I. CÔNG VỤ VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA CÔNG VỤ
1. Khái niệm về công vụ
Công vụ là một yếu tố quan trọng trong nền hành chính quốc gia. Công vụ bao gồm các hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lí nhà nước, thi hành luật pháp, đưa pháp luật vào đời sống, cũng như quản lí, sử dụng có hiệu quả tài sản và ngân sách nhà nước phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị.
Khác với các loại hoạt động thông thường khác, công vụ là hoạt động dựa trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước. Nó được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước và nhằm sử dụng quyền lực đó vào các nhiệm vụ quản lí của Nhà nước. Hoạt động công vụ là hoạt động có tổ chức và tuân thủ những quy chế bắt buộc, theo trật tự có tính chất thứ bậc chặt chẽ, chính quy và liên tục.
Khi nói tới công vụ thì yếu tố trước tiên là con người; nhưng con người ở đây là người thực thi nhiệm vụ công quyền nên phải được ràng buộc trên cơ sở những định chế pháp lí, theo một hệ thống tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ các công sở nhà nước. Như vậy, công vụ là một khái niệm tổng hợp bao gồm các yếu tố cơ bản:
– Đội ngũ cán bộ - công chức;
– Thể chế của nền công vụ gồm pháp luật, chính sách, chế độ quy định quyền, nghĩa vụ và hoạt động đối với công chức;
– Hệ thống tổ chức quản lí và hoạt động công vụ; – Công sở, tổ chức bộ máy làm việc.
Tóm lại: Công vụ là một loại lao động mang tính quyền lực và pháp lí được thực thi bởi đội ngũ công chức thực hiện các chức năng của Nhà nước trong quá trình quản lí mọi mặt của đời sống xã hội.
2. Nội dung của công vụ
Nội dung công vụ là toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ – công chức để thực hiện ba nhiệm vụ cơ bản:
– Quản lí nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội nhằm đáp ứng những nhu cầu xã hội.
– Thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống, bảo đảm kỷ cương xã hội, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo luật định.
– Quản lí tài sản công và ngân sách Nhà nước, xây dựng một nền tài chính vững mạnh và hiệu quả cao.
3. Tính đặc thù của công vụ
Hoạt động công vụ có những đặc thù riêng, khác với các hoạt động thông thường khác, điều đó được thể hiện:
– Hoạt động của công vụ được bảo đảm bằng quyền lực Nhà nước và sử dụng quyền lực đó để thực hiện các nhiệm vụ quản lí Nhà nước;
– Hoạt động công vụ là hoạt động có tổ chức, tuân thủ những quy chế bắt buộc, theo trật tự có tính chất thứ bậc chặt chẽ; chính quy và liên tục;
– Người công chức là người đại diện cho Nhà nước, có quyền và nghĩa vụ được quy định theo pháp luật. Tuy nhiên, thẩm quyền của công chức, suy cho cùng là nghĩa vụ, không phải là quyền riêng của cá nhân.
– Công dân và các tổ chức kinh tế – xã hội khác được làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép. Nói cách khác là có những việc tuy luật pháp không cấm, nhưng xét trên lợi ích tổng thể toàn cục và lâu dài, Nhà nước không cho nền công vụ làm thì không được làm.
4. Các nguyên tắc của công vụ
Nguyên tắc của công vụ là các quan điểm, những tư tưởng, những quy định chung nhất nhằm thực hiện một cách có hiệu quả việc quản lí Nhà nước. Công chức khi thi hành công vụ phải tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc công vụ. Những nguyên tắc đó là:
a. Nguyên tắc phục vụ nhân dân vô điều kiện
Công vụ thể hiện ý chí và đáp ứng lợi ích của nhân dân lao động và của Nhà nước, thể hiện ở chỗ công vụ là phương tiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, nó là một thể chế định tổ chức – pháp lí trong hệ thống quyền lực nhà nước và phải phục vụ ý chí của Nhà nước và của nhân dân. Người công chức khi thực thi công vụ, phải chịu sự kiểm tra của nhân dân và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được tuỳ tiện theo ý chí cá nhân của mình. Cán bộ – công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.
Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ cơ quan quản lí nhà nước ở Trung ương thống nhất quản lí nền công vụ bằng cách xác định và tổ chức thực hiện danh mục các chức vụ của các cơ quan và công sở nhà nước, định ra phương thức tuyển chọn, thăng chức, giáng chức, điều động và luân chuyển công chức, quy định các ngạch, bậc công chức và chế độ đãi ngộ chung.
