III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ PHÁP LỆNH CÁN BỘ, CÔNG
3. Nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ công chức
Nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ – công chức được quy định nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ – công chức có tài, có đức hết lòng phục vụ nhân dân, đất nước.
a. Về nghĩa vụ của cán bộ – công chức
Nghĩa vụ của cán bộ – công chức được quy định tại ba điều trong Pháp lệnh, là Điều 6, Điều 7, Điều 8. Đây vừa là những yêu cầu để cán bộ – công chức rèn luyện phấn đấu, vừa là cơ sở để kiểm tra, đánh giá của cấp có thẩm quyền và sự giám sát của nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ – công chức. Nghĩa vụ của cán bộ – công chức luôn được xác định hai phần chính. Nghĩa vụ trung thành và nghĩa vụ thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Ở nước ta, ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh yêu cầu về nghĩa vụ của cán bộ – công chức trong bộ máy Nhà nước. Người đã nhiều lần khẳng định: “Cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, T.10, Tr. 151). Với tư tưởng đó, Điều 6 Pháp lệnh cán bộ – công chức xác định Cán bộ, công chức có những nghĩa vụ sau đây:
1. Trung thành với Nhà nước CHXHCN Việt Nam; bảo vệ sự an toàn, danh dự và lợi ích quốc gia;
2. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật;
4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tham gia sinh hoạt với cộng đồng dân cư nơi cư trú, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân;
5. Có nếp sống lành mạnh; trung thực; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng;
6. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong công tác; thực hiện nghiêm chỉnh nội quy của cơ quan, tổ chức; giữ gìn bảo vệ của công, bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật
7. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ; chủ động, sáng tạo phối hợp trong công tác nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao;
8. Chấp hành sự điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong những điều quy định về nghĩa vụ của cán bộ – công chức, Pháp lệnh cũng đã xác định rõ “Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ – công chức thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.” (Điều 7). Và “Cán bộ – công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên; khi có căn cứ đê cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành trách nhiệm đó” (Điều 8). Điều này thể hiện nguyên tắc chung về nghĩa vụ tuân thủ của cán bộ – công chức. Tuy nhiên, cán bộ – công chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ phải kiểm tra tính hợp pháp của mỗi hành động và sự độc lập của cá nhân về công việc của họ được đảm bảo trước pháp luật; đồng thời nó cũng đòi hỏi cán bộ – công chức phải nắm vững pháp luật, những quy định cụ thể khi giải quyết, xử lí công việc, vừa để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo.
b. Về quyền lợi của cán bộ – công chức
Cán bộ – công chức được hưởng những quyền lợi như những người lao động được quy định trong Bộ luật Lao động như: quyền nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, được hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí, chế độ tử tuất… Cán bộ – công thức là nữ còn được hưởng các quyền lợi quy định tại khoản 2, Điều 109, các Điều 111, 113… của Bộ luật Lao động.
Ngoài những quy định cán bộ – công chức được hưởng các quyền lợi theo Bộ luật Lao động, Pháp lệnh còn quy định một số quyền lợi khác tại các Điều 10, 11, 12, 13 và Điều 14 của Pháp lệnh. Trong đó, có điểm cần quan tâm là để khích lệ, động viên cán bộ – công chức có hành động dũng cảm trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Pháp lệnh đã quy định rõ: “Cán bộ – công chức hy sinh trong khi thi hành nhiệm trụ, công vụ được xem xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật. Cán bộ – công chức bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ thì được xem xét để áp dụng chính sách chế độ tương tự như đối với thương binh” (Điều 14).
Như vậy, cùng với quy định về nghĩa vụ của cán bộ – công chức thì Pháp lệnh cũng đã xác định và ghi rõ quyền lợi, bao gồm về chính trị, tinh thần và vật chất trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Việc quy định quyền lợi của cán bộ – công chức trong Pháp lệnh thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ – công chức. Việc xác định rõ các quyền lợi là cơ sở để người cán bộ – công chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, tận tâm tận lực, mẫn cán với công việc, công chức không bị chi phối nhiều bởi những lo âu, toan tính của cuộc sống thường nhật.
Những quyền lợi về sự thăng tiến và trong quan hệ khi thực thi nhiệm vụ, công vụ cũng tạo cho cán bộ – công chức lòng nhiệt tình làm việc, ý chí phấn đấu vươn lên. Tất cả những điểm này đều được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, do những điều kiện khách
quan của tình hình đất nước, trong thời gian qua các chế độ về quyền lợi cán bộ – công chức chưa mang tính toàn diện, bao quát. Pháp lệnh cán bộ – công chức thể hiện những nội dung mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khoá VIII chỉ rõ: “… đổi mới cơ bản chính sách bảo đảm lợi ích vật chất cho từng loại cán bộ trước hết là chế độ tiền lương, nhà ở và phương tiện đi lại. Tiền lương phải thật sự trở thành bộ phận cơ bản trong thu nhập cán bộ, bảo đảm tái sản xuất mở rộng sức lao động…” (Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Hội nghị Trung ương 3 khoá VIII, trang 94).