10. Cấu trúc của luận văn
3.3. Yếu tố trình độ học vấn
Học vấn là chìa khóa của sự phát triển, là một trong những yếu tố quy định vị thế và sự thăng tiến xã hội của mỗi cá nhân. Khi một cá nhân có trình độ học vấn cao trong xã hội sẽ tạo ra những cơ hội để lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, có khả năng tạo công ăn việc làm ổn định. Vì để có một công việc ổn
định và thành công thì mỗi người cần phải có kiến thức, tay nghề, kỹ năng để làm nghề đó và ngoài ra cần phải có sự năng động và khả năng thích ứng với những biến đổi của xã hội, biết dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận mạo hiểm và biết tính toán để làm giàu chính đáng.
Thực tế sự biến đổi cơ cấu việc làm ở các vùng ven đô Hà Nội đang chứng tỏ vai trò to lớn của nhân tố trình độ học vấn của người dân. Trong quá trình chuyển đổi việc làm của người dân vùng ven đô Hà Nội thì trình độ học vấn là một yếu tố quan trọng quyết định đến việc chuyển đổi việc làm của người dân sao cho phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu thị trường và nó sẽ quyết định trực tiếp đến cuộc sống của chính người dân sau này. Vì khi trình độ học vấn càng cao sẽ là điều kiện thuận lợi người dân tiếp cận, thích nghi nhanh chóng với sự phát triển của các xã hội, với thị trường lao động, dễ dàng để đào tạo, học một nghề mới trên cơ sở đó giúp họ có khả năng tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo công ăn việc làm phù hợp.
Để xem xét cụ thể yếu tố học vấn ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề tìm kiếm, chuyển đổi việc làm mới của người dân sau khi thu hồi đất nông nghiệp thì thấy có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm có trình độ học vấn khác nhau. Cụ thể là nhóm người có trình độ học vấn cấp 3 có tỷ lệ có những điều kiện thuận lợi về cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi thu hồi đất cao hơn so với những người có trình độ cấp 2, cấp 1 và những người không đi học (tỷ lệ lần lượt là nhóm có trình độ cấp cấp 3 là 17,4,%; nhóm có trình độ cấp 2 là 10,3%, nhóm có trình độ cấp 1 là 6,2%, không đi học là 0%).
Tuy nhiên trong mẫu khảo sát tại địa bàn nghiên cứu thì người nông dân tại địa phương đều có trình độ học vấn thấp chủ yếu từ phổ thông trung học (cấp 3) trở xuống, không có ai có trình độ chuyên môn hay tay nghề nào khác. Cụ thể là có 6% người được hỏi không đi học, 32% có trình độ tiểu học (cấp 1), 39% có trình độ trung học cơ sở (cấp 2) và 23% có trình độ trung học
phổ thông (cấp 3). Chính yếu tố này là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến việc chuyển đổi việc làm của người dân sau khi thu hồi đất nông nghiệp. Và như đã phân tích ở trên thì đã thể hiện rất rõ yếu tố học vấn là một yếu tố quan trọng quyết định đến việc chuyển đổi nghề nghiệp việc làm của người dân. Đã có 98,8% số người được hỏi cho rằng học vấn thấp là khó khăn trong quá trình chuyển đổi việc làm của người dân. Đây là một tỷ lệ cao nhất trong tất cả các khó khăn mà người dân gặp phải.
“Đa phần trong số họ không có tay nghề, trình độ và đã quá độ tuổi đào tạo nghề nên không biết học nghề gì để kiếm sống.”
(Nam, 58 tuổi, Bí thư – Tổ trưởng tổ dân phố)
“Khổ nhất của người nông dân là không có nghề gì ngoài nghề làm ruộng. Đến khi mất ruộng là trở nên trắng tay toàn bộ. Giờ không biết làm nghề gì khác thì chẳng chỗ nào thuê, chẳng chỗ nào nhận. Thôi đành chấp nhận làm thuê cho họ vậy. Trước đây có ruộng dù vất vả, thu nhập không cao nhưng mình chẳng phụ thuộc vào ai hết, thích làm gì thì làm.