Song để đảm bảo vừa tập trung, vừa dân chủ, các cơ quan Trung ương trong quá trình hoạch định chính sách công vụ cần tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước ở địa phương và các tổ chức xã hội để đưa ra những quyết định phù hợp với thực tế. Mặt khác, để quản lí công thức được sát và phát huy sáng kiến của các cấp quản lí phải thực hiện việc phân cấp quản lí công chức cho địa phương và cơ sở. Việc phân cấp phải bảo đảm sự quản lí thống nhất của Trung ương, tránh sự tuỳ tiện đặt ra những quy định hay thực hiện những điều trái với quy chế chung.
c. Nguyên tắc kế hoạch hóa
Công vụ được hình thành và phát triển theo kế hoạch Nhà nước. Các cơ quan nhà nước phải xác định rõ số lượng, các danh mục chức vụ, các ngạch, bậc và số lượng biên chế cần thiết. Khi xác định những yêu cầu trên, cần tính đến phương hướng phát triển công vụ trong tương lai trên cơ sở nhìn nhận sự thay đổi của quản lí kinh tế – xã hội, các yếu tố của hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ,… để xây dựng một nền công vụ thích hợp; đồng thời các cơ quan cũng phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - công chức để giảm nhẹ biên chế, làm cho bộ máy gọn nhẹ, có hiệu lực và hiệu quả.
d. Nguyên tắc pháp chế
Công vụ là tổ chức được xây dựng trên cơ sở pháp luật và bảo đảm pháp chế, phải thực hiện đúng thẩm quyền cũng như không được từ bỏ thẩm quyền đã được Nhà nước trao đổi thi hành công vụ. Do đó, cán bộ – công chức khả thi hành công vụ không được lạm dụng quyền lực để gây sách nhiễu với dân, nhận hối lộ, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. II. HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ
Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân.
Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân và người nước ngoài.
Hoạt động công vụ phải tuân thủ nguyên tắc thống nhất, công khai, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân.
Hoạt động công vụ bao gồm: Tổ chức công sở, trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ; quan hệ công vụ trong công sở, giữa các công sở và thủ tục hành chính.
1. Tổ chức công sở
Cơ quan tổ chức Nhà nước được thành lập theo luật định thực hiện chức năng quản lí Nhà nước nhằm phục vụ công gọi là công sở.
Công sở bao gồm: Công sở hành chính là các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương, công sở phục vụ công như bệnh viện, trường học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình của Nhà nước… Công sở phải được bố trí, tổ chức khoa học, hợp lí, tiện lợi cho hoạt động công vụ và phục vụ nhân dân. Công sở phải bố trí phòng đợi. Tại phòng đợi phải được niêm yết các mẫu hồ sơ, mẫu đơn… và thông báo rõ quy định thời gian, thời hạn giải quyết từng loại công việc.
Trong công sở, nơi làm việc của mỗi đơn vị phải có biển chỉ dẫn. Công chức chịu trách nhiệm giải quyết công việc phải có biết ghi rõ họ tên và chức vụ đặt ở bàn làm việc. Các phòng, ban giải quyết công việc phải có biển ghi rõ nhiệm vụ giải quyết để dân nhận biết.
Công sở phải có bộ phận thường trực. Thường trực chỉ giải quyết cho những người đến liên hệ công tác vào làm việc trong công sở và có trách nhiệm hướng dẫn đến đúng chỗ làm việc.
Những công sở thường xuyên tiếp xúc với dân phải có hộp thư góp ý đặt ở phòng đợi. Công sở treo quốc kỳ trong ngày làm việc và ngày lễ.
Các công sở hành chính cần được bố trí trong cùng một khu vực đảm bảo thuận lợi cho việc thực hiện công vụ và cho sự liên hệ của nhân dân.
2. Trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ
Công chức thực hiện công vụ theo pháp luật. Công chức phải tận tuỵ, trung thực, hết lòng vì công vụ được giao, là công bộc của nhân dân.
Khi thực thi công vụ, công chức không được tự ý rời bỏ công sở hoặc ngừng thi hành công vụ khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
Khi thi hành công vụ, công chức phải thể hiện thái độ lịch sự khiêm tốn nhã nhặn. Đối với nhân dân phải lắng nghe ý kiến của dân. Đối với đồng nghiệp phải có thái độ tôn trọng, hợp tác.
Cán bộ – công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải nắm vững nội dung công việc, am hiểu sâu chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và giải quyết công việc đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Cán bộ – công chức không được tuỳ tiện giải đáp, hướng dẫn, giải quyết công việc trái pháp luật và các quy định của cơ quan có thẩm quyền. Công chức có nhiệm vụ tiếp, giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Khi giải quyết công việc phải khẩn trương, không được để đương sự phải đi lại nhiều lần, không được nhận quà biếu của các công dân và tổ chức. Cán bộ công chức có trách nhiệm tiết kiệm công quỹ, bảo vệ tài sản Nhà nước, không sử dụng lãng phí tài sản, tiền bạc của Nhà nước, của dân dưới mọi hình thức.
