Việt Nam
Cùng với những biểu hiện thực tiễn của hoạt động nhượng quyền thương mại, pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định điều chỉnh hoạt động này.
Tuy nhiên, thời gian đầu, hoạt động nhượng quyền thương mại được biết đến dưới cái tên “hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh” (tên Tiếng Anh là Franchise) và được điều chỉnh bằng các quy định về chuyển giao công nghệ. Các quy định đó nằm trong chủ yếu trong Bộ luật dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn Bộ luật dân sự về chuyển giao công nghệ như Nghị định số 45/1998/NĐ - CP ngày 1/7/1998 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ; Nghị định số 54/2000/NĐ - CP ngày 03/1/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp; Thông tư số 1254/1999/TT - BKHCNMT của Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ khoa học và công nghệ) ngày 12/7/1999 hướng dẫn Nghị định số 45/1998/NĐ - CP ngày 01/7/19998 về chuyển giao công nghệ. Tiếp theo thông tư 1254, nhượng quyền thương mại lại được ghi nhận dưới cái tên “cấp phép đặc quyền kinh doanh” ở một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, đó là Nghị định 11/2005/NĐ - CP của Chính phủ ban hành ngày 02/2/2005 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (Nghị định này được ban hành để thay thế cho Nghị định 45 nói trên).
Như vậy, các văn bản pháp luật nói trên đều coi nhượng quyền thương mại là một dạng hoạt động chuyển giao công nghệ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ và nhượng quyền thương mại có những điểm tương đồng nhất định, song, xét về bản chất, đây là hai hoạt động khác biệt. Nhượng quyền thương mại là một phương thức mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thông qua việc cho phép một bên khác được sản xuất kinh doanh trên cơ sở uy tín, tên thương mại, công nghệ…của bên nhượng quyền. Thương nhân nhận quyền phải có nghĩa vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ có cùng
chất lượng, phương thức phục vụ như bên nhượng quyền và kinh doanh dưới thương hiệu của bên nhượng quyền. Trong khi đó, chuyển giao công nghệ chỉ đơn thuần là việc chuyển giao các kiến thức kỹ thuật từ người có kiến thức cho một người khác để ứng dụng nó vào quy trình sản xuất. Bên nhận chuyển giao có quyền ứng dụng công nghệ đó để sản xuất ra sản phẩm dưới bất kỳ nhãn hiệu, kiểu dáng, tên thương mại nào mà họ mong muốn. Chính vì sự khác nhau này mà việc áp các quy định pháp luật về hoạt động chuyển giao công nghệ để điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại đã gây ra những điểm bất hợp lý so với thực tế và bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại.
Trong bối cảnh đó, Luật thương mại 2005 ra đời (có hiệu lực từ ngày 01/1/2006), đã đưa vào một chương riêng quy định về Nhượng quyền thương mại. Lần đầu tiên tại Việt Nam, nhượng quyền thương mại đã chính thức được các nhà làm luật ghi nhận là một hoạt động thương mại độc lập, đặc thù, chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại là một quan hệ phức tạp, mang tính đặc thù riêng từ chủ thể, đối tượng, nội dung… của hợp đồng. Ở Việt Nam, pháp luật điều chỉnh quan hệ này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có thể kể đến là:
- Bộ luật dân sự 2005: Đây là bộ luật gốc quy định về tất cả các quan hệ tài sản và nhân thân phi tài sản trong đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là Bộ luật nền tảng cho việc xác lập các quan hệ hợp đồng cả trong dân sự và thương mại.
- Luật thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây chính là các văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp quan hệ hợp đồng trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là “quyền thương mại”. Quyền thương mại lại bao gồm trong đó nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp như tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền…Nếu đối tượng chuyển giao của hợp đồng nhượng quyền thương mại bao gồm quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp thì “phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu công nghiệp” (Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 35/2006/NĐ - CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại). Do đó, pháp luật về Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng điều chỉnh trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại.
- Luật cạnh tranh 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, các bên thường có những thỏa thuận nhằm bảo đảm tính đồng nhất và thống nhất của hệ thống nhượng quyền như thỏa thuận phân chia thị trường, ấn định giá bán sản phẩm…Các thỏa thuận này ở một góc độ nào đó dễ dẫn đến sự hạn chế cạnh tranh đối với chủ thể thứ ba, do đó trong nhiều trường hợp nó chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh.