Tại Anh, nước đứng hàng đầu trên thế giới cũng như ở châu Âu về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, ngân sách nhà nước được đầu tư trực tiếp cho các trường đại học. Báo cáo độc lập về Tình hình tài chính sinh viên và tài trợ cho giáo dục đại học được công bố ngày 12-10-2010 đã cho thấy, về kinh phí hoạt động của các trường đại học ở Anh trong năm học 2008 – 2009, học phí do sinh viên trong và ngoài nước đóng chiếm 29%, tài trợ của các cơ quan nhà nước chiếm 29%, phần còn lại do ngân sách tài trợ nghiên cứu, đầu tư và quyên góp từ các tổ chức từ thiện. Theo tính toán, nếu chi phí cho một tấm bằng đại học là 7.000 bảng Anh thì 3.000 bảng là từ học phí, còn lại 4.000 bảng là từ các nguồn tài trợ. Riêng năm học 2010 – 2011, ngân sách nhà nước tài trợ cho giáo dục đại học giảm so với các năm trước đó, và chỉ còn 449 triệu bảng.
Về chính sách đối với sinh viên đại học, Chính phủ Anh cho phép họ được vay tiền đóng học phí, sau khi ra trường, nếu đi làm có thu nhập dưới 15.000 bảng/năm trở xuống thì chưa phải trả nợ (mức mới dự kiến được nâng lên là 21.000 bảng). Tính chung, sau 3 năm học đại học, một sinh viên có mức nợ là 30.000 bảng. Lãi suất được nhà nước trợ cấp hiện nay chỉ có 1,5%/năm và dự kiến sẽ tăng lên 2,2%/năm. Thời gian trả nợ hiện nay là 25 năm và dự kiến tăng lên 30 năm trước khi được nhà nước xoá nợ. Chính phủ quy định mức trần học phí hiện nay là 3.290 bảng /sinh viên/năm và dự kiến tăng lên 6.000 bảng, thậm chí mức cao nhất lên tới 9.000 bảng từ năm 2012. Nếu
27
trường đại học thu trên 6.000 Bảng sẽ phải nộp thuế thu nhập của nhà trường cho Bộ Tài chính Anh. Số tiền này lại được Bộ Tài chính tài trợ cho trường đại học theo tỷ lệ nói trên.
Theo Chính phủ Anh, tấm bằng đại học giúp người được cấp bằng đóng góp nhiều hơn cho xã hội và có thu nhập cao hơn; đồng thời mang lại lợi ích quốc gia thông qua giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn và cải thiện môi trường xã hội tốt hơn. Lô-gic của lập luận có vẻ đơn giản: nếu nhà nước và sinh viên - cùng có lợi thì cả hai bên sẽ cùng gánh chịu chi phí trong việc mưu cầu lợi ích đó. Hiện nay Anh có số lượng sinh viên Việt Nam đang học đại học đứng hàng thứ ba sau Mỹ, Ô-xtrây-li-a và ngang hàng hoặc cao hơn Pháp.