Một số ứng dụng GIS và công nghệ viễn thám tại Việt

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG GIS VÀ VIỄN THÁM XÂY DỰNG BẢN ĐỒ BIẾN ĐỘNG QUỸ ĐẤT LÚA DO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2000 - 2010 (Trang 35)

Việc ứng dụng viễn thám và hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ theo dõi, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường đã được một số nước trên thế giới ứng dụng từ những năm 1970. Tuy nhiên, ở Việt Nam do thiếu kinh phí, các trang thiết bị thu phát vệ tinh nên viễn thám và GIS chỉ mới được đưa vào ứng dụng trong thập kỷ vừa qua. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định được vai trò của viễn thám và GIS. Sau đây là một số ứng dụng của viễn thám và GIS ở Việt Nam. a./ Phát triển kinh tế xã hội

* Tên Dự án: “Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa hình - thủy văn cơ bản phục vụ phòng chống lũ lụt và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Viễn Thám - Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư và được thực hiện từ năm 2004, kết thúc vào cuối năm 2007.

Mục tiêu dự án: Mục tiêu tổng quát của Dự án là xây dựng một cơ sở dữ liệu Hệ thống thông tin địa hình - thủy văn cơ bản đa mục tiêu vùng đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt phục vụ trực tiếp công tác giám sát, dự báo và cảnh báo ngập lụt và điều hành phòng tránh lũ lụt hàng năm, sau đó trở thành công cụ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường bao gồm cả đất đai, quản lý lãnh thổ và quản lý hành chính các cấp thuộc khu vực.

b./ Thành lập bản đồ

đề án ARPEGE được thực hiện trong khuôn khổ Hợp tác Pháp - Việt theo Nghị định thư tài chính năm 1998. Dự án được thực hiện trong hai năm 2001 - 2002, với ngân sách bao gồm nguồn vốn ODA 12,9 triệu Franc của chính phủ Pháp và 1,5 tỷ VN Đồng vốn đối ứng của chính phủ Việt nam.

Mục tiêu của dự án: Mục tiêu cơ bản của dự án là tăng cường năng lực cho Trung tâm Viễn thám - Tổng cục Địa chính thông qua việc đầu tư một dây chuyền công nghệ và đào tạo đội ngũ cán bộ để ứng dụng công nghệ mới nhằm thúc đẩy công tác đo vẽ và hiệu chỉnh bản đồ địa hình cũng như bản đồ chuyên đề phục vụ tốt hơn nhu cầu về bản đồ của các ngành và địa phương.

* Các công trình thành lập và hiện chỉnh bản đồ địa hình

Từ thử nghiệm ban đầu trong việc sử dụng ảnh đa phổ chụp từ máy bay để hiện chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 25 000 khu vực Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) năm 1980 - 1982, trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ của Việt Nam, đến việc sử dụng các loại ảnh vệ tinh có độ phân giải khác nhau để hiện chỉnh và thành lập bản đồ địa hình ở nhiều tỷ lệ, đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu phủ trùm hệ thống bản đồ địa hình quốc gia. Ngay sau thành công của phương án thử nghiệm, đã tiến hành việc hiện chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 25.000 bằng ảnh máy bay cho cả tỉnh Thái Bình.

Việc sử dụng ảnh vệ tinh được tiến hành bằng việc hiện chỉnh và biên tập, phân mảnh lại bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 1.000.000 theo bố cục mới. Bản đồ này được dùng chính thức làm bản đồ nền cho tất cả các loại bản đồ khác ở tỷ lệ 1: 1.000.000 cho toàn bộ lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam.

