Lý thuyết lựa chọn hành vi hợp lý

Một phần của tài liệu Chuyển đổi việc làm của người dân ven đô sau khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp tại phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, Hà Nội (Trang 38)

10. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Lý thuyết lựa chọn hành vi hợp lý

Thuyết lựa chọn hợp lý dựa vào tiền đề cho rằng con người luôn hành động một cách có chủ đích, có suy nghĩ để lựa chọn và sử dụng các nguồn lực một cách duy lý nhằm đạt được kết quả tối đa với chi phí tối thiểu.

Theo G. Homans, nhà xã hội học người Mỹ thì các cá nhân hành động tuân theo nguyên tắc trao đổi giá trị vật chất và tinh thần như sự ủng hộ, tán thưởng hay danh dự…Ông cho rằng “mô hình lựa chọn duy lý” của hành vi

cá nhân tương thích một phần nào đó với các định đề của tâm lý học hành vi. Homans đã đưa ra một số định đề cơ bản về sự tương tác giữa các cá nhân:

- Định đề phần thưởng: nếu một dạng hành vi được thưởng hay có lợi thì hành vi đó càng có khả năng lặp lại.

- Định đề kích thích: hành vi được thưởng, được lợi trong hoàn cảnh nào thì cá nhân có xu hướng lặp lại hành vi đó trong hoàn cảnh tương tự.

- Định đề giá trị: hành vi càng có giá trị cao đối với cá nhân bao nhiêu thì cá nhân đó càng có xu thế thực hiện hành vi đó bấy nhiêu.

- Định đề duy lý: nếu như phần thưởng, mối lợi đủ lớn thì cá nhân sẵn sàng bỏ chi phí vật chất và tinh thần để đạt được nó.

- Định đề giá trị suy giảm: nếu một hành vi thường xuyên nhận được một phần thưởng nào đó thì giá trị của nó có xu hướng giảm dần.

- Định đề mong đợi: nếu sự mong đợi của con người được thực hiện thì người ta sẽ hài lòng và ngược lại sẽ cảm thấy bực tức, không hài lòng.

Tiêu điểm của thuyết lựa chọn hợp lý là chủ thể - người hành động. Các chủ thể được xem là có mục đích hay mục tiêu về hành động của họ hướng tới. Họ luôn xem xét và lựa chọn hành động nào có thể đem lại phần thưởng lớn nhất và có giá trị nhất. Và con người luôn có xu hướng nhân bội giá trị của kết quả hành động với khả năng hiện thực hóa hành động đó. Có nghĩa là con người sẽ quyết định lựa chọn một hành động nào đấy ngay cả khi giá trị của nó thấp nhưng tính khả thi của nó cao. Như vậy, lý thuyết lựa chọn hợp lý cho rằng mỗi cá nhân đều có xuất phát từ động cơ duy lý- tức là được tính toán kỹ lưỡng và lựa chọn hành động nào đem lại lợi ích lớn nhất với nguy cơ chi phí và thiệt hại nhỏ nhất.

Áp dụng lý thuyết này vào nghiên cứu này nhằm giải thích sự chuyển đổi việc làm của người dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp là có sự tính toán về mặt lợi ích. Các cá nhân sẽ đưa ra những hành vi nào mà có lợi nhất, phù hợp nhất với mình. Với mỗi một độ tuổi, một giới tính, một hoàn cảnh gia

đình, các mối quan hệ xã hội khác nhau, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp nhất sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, khi mà tư liệu sản xuất chính của họ bị mất đi.

Một phần của tài liệu Chuyển đổi việc làm của người dân ven đô sau khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp tại phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, Hà Nội (Trang 38)