7. Bố cục của luận văn
2.1. Các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp nội bộ ở Việt Nam
Về luật hình thức: Hiện nay, có các văn bản luật hình thức điều chỉnh trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp nội bộ công ty là Luật Trọng tài thương mại 2010 và những văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 65/2011/QH12) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về luật nội dung: Tranh chấp nội bộ công ty là một phức hợp các quy tắc pháp lý thuộc nhiều ngành luật, chế định pháp luật khác nhau, chứa đựng tại nhiều đạo luật và văn bản dưới luật. Để giải quyết phần nội dung của tranh chấp nội bộ công ty, cần căn cứ vào Luật doanh nghiệp số 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi
29
tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Luật dân sự 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, những hợp đồng liên quan đến thành lập công ty và những hợp đồng đảm bảo cho hợp đồng thành lập công ty được thi hành như hợp đồng góp vốn; cam kết phần vốn góp; điều lệ công ty... cũng là một trong những nguồn để giải quyết tranh chấp nội bộ công ty nếu có phát sinh và pháp luật không quy định.
2.1.1. Pháp luật về giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng tòa án 2.1.1.1. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp
Giải quyết tranh chấp nội bộ thông qua tòa án phải tuân theo các nguyên tắc chung quy định trong BLTTDS 2004 như: Khi xét xử, thẩm phán vụ án hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nguyên tắc xét xử công khai, xét xử tập thể và quyết định theo đa số; Tòa án đảm bảo cho nhân dân được dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước tòa... Trên cơ sở những nguyên tắc chung này, thủ tục giải quyết tranh chấp nội bộ xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc đặc thù nhất định. Cụ thể như sau:
- Nguyên tắc tôn trong quyền tự định đoạt của các đương sự: BLTTDS
2004 quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội [34, Điều 5].
- Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật:Các đương sự đều bình đẳng về
quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để các đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình [Điều 8 BLTTDS
30
2004]. Việc cụ thể hóa quyền bình đẳng trước pháp luật trong giải quyết tranh chấp nội bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó còn thể hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khi các doanh nghiệp, người kinh doanh tham gia tố tụng thì không phân biệt đó là thuộc loại hình doanh nghiệp nào, thuộc thành phần kinh tế gì, các bên đều có quyền và nghĩa vụ theo các quy định của pháp luật tố tụng.
- Nguyên tắc tòa án không tiến hành điều tra mà chỉ xác minh thu thập chứng cứ: Khi giải quyết các tranh chấp nội bộ công ty, tòa án chủ yếu chỉ
căn cứ vào các chứng cứ mà đương sự đưa ra. Các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình. Chứng minh chứng cứ là yếu tố cốt lõi của pháp luật tố tụng, mọi hoạt động tố tụng đều tập trung làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh bằng việc thu thập và đánh giá chứng cứ. Về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn các vụ án, tranh chấp. Nếu trong tố tụng hình sự, khi có tội phạm xảy ra, việc thu thập chứng cứ thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra hoặc các cơ quan, đơn vị khác có liên quan theo quy định của pháp luật thì trong tố tụng dân sự nói chung và trong tố tụng án kinh doanh thương mại, tranh chấp nội bộ công ty nói riêng thì khi cần khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp, các đương sự phải tự mình thu thập và cung cấp chứng cứ, chuyển gia chứng cứ, tài liệu cho Tòa kinh tế. Nguyên tắc này tạo cơ sở giải quyết nhanh chóng và đúng đắn các vụ tranh chấp, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đương sự trong hoạt động tố tụng. Đây là một nguyên tắc đặc thù của tố tụng kinh doanh, thương mại, tạo điều kiện cho các đương sự tham gia trong việc bảo vệ lợi ích của chính mình trước các xâm hại.
31
- Nguyên tắc hòa giải: Theo nguyên tắc này, khi có tranh chấp kinh
doanh xảy ra, trước hết các bên tự tiến hành hòa giải với nhau. Khi không tự hòa giải được, các bên mới yêu cầu cơ quan tòa án can thiệp. Nhưng khi đã yêu cầu cơ quan tòa án can thiệp, các đương sự vẫn có thể tiến hành hòa giải dưới sự hướng dẫn, công nhận của tòa án. Chỉ khi hòa giải không thành, tòa án mới đưa vụ án ra xét xử. Hơn nữa, tại phiên tòa, thẩm phán cũng tạo điều kiện để cho các bên tranh chấp hòa giải được với nhau [34, Điều 10].
- Nguyên tắc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời: Xuất phát từ nhu
cầu kinh doanh, việc giải quyết tranh chấp không những bảo đảm đúng pháp luật mà còn phải nhanh chóng, dứt điểm, tránh dây dưa, kéo dài. Việc giải quyết nhanh chóng tranh chấp nội bộ công ty thể hiện trong nhiều quy định như rút ngắn các thời hiệu, thời hạn; thủ tục rút gọn, hạn chế việc giao vụ án cho tòa cấp dưới để xét xử lại.
- Nguyên tắc xét xử công khai: Vụ án kinh doanh, thương mại được xét
xử công khai, trừ trường hợp cần giữ gìn bí mật Nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ (Khoản 2 Điều 15 BLTTDS 2004). Bí mật của đương sự trong tranh chấp thường là bí quyết về kinh doanh như phát minh, sáng chế... có liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của người kinh doanh. Nếu các bí mật đó bị tiết lộ thì có thể làm cho doanh nghiệp đó gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc có thể bị phá sản, vì vậy, họ có thể yêu tòa án xử kín. Tòa án là người có thẩm quyền quyết định cho phép đưa vụ án đó ra xét xử công khai hay xét xử kín.