Công trình “Thành lập bản đồ vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tỷ lệ 1:25.000, 1: 50.000, 1: 250.000 và 1: 1.000.000” thuộc dạng công trình về đo đạc - bản đồ đặc biệt được Nhà nước giao trực tiếp cho Trung tâm Viễn thám thực hiện trong các năm từ 1994 - 1999. Tư liệu dùng để thành lập bản đồ là các hải đồ, ảnh vũ trụ lực phân giải siêu cao của Nga và ảnh vệ tinh Landsat của Mỹ. Bộ bản đồ địa hình của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những tài liệu vô cùng quý giá cho công tác nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế biển và đặc biệt là đã giúp cho việc khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Bằng nguồn tư liệu ảnh SPOT 4 và những năm gần đây là SPOT 5, đã tiến hành công tác hiện chỉnh bản đồ địa hình với quy mô rộng hơn. Với việc hoàn thiện nhanh, đáp ứng kịp thời hệ thống bản đồ nền phục vụ cho việc lập Hồ sơ địa giới hành chính các cấp (thực hiện Chỉ thị 364/CT của Thủ tướng Chính phủ) cho nhiều địa phương trong cả nước.

Trong dự án xây dựng bản đồ địa hình phủ trùm ở tỷ lệ 1: 50.000, bằng công nghệ hiện chỉnh bản đồ theo ảnh vệ tinh SPOT, đã tiến hành thực hiện cho 2 vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng là đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ, với số lượng 133 mảnh bản đồ VN 2000 trên tổng số 569 mảnh phủ trùm cả Việt Nam trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Loại bản đồ ở tỷ lệ này và bản đồ ở tỷ lệ 1: 25 000 còn được tiến hành hiện chỉnh bằng ảnh vệ tinh SPOT 5 cho nhiều vùng lãnh thổ của Việt Nam. Đặc biệt là tháng 05 năm 2006, Bộ đã phê duyệt dự án tổng thể về hiện chỉnh bản đồ địa hình quốc gia ở tỷ lệ 1: 10.000, 1: 25.000 và 1: 50.000 trong thời gian 5 năm, từ năm 2006 đến năm 2010 với kinh phí trên 50 tỷ đồng. Đây là sự khẳng định của công nghệ viễn thám ứng dụng trong công tác bản đồ ở Việt Nam.

Ngoài ra, bằng công nghệ viễn thám đã giúp cho việc nhanh chóng có được bản đồ địa hình ở nhiều khu vực dọc các tuyến biên giới và vùng ven biển vịnh Bắc Bộ, phục vụ kịp thời cho công tác phân định biên giới trên đất liền và trên biển.

Đã xây dựng được các văn bản pháp quy về công tác hiện chỉnh bản đồ địa hình bằng tư liệu ảnh viễn thám, gồm Quy phạm hiện chỉnh năm 1989 (Quy phạm này cần phải xây dựng mới cho phù hợp với công nghệ hiện nay) và Quy trình hiện chỉnh - năm 2002.

c./ Quản lý đất đai

* Các công trình, dự án phục vụ công tác kiểm kê

Công nghệ viễn thám có thế mạnh trong việc xác định hiện trạng và biến động của lớp phủ mặt đất, trong đó có tình hình sử dụng và quản lý đất đai. Ngay từ những năm 80, trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm Viễn thám (trước là Phòng Viễn thám) đã chủ trì và thực hiện cùng với một số cơ

quan của các ngành, bộ khác dự án thành lập bộ bản đồ Hiện trạng sử dụng đất ở tỷ lệ 1: 250.000 của cả nước bằng tư liệu ảnh viễn thám. Bộ bản đồ này sau đó được sử dụng như là một tài liệu chính dùng để thành lập bộ bản đồ ở tỷ lệ 1: 1.000.000.

Trong đợt tổng kiểm kê đất đai năm 2000, Trung tâm Viễn thám đã tích cực tham gia bằng việc xử lý và cung cấp bình đồ ảnh vệ tinh cho 32 tỉnh và đã cử cán bộ xuống tập huấn cho các địa phương về việc sử dung loại ảnh này trong việc điều tra hiện trạng sử dụng đất.

Trong năm 2000 - 2002 đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng quy trình thành lập bản đồ sử dụng đất bằng tư liệu viễn thám. Kết quả đã đưa ra được quy trình và bộ mẫu giải đoán ảnh vệ tinh SPOT 4 phục vụ cho công tác này.

