An ninh lương thực là một vấn đề nóng bỏng hiện nay, không chỉ tập trung vào vấn đề số lượng lương thực được đáp ứng mà còn có các yếu tố như khả năng/quyền tiếp cận với lương thực, chất lượng lương thực... Trên thế giới hiện nay, an ninh lương thực trở thành một mối đe dọa hiện hữu đến nhân loại ở các vùng khó khăn như Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, Châu Á khi mà các tác động tiêu cực của tự nhiên và các cuộc chiến tranh đang ngày càng gay gắt, phức tạp.
Hình 1.7. An ninh lương thực trên thế giới năm 1988 (FAO,1988)
Báo cáo "Chỉ số nguy cơ an ninh lương thực năm 2010" Liên hiệp quốc vừa công bố cho thấy, Áp-ga-ni-xtan đứng đầu tốp mười quốc gia có nguy cơ lớn nhất về an ninh lương thực, 36 trong 50 quốc gia được cảnh báo đối mặt nguy cơ cao về lương thực là các nước ở khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra ở châu Phi. Lũ lụt ở Pa-ki-xtan và nắng hạn ở Nga cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ về an ninh lương thực tại hai quốc gia này trong năm tới. FAO ước tính, thế giới hiện có một tỷ người thiếu ăn. Ðể nuôi sống chín tỷ người vào năm 2050, thế giới phải tăng gấp đôi sản lượng nông nghiệp. LHQ khuyến cáo các nước quay trở lại đầu tư phát triển nông nghiệp, cũng như thúc đẩy đàm phán nhằm sớm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu. [4]
Ngày 16-10, Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên bàn về an ninh lương thực của 21 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã được tổ chức tại thành phố Ni-ga-ta của Nhật Bản đã đưa ra một số giải pháp để tăng cường năng lực cung cấp lương thực, cải thiện năng lực đối phó với thiên tai nông nghiệp, chấn hưng khu vực nông thôn và đối phó với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, xét trên bình diện toàn quốc vấn đề ANLT đã được đảm bảo, song chưa bền vững. Vùng núi cao ở phía Bắc và dọc theo dải Trường Sơn vẫn còn bị hiện tượng thiếu đói, nhà nước phải hỗ trợ các nhu cầu lương thực cơ bản hàng năm.