I. LUẬT GIÁO DỤC
1. Luật Giáo dục là gì?
Luật Giáo dục là một văn bản của nhà nước để thể chế hoá đường lối giáo dục, làm cơ sở pháp lí cho các hoạt động giáo dục trong một quốc gia. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ban hành Luật Giáo dục và Luật Giáo dục thường được ban hành hay sửa đổi mỗi khi có cải cách giáo dục.
Luật Giáo dục bao gồm những quy định chủ yếu sau:
– Mục đích, nhiệm vụ, tính chất và nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục.
– Tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân gồm có: mầm non, giáo dục phổ thông, hệ thống dạy nghề và các trường kỹ thuật, cao đẳng và đại học.
– Nhà giáo, cán bộ giáo dục
– Trách nhiệm của xã hội đối với nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ. – Cơ sở vật chất thiết bị
– Quản lí hệ thống giáo dục quốc dân.
Quá trình thể chế hoá quản lí giáo dục ở nước ta
Để quản lí các hoạt động giáo dục, ngay từ khi mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục. Có thể nêu một số văn bản căn bản như sau:
– Sắc lệnh đầu tiên về giáo dục (Sắc lệnh SL 20 ngày 8/9/1945) về thành lập Nha Bình dân học vụ và cưỡng bách học quốc ngữ.
– Sắc lệnh 146(20/6/46) và SL 147 (10/8/46) về các nguyên tắc cơ bản cho một nền giáo dục mới và tổ chức bậc học cơ bản.
– Thông tư 56 ngày 31/7/1950 của Bộ Giáo dục chỉ đạo cải cách giáo dục lần 1. – Nghị định số 1027 ngày 27/8/1956 của Chính phủ chỉ đạo cải cách giáo dục lần 2.
– Nghị quyết 14 ngày 12/1978 và các quyết định số 243/CP ngày 28/6/1979; 126/CP ngày 19/03/1991 của Chính phủ chỉ đạo cải cách giáo dục lần 3.
– Nghi định 90/CP của Chính phủ về cơ cấu hệ thống GD quốc dân. – Luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991.
Những văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã kịp thời xác định khung pháp lí cho các vấn đề quản lí Nhà nước về giáo dục phù hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, nhiều văn bản thiếu cụ thể, hệ thống văn bản thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa rộng, hiệu lực pháp lí chưa tạo cơ sở pháp lí cho toàn bộ hệ thống GD quốc dân.
Để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường hiệu lực quản lí Nhà nước về giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, ngày 21/2/1998, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Giáo dục quy định về tổ chức và hoạt động giáo dục. Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/6/1999.
Bên cạnh đó, Nhà nước ta cũng tham gia ký kết và phê chuẩn một số văn kiện quốc tế liên quan đến giáo dục như: Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1990), Tuyên ngôn thế giới về giáo dục cho mọi người (1990).
Văn bản dưới Luật
Để hướng dẫn thi hành văn bản Luật, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đó là các nghi định quy định về chương trình giáo dục, sách giáo khoa và giáo trình, thi và cấp văn bằng, mạng lưới tổ chức, hoạt động, cơ sở vật chất của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác, tuyển dụng, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, thỉnh giảng và khen thưởng đối với nhà giáo, về chính sách đối với người học; về các điều kiện tài chính của hệ thống giáo dục quốc dân…