3 Lý luận cơ bản về tín dụng ngân hàng
3.2.5 Tăng cường công tác thẩm định tín dụng
Thẩm định tín dụng là khâu quan trọng trước khi quyết định cho khách hàng vay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quản trị rủi ro tín dụng tại HS trong thời gian quan là từ những phân tích và thẩm định tín dụng không cẩn trọng và thiếu chính xác. Thẩm định tín dụng là bước cực kỳ quan trọng và đảm bảo hạn chế rủi ro tín dụng với hiệu quả cao nhất, ít tổn thất nhất. Có nhiều yếu tố cần được thẩm định, tuy nhiên cần chú ý:
3.2.5.1 Thẩm định tư cách khách hàng
Mục tiêu của thẩm định tư cách khách hàng xin cấp tín dụng là đánh giá tư cách pháp nhân, tính chất hợp pháp và mức độ tin cậy đối với những thủ tục vay mà khách hàng phải tuân thủ.
Nhiều khách hàng sau khi vay vốn, đến kỳ hạn trả nợ cố tình trây ỳ không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với HS, một số khác thì dùng số tiền vay được vào mục đích khác. Điều này xảy ra do quá trình thẩm định tư cách khách hàng chưa chặt chẽ của cán bộ ngân hàng. Tư cách khách hàng đóng vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Vì thế đối với HS, thẩm định tư cách khách hàng phải được chú
trọng thường xuyên, trong đó tư cách của người lãnh đạo giữ vai trò quan trọng. HS nên bố trí các cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm để làm công tác này. Ngoài ra cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban trong quá trình thu thập và xử lý thông tin tín dụng.
3.2.5.2 Thẩm định tài sản đảm bảo
Mục tiêu của thẩm định tài sản đảm bảo là đánh giá một cách chính xác và trung thực xem tài sản đảm bảo nợ vay có thoả mãn các yêu cầu đảm bảo hay không. Nếu thoả mãn thì khả năng thu hồi nợ được nâng cao, do có TSĐB nợ vay phù hợp. Nếu không thì TSĐB nợ vay không thể giúp ích gì thêm cho khả năng thu hồi nợ.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng có TSĐB tại HS tăng dần qua các năm chứng tỏ chất lượng tín dụng được nâng cao. Nhưng trong cơ cấu dư nợ theo đối tượng thì dư nợ với khối khách hàng doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và không ngừng tăng lên qua các năm. Điều này thể hiện sự cần thiết của TSĐB và theo đó là sự cần thiết phải thẩm định kỹ càng TSĐB.
Đã có trường hợp khách hàng ở HS dùng tài sản để đảm bảo cho nhiều khoản vay mà ngân hàng không biết. Có trường hợp tài sản đảm bảo lại không thuộc về khách hàng hoặc bên thứ ba có liên quan. Điều này gây ra rủi ro lớn cho ngân hàng vì đây là nguồn thu nợ thứ 2 nếu khách hàng không trả được nợ. Việc áp dụng quy tắc chặt chẽ trong việc đảm bảo tiền vay sẽ đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho HS khi khoản nợ diễn biến theo chiều hướng xấu, đặc biệt là với cơ cấu khách hàng đang chuyển dịch sang khối khách hàng doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong công việc thẩm định tài sản đảm bảo cần chú ý tới tính hợp pháp của tài sản, giá trị của tài sản ở thời điểm thẩm định, quyền định đoạt tài sản khi có sự vi phạm về nghĩa vụ trả nợ.