Công chức khi thi hành công vụ phải đeo thẻ công chức theo đúng quy định của Nhà nước.
3. Quan hệ trong công vụ công sở và giữa các công sở
a. Quan hệ trong công vụ, công sở
Công sở hoạt động theo nguyên tắc công khai, dân chủ và thực hiện chế độ thủ trưởng những vấn đề về: Pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ, cấp trên, phải được phổ biến, quán triệt đến mỗi cán bộ – công chức. Các chế độ thuộc phạm vi quyền lợi, phúc lợi phải được cán bộ – công chức bàn bạc đảm bảo đoàn kết, công bằng và hợp lí. Người đứng đầu công sở phải thực sự công tâm, không định kiến, tôn trọng khuyến khích sự thẳng thắn, trung thực của cán bộ – công chức thuộc thẩm quyền quản lí.
Khi giải quyết công việc, người đứng đầu công sở:
– Chịu trách nhiệm quyết định những công việc thuộc thẩm quyền cá nhân, không ỷ lại tập thể;
– Những công việc được quy định thực hiện theo chế độ tập thể thì phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành;
– Quan tâm đến nguyện vọng, lợi ích chính đáng của cán bộ – công chức thuộc quyền, có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ – công chức có cơ hội phát triển, tiến bộ, thực hiện công khai, công bằng trong việc khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ – công chức theo đúng quy định.
Người đứng đầu công sở có người cấp phó giúp việc. Cấp phó của người đứng đầu được phân công phụ trách từng lĩnh vực công tác. Cấp phó chịu trách nhiệm giúp đỡ người đứng đầu về lĩnh vực được giao, có trách nhiệm báo cáo, trao đổi công việc theo đúng quy chế làm việc cơ quan.
Khi người đứng đầu quyết định khẩn cấp những công việc thuộc lĩnh vực đã phân công cho cấp phó, người đứng đầu cần thông báo cho cấp phó biết sau khi quyết định.
Người đứng đầu công sở chỉ ủy quyền cho cấp phó giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của công sở và phải chịu trách nhiệm về những quyết định cấp phó được ủy quyền giải quyết.
Cán bộ – công chức lãnh đạo các đơn vị khác trong cùng công sở, khi cần trưng dụng công chức không thuộc quyền thì phải thương lượng với cấp lãnh đạo quản lí trực tiếp của cán bộ công chức đó, cả trong trường hợp lãnh đạo cấp trên đồng ý.
Các đơn vị trong cùng công sở có trách nhiệm phối hợp, cộng tác thực hiện công vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan. Nghiêm cấm sự tranh chấp, từ chối, trốn tránh trách nhiệm thuộc thẩm quyền. Không được có tư tưởng cục bộ làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ.
b. Quan hệ công vụ giữa các công sở
Các công sở khi thực hiện công vụ chung phải có sự phối hợp, tinh thần hợp tác chặt chẽ. Khi có vấn đề vướng mắc phải cùng nhau xác định trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Trường hợp không giải quyết được phải kịp thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền trực tiếp để phân định trách nhiệm.
Công vụ thuộc thẩm quyền của công sở nào thì công sở đó phải chịu trách nhiệm giải quyết. Trường hợp cần tham khảo ý kiến của công sở có liên quan, công sở có thẩm quyền giải quyết gửi công văn trao đổi. Công văn trao đổi cần ghi rõ nội dung yêu cầu thẩm định, thời gian trả lời theo luật định. Công sở được tham khảo ý kiến có trách nhiệm trả lời. Nếu công sở được hỏi ý kiến không trả lời theo thời hạn thì coi như đồng ý.
Các công sở chuyên môn ở địa phương: Sở, Phòng, Ban… thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân; chịu sự hướng dẫn và kiểm tra chuyên môn của Bộ, ngành và công sở cấp trên.
Người đứng đầu công sở cấp trên chỉ quyết định công việc hoặc ra lệnh cho công sở cấp dưới trực tiếp. Sau đó, cần thông báo cho người lãnh đạo công sở cấp dưới trực tiếp sau khi ra quyết định hoặc mệnh lệnh.
Các công sở phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ báo cáo định kỳ. Nếu có phát sinh công vụ phải báo cáo kịp thời lên công sở cấp trên bằng phương tiện nhanh nhất.