi loại quan hệ này lại chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật chuyên ngành, nằm rải rác ở nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Do đó, pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại theo nghĩa rộng nhất có thể hiểu là “tổng hợp các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các bên tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại”[47, tr.47].

Tiếp cận theo nghĩa hẹp, pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại chỉ bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ giữa các bên tham gia trong hoạt động nhượng quyền. Theo đó, pháp luật về nhượng quyền thương mại theo nghĩa hẹp được hiểu là “tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các thương nhân tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại”[47, tr.47 - 48].

Pháp luật nhượng quyền thương mại dù được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp cũng do các bộ phận pháp luật nhỏ hơn cấu thành. Sự phân chia thành các bộ phận pháp luật trong hệ thống pháp luật nhượng quyền dù là khác nhau về mức độ rộng hay hẹp, đơn giản hay phức tạp, nhiều hay ít song không thể thiếu mảng pháp luật điều chỉnh về hợp đồng nhượng quyền thương mại - mảng pháp luật “xương sống”, mang tính cốt lõi nhất của hệ thống pháp luật nhượng quyền thương mại.

Với tính chất là mảng pháp luật điều chỉnh về hợp đồng nhượng quyền, pháp luật về hợp đồng nhượng quyền bao gồm một tổng thể các quy phạm pháp

luật điều chỉnh một cách đồng bộ, toàn diện các vấn đề có liên quan đến hợp đồng nhượng quyền như chủ thể tham gia, đối tượng nhượng quyền, nội dung, hình thức hợp đồng, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng…cũng như các vấn đề khác phát sinh trong quá trình xác lập, ký kết, thay đổi, thực hiện và chấm dứt hợp đồng.

Như vậy, pháp luật hợp đồng nhượng quyền thương mại là một bộ phận cơ bản của pháp luật nhượng quyền thương mại nói chung, bao gồm các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thương nhân xác lập, ký kết, thay đổi, thực hiện và chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)