2.1.1.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án
Thẩm quyền của tòa án về giải quyết tranh chấp nội bộ công ty được quy định rõ trong khoản 3, điều 29 BLTTDS 2004: “Tranh chấp giữa công ty với
các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách,
32
chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty” và được giải quyết theo thủ tục chung về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Tại tiểu mục 3.5, mục 3, phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31 tháng 03 năm 2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn rõ qua việc liêt kê các tranh chấp được xác định là “tranh chấp giữa công ty với thành viên công
ty” và “tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau”.
Bên cạnh đó, để xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án trong các tranh chấp về kinh doanh, thương mại, trước hết toà án phải xác định tranh chấp phải thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống toà án nhân dân hay thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại. Cơ sở để phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của toà án và trọng tài là thoả thuận trọng tài giữa các bên. Khoản 1 điều 5 LTTTM 2010 quy định: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận
trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”. Điều 6 LTTTM 2010 quy định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Như vậy, nếu các bên đương
sự đã có thỏa thuận trọng tài hợp lệ thì việc giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của tòa án.
Căn cứ để phân định thẩm quyền theo cấp xét xử đối với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại phụ là phụ thuộc vào tính chất của tranh chấp và đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần thiết phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự quán của Việt nam hoặc cho toà án nước ngoài. Theo đó, chỉ những tranh chấp cụ thể quy định tại khoản 1 điều 29 BLTTDS 2004 thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện. Đây là những tranh chấp diễn ra phổ biến trên thực tế và tính phức tạp không cao. Tranh chấp nội
33
bộ công ty chiếu theo điều 33, 34 BLTTDS 2004, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét xử cấp sơ thẩm.
Căn cứ để phân định thẩm quyền theo lãnh thổ tuân theo nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ được quy định tại khoản 1 điều 35 BLTTDS 2004 và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn theo quy định tại khoản 1 điều 35 BLTTDS 2004. Việc xác định này cũng giống như trong các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình và lao động. Các nguyên tắc cơ bản xác định thẩm quyền theo lãnh thổ bao gồm: (i) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức; (ii) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức; (iii) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.
2.1.1.3. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp nội bộ công ty bằng tố tụng tòa án
Pháp luật tố tụng dân sự quy định quyền khởi kiện một vụ án là quyền của cá nhân hoặc pháp nhân có đủ tư cách của một chủ thể kinh doanh và có quyền và lợi ích hợp pháp bị tranh chấp hoặc bị xâm phạm. Để khởi kiện vụ án giải quyết tranh chấp, người khởi kiện phải làm đơn yêu cầu toà án giải quyết vụ án. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp nội bộ công ty được xác định theo tranh chấp kinh doanh thương mại là 02 năm kể từ ngày kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm (Điều 159 BLTTDS 2004). Kèm theo đơn kiện phải có các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu của nguyên đơn.
Sau khi nhận đơn trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện, tòa án sẽ tiến hành thụ lý giải quyết vụ án khi: (i) Người khởi kiện có quyền khởi kiện; (ii) Sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án; (iii) Đơn kiện được gửi đúng
34
thời hiệu khởi kiện; (iv) Nguyên đơn đã nộp tạm ứng án phí; (v) Sự việc chưa được giải quyết bằng bản án hoặc có hiệu lực pháp luật của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; (vi) Sự việc không được các bên thoả thuận trước là phải quyết theo thủ tục trọng tài.
Sau khi thụ lý vụ án, toà kinh tế sẽ tiến hành chuẩn bị xét xử. Thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với các vụ án phức tạp thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 01 tháng. Trong công tác chuẩn bị xét xử toà kinh tế phải tiến hành các công việc chủ yếu sau:
-Thông báo việc khởi kiện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, toà án phải thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết nội dung đơn kiện.
-Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông báo bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải gửi cho toà án ý kiến của mình bằng văn bản về đơn kiện và các tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
-Xác minh thu thập chứng cứ: Trong tố tụng kinh tế chứng cứ chủ yếu do đương sự cung cấp khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh đồng thời là quyền chứng minh của mình. Tuy nhiên để đảm bảo việc xét xử vụ án kinh tế được chính xác toà án có thể tiến hành thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ các tình tiết cuả vụ án.
-Hoà giải: Trước khi mở phiên toà giải quyết các vụ án kinh tế toà án tiến hành hoà giải để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án thì toà án lập biên bản hoà giải thành. Sau thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các đương sự không thay đổi thỏa thuận ghi nhận trong biên bản hòa giải thành thì toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay, không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
35
Trường hợp các đương sự không thể thoả thuận được thì toà án lập biên bản hoà giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử thẩm phán được phân công chủ toạ có quyền ra một trong những quyết định sau: (i) Đưa vụ án ra xét xử; (ii) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; (iii) Đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Toà quyết định tạm đình giải quyết vụ án trong các trường hợp sau: (i) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó; (ii) Một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; (iii) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế; (iv) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án.
Toà quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án trong các trường hợp sau: (i) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; (ii) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó; (iii) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện; (iv) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án; (v) Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án. (vii) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt; (viii) Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.