Tăng cường nguồn tài chính, cơ sở vật chất cho giáo dục

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý nhà nước quản lý giáo dục đào tạo (Trang 69)

IV. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

5. Tăng cường nguồn tài chính, cơ sở vật chất cho giáo dục

Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục; đổi mới cơ chế quản lí tài chính. Chuẩn hóa và hiện đại hóa trường sở, trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu và học tập.

a) Ngân sách nhà nước là nguồn tài chính chủ yếu của giáo dục. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục trong tương quan với các ngành khác. Nâng tỉ lệ chi cho giáo dục trong ngân sách nhà nước từ 15% năm 2000 lên ít nhất 18% năm 2005 và 20% năm 2010; tranh thủ nguồn tài chính vay với lãi suất ưu đãi cho giáo dục từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các tổ chức quốc tế và các nước.

Ngân sách nhà nước tập trung nhiều hơn cho các bậc giáo dục phổ cập, cho vùng nông thôn, miền núi, cho đào tạo trình độ cao, cho những ngành khó thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Có chính sách đảm bảo điều kiện học tập cho con em người có công và diện chính sách, cơ hội học tập cho con em gia đình nghèo. Trong thời gian 2001–2005, hàng năm Nhà nước dành kinh phí từ ngân sách và sử dụng các nguồn khác để đưa 400–500 cán bộ khoa học đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.

Huy động nhiều nguồn tài chính khác, kết hợp tốt các nguồn vốn trong và ngoài nước và sự đóng góp của xã hội cho phát triển giáo dục.

b) Đổi mới cơ chế quản lí tài chính theo hướng song song với việc trao quyền chủ động về tài chính, cần thực hiện chế độ tài chính công khai và chế độ kiểm toán nhằm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho giáo dục.

c) Các địa phương có kế hoạch cụ thể xây dựng thêm trường sở để đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục THCS, tăng số lượng học sinh phổ thông và hoạt động cả ngày tại trường lên tới 70%, nâng tỉ lệ các trường được xây dựng theo chuẩn quốc gia lên tới 50% vào năm 2010. Đặc biệt quan tâm xây dựng trường kiên cố, bán kiên cố cho các vùng thường xảy ra thiên tai.

Thực hiện chế độ ưu đãi về sử dụng đất đai, vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục.

d) Tăng cường và hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Phấn đấu đến năm 2010 có 60% trường phổ thông và 100% trường đại học, cao đẳng được nối mạng Internet. Mở cổng kết nối Internet trực tiếp cho hệ thống đại học.

e) Xây dựng thư viện trường học. Đến năm 2010 tất cả các trường phổ thông đều có thư viện nhà trường. Xây dựng hệ thống thư viện điện tử kết nối giữa các trường đại học trong từng vùng tiến tới kết nối với các thư viện trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế.

g) Xây dựng một số phòng thí nghiệm quốc gia trong các trường đại học quốc gia, các trường đại học trọng điểm, đầu ngành. Xây dựng các cơ sở thực nghiệm về công nghệ ở một số trường cao đẳng.

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý nhà nước quản lý giáo dục đào tạo (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w