Trong thời gian từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 04 năm 2003 đã tiến hành thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Sử dụng ảnh vệ tinh để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện của tỉnh Cà Mau”. Kết quả của dự án cho phép kết luận, với loại ảnh vệ tinh SPOT 4 hoàn toàn có thể dùng điều tra, thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện ở tỷ lệ 1: 25.000. Sản phẩm sản xuất thử của dự án này còn có bộ bản đồ của các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi và có độ tin cậy cao, được địa phương chấp nhận và đưa vào sử dụng.

Trong đợt tổng kiểm kê đất đai năm 2005, việc ứng dụng công nghệ viễn thám đã được triển khai một cách sâu rộng hơn. Được phép của Bộ, ngay trong các năm 2003 - 2004, Trung tâm Viễn thám đã đặt mua ảnh vệ tinh SPOT 5 phủ trùm nhiều vùng của cả nước, đồng thời đã tiến hành xây dựng bản đồ nền và bản đồ ảnh vệ tinh phục vụ cho công tác kiểm kê đất đai cho 13 tỉnh là những địa phương không có đủ bản đồ địa hình và bản đồ địa chính. Sản phẩm gồm có 1.379 mảnh bản đồ ảnh vệ tinh SPOT 5 ở tỷ lệ 1: 10.000 của 1.284 xã, 1.090 mảnh bản đồ nền ở tỷ lệ 1: 10.000 và 1.299 mảnh ở tỷ lệ 1: 5.000 của 1.085 xã. Ngoài ra, còn tiến hành thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và kiểm kê đất đai cho huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) của cả hai cấp là cấp xã và cấp huyện.

Có thể nói rằng, bằng tư liệu ảnh viễn thám hoàn toàn cho phép chúng ta có thể chủ động tiến hành điều tra về tình hình sử dụng đất của tất cả các cấp đơn vị hành chính với độ tin cậy cao, nhanh chóng. Điều đó sẽ rất có ý nghĩa trong việc theo dõi và cập nhật

những biến động về sử dụng đất đai, trong điều kiện nước ta đang trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sôi động như hiện nay.

* Ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý dải ven biển

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực cho Trung tâm Viễn thám trong việc ứng dụng công nghệ viễn thám để thành lập bản đồ phục vụ công tác quản lý dải ven biển, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý và phát triển bền vững dải ven biển.

Kết quả thực hiện dự án là đã cung cấp tư liệu và phần mềm xử lý ảnh vệ tinh. Đã nhận 67 cảnh ảnh vệ tinh radar của Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ERS) và 19 cảnh ảnh vệ tinh Landsat 7 (ETM). Đã tiếp nhận 3 phần mềm ENVI xử lý ảnh vệ tinh radar và ảnh quang học. Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cán bộ. Thành lập bộ bản đồ chuyên đề phục vụ công tác quản lý dải ven biển tại 3 vùng; bản đồ được thành lập ở tỷ lệ 1:100.000 trong hệ quy chiếu HN-72, với 9 chủ đề là địa lý chung, hiện trạng sử dụng đất, đô thị hoá và cơ sở hạ tầng, đất ngập nước, rừng ngập mặn và rừng tràm, bồi tụ - xói lở dải ven biển, ngập lụt, sinh thái dải ven bờ và nhạy cảm môi trường.

Ngoài ra còn có báo cáo thuyết minh cho bản đồ, trong đó được trình bày đầy đủ về cơ sở lý thuyết, phương pháp thành lập, nội dung của từng loại bản đồ và các mẫu thu nhỏ của bản đồ.

Kết quả thực hiện dự án được đánh giá cao trong việc tăng cường năng lực cho Trung tâm Viễn thám và đặc biệt là lần đầu tiên ở Việt Nam đã xây dựng được bộ bản đồ chuyên đề ở dải ven biển có nhiều nội dung phong phú và đã khẳng định được khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ công tác quản lý dải ven biển ở Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, công nghệ sử dụng tư liệu ảnh viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên đã thực hiện thành công ở Việt Nam và đã góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng kịp thời về tài liệu bản đồ cho các nhu cầu sử dụng của các ngành và các địa phương. [5] (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG GIS VÀ VIỄN THÁM XÂY DỰNG BẢN ĐỒ BIẾN ĐỘNG QUỸ ĐẤT LÚA DO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2000 - 2010 (Trang 35)