Công nghệ viễn thám

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG GIS VÀ VIỄN THÁM XÂY DỰNG BẢN ĐỒ BIẾN ĐỘNG QUỸ ĐẤT LÚA DO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2000 - 2010 (Trang 33)

Các thông tin viễn thám thu nhận được là kết quả của việc giải mã hoặc đo đạc những biến đổi mà đối tượng tác động đến môi trường xung quanh như trường điện từ, trường âm thanh hoặc trường hấp dẫn. Tuy nhiên đứng ở góc độ kỹ thuật điện từ nhìn nhận thì nó bao gồm mọi dải phổ của sóng điện từ từ sóng có tần số thấp đến sóng siêu cao tần, sóng hồng ngoại gần, hồng ngoại xa, sóng nhìn thấy, tia cực tím, tia X và tia gama.

Kỹ thuật viễn thám là một kỹ thuật đa ngành, nó liên kết nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật khác nhau trong các công đoạn khác nhau như:

- Thu nhận thông tin; - Tiền xử lý thông tin;

- Phân tích và giải đoán thông tin;

- Đưa ra các sản phẩm dưới dạng bản đồ chuyên đề và tổng hợp.

Vì vậy có thể định nghĩa: Viễn thám là sự thu nhận và phân tích thông tin về đối tượng mà không có sự tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nghiên cứu. Bằng các công cụ kỹ thuật, viễn thám có thể thu nhận các thông tin, dự kiện của các vật thể, các hiện tượng tự nhiên hoặc một vùng lãnh thổ nào đó ở một khoảng cách nhất định.

Một trong những hệ thống vệ tinh viễn thám được sử dụng rộng rãi và phổ biến hiện nay là vệ tinh Landsat của Mỹ bởi các yếu tố như giá thành rẻ, khả năng tiếp cận nguồn tư liệu, độ phủ rộng, độ phân giải ở mức độ chấp nhận được để thực hiện nhiều mục đích khác nhau.

Sự phát triển của vệ tinh Landsat được ghi nhận bằng sự thay đổi các bộ cảm từ sử dụng bộ cảm MSS (Multispectral Scanner Sensor) đến TM (Thematic Mapper) và hiện nay đang sử dụng là ETM+ (Enhanced Thematic Mapper Plus). Sự thay đổi các bộ cảm này chủ yếu là sự thay đổi về bước sóng và nâng cao độ phân giải của ảnh.

Ngoài ra, hiện nay còn có các ảnh vệ tinh như SPOT, MOS1, ASTER... với các mức độ phân giải khác nhau.

Riêng ở Việt Nam kỹ thuật viễn thám đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1976 tại viện Quy hoạch rừng, mốc quan trọng để đánh dấu sự phát triển của kỹ thuật viễn thám ở Việt Nam là sự hợp tác nhiều bên trong khuôn khổ của chương trình vũ trụ Quốc tế (Inter Kosmos) nhân chuyến bay vũ trụ kết hợp Xô - Việt tháng 7 - 1980. Kết quả nghiên cứu các công trình khoa học này được trình bày trong hội nghị khoa học về kỹ thuật vũ trụ năm 1982 nhân tổng kết các thành tựu khoa học của chuyến bay vũ trụ Xô - Việt 1980 trong đó một phần quan trọng là kết quả sử dụng ảnh đa phổ MKF-6 vào mục đích thành lập một loạt các bản đồ chuyên đề như: Địa chất, đất, sử dụng đất, tài nguyên nước, thuỷ văn, rừng... Uỷ ban nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam đã hình thành một tiến bộ khoa học trọng điểm “Sử dụng các thành tựu Vũ trụ ở Việt Nam” mang mã số 48 - 07 trong đó có kỹ thuật viễn thám, chương trình này tập trung vào các vấn đề: Thành lập các bản đồ địa chất, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, hiện trạng sử dụng đất rừng, biến động tài nguyên rừng, địa hình, biến động của một số vùng cửa sông... Từ những năm 1990 nhiều ngành đã đưa công viễn thám vào ứng dụng trong thực tiễn như khí tượng, đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản, quản lý tài nguyên rừng và đã thu được những kết quả rõ rệt. Việt Nam đã có một trung tâm viễn thám Quốc gia được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường, tiền thân của trung tâm này là Phòng viễn thám trực thuộc Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước từ năm 1980 cho đến cuối năm 2002 mới đổi tên thành Trung tâm viễn thám Quốc gia. Vào ngày 9/7/2009 Bộ TN&MT đã khánh thành trạm thu nhận ảnh viễn thám hiện đại đầu tiên của Việt Nam có địa điểm đặt tại cánh đồng Bun, thôn Vân Trì, xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội.

Tháng 4 năm 2008 Việt Nam đã thuê Pháp phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 lên quỹ đạo địa tĩnh, với việc phóng được vệ tinh nhân tạo Việt Nam đã tiết kiệm 10 triệu USD mỗi năm. Việt Nam là nước thứ 93 phóng vệ tinh nhân tạo và là nước thứ sáu tại Đông Nam Á. Theo các nguồn thông tin nước ngoài, tổng trị giá của dự án VINASAT-1 là 250 triệu USD, trong đó bao gồm chi phí mua vệ tinh và phí phóng vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất, bảo hiểm... Dự tính vệ tinh hoạt động được từ 15 đến 20 năm và được khoảng 20 công ty phụ trách.

Tới năm 2020, Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ viễn thám chế tạo các trạm mặt đất, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, nâng cấp phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư trong giai đoạn trước.

Nói chung công nghệ Viễn thám ra đời chưa lâu nhưng đã nhanh chóng khẳng định được ưu thế vượt trội của nó, đây là công nghệ mới ngày càng được chú ý khai thác nghiên cứu, ứng dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong đó có thành lập các loại bản đồ. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh khai thác ứng dụng công nghệ viễn thám một cách triệt để. [3][19]

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG GIS VÀ VIỄN THÁM XÂY DỰNG BẢN ĐỒ BIẾN ĐỘNG QUỸ ĐẤT LÚA DO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2000 - 2010 (Trang 33)