(Nam, 43 tuổi)
“Chẳng có trình độ là chẳng biết làm việc gì hết. Nếu có trình độ, tay nghề thì trước đây đã không ở nhà làm ruộng rồi. Giờ mới khó khăn để tìm việc mới đây”
(Nữ, 40 tuổi)
Chính vì trình độ học vấn của người dân được khảo sát chủ yếu là từ cấp 3 trở xuống nên họ sẽ khó có thể tìm được một công việc phi nông nghiệp phù hợp, ổn định, có mức thu nhập cao, những công việc đòi hòi trình độ chuyên môn cao như công nhân hay các công việc nhà nước. Hầu hếu lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi, trình độ học vấn thấp và chưa qua đào tạo nghề chủ yếu lựa chọn chuyển sang các công việc không đòi hỏi về trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật, tay nghề mà chỉ lựa chọn những công việc lao động chân tay phụ thuộc chủ yếu vào sức lao động của bản thân. Đó là lý do vì sao người dân sau khi thu hồi đất chủ yếu chuyển sang các công việc như lao động tự do, làm thuê, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ. Nếu không chuyển sang làm các công việc đó thì người lao động có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng thất nghiệp nếu bị thu hồi toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp.
Theo một kết quả nghiên cứu khác cho thấy trong số 135 hộ điều tra với số lượng lao động là 452 người thì chỉ có 74 lao động (chiếm 16,2%) đang là việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Yêu cầu về trình độ, đặc biệt là học vấn, điều kiện và kỷ luật lao động chặt chẽ là những nguyên nhân chủ yếu của việc rất ít lao động trong các hộ nông dân vùng công nghiệp hóa tìm được việc làm trong các nhà máy [2]. Một số lao động được nhận vào làm việc trong các công ty nhưng do không có tay nghề, sức khỏe kém, không chấp hành tốt kỷ luật lao động…đã phải quay trở lại với nghề nông hoặc tìm việc làm thuê. Điều này cho thấy, việc người nông dân sau khi thu hồi đất không chuyển sang hoặc không được nhận làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp là tình trạng chung, phổ biến ở tất cả các địa phương. Và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do trình độ học vấn của người dân thấp, họ không có khả năng học nghề, đào tạo nghề. Mặt khác cũng do người nông dân sinh ra lớn lên và trưởng thành ở vùng nông thôn nên họ vẫn lưu giữ những nề nếp của sản xuất nông nghiệp, trang bị kỹ thuật thấp so với công nghiêp nên sẽ gây nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với ngành nghề công nghiệp đặc biệt là đối với những người có trình độ học vấn thấp.
"Ai thuê việc gì làm việc đó, có hôm lau dọn nhà, hôm lại đi xách vữa phụ hồ. Công việc rất vất vả và bấp bênh nhưng không đi thì lấy tiền đâu cho con ăn học. Muốn xin vào làm công nhân nhưng đã ngoài 40 tuổi và chẳng có trình độ nên chẳng có doanh nghiệp nào tuyển”
(Nữ, 41 tuổi)
“Giờ cũng chỉ mong 1 suất làm công nhân cho ổn định thôi nhưng chẳng được. Giờ tuổi cao, tay nghề thì chẳng có chẳng có công ty nào nhận cả. Họ lấy lao động phổ thông thì cũng chỉ lấy người trẻ thôi vì làm dây chuyển cần phải người nhanh nhẹn, mắt tinh. Mà giờ lớn tuổi cũng chẳng học được nghề nào nữa”
(Nam, 43 tuổi)
Như vậy, trình độ học vấn là một trong những hạn chế lớn nhất của người dân để có thể chuyển đổi sang những công việc ổn định, có thu nhập
cao. Vì yếu tố trình độ học vấn thấp sẽ kéo theo hàng loạt các yếu tố khác như không có trình độ tay nghề, kỹ năng nào, sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường lao động việc làm hiện nay, sẽ khó khăn trong việc đi học nghề, đào tạo nghề mới…Tất cả những yếu tố đó sẽ cộng hưởng ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuyển đổi việc làm, đến cuộc sống của người dân khi mà không còn ruộng để cấy cày nữa.