Lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG GIS VÀ VIỄN THÁM XÂY DỰNG BẢN ĐỒ BIẾN ĐỘNG QUỸ ĐẤT LÚA DO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2000 - 2010 (Trang 75)

Trung bình hàng năm, có từ 4 - 5 cơn lũ, bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến vùng lưu vực sông Hương; trong đó, do đặc điểm là địa bàn hạ lưu nên huyện Phú Vang là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp về sinh mạng con người cũng như vật chất, cơ sở hạ tầng. Theo các tài liệu cho thấy rằng, tần suất xuất hiện lũ lớn là 10 năm một lần; Đối với bão thì cứ 10 năm sẽ xuất hiện một cơn bão cấp 10 và 20 năm lại xuất hiện bão trên cấp 12. Mùa mưa bão ở vùng nghiên cứu kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, trong đó diễn ra mạnh vào tháng 10, tháng 11 hàng năm. Hiện nay, xu hướng của các cơn bão đổ bộ vào khu vực ngày càng muộn hơn so với quy luật hàng năm. Tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan này là không ổn định, có những năm số lượng các cơn bão ảnh hưởng đến vùng là khá nhiều, Mức độ và thời gian ngập lụt của các xã cũng có sự khác biệt do yếu tố địa hình và các công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó xã Phú An thường bị ngập lụt kéo lâu nhất đồng thời cũng là địa phương có diện tích bị ngập nhiều nhất. Thời gian ngập lụt ở đây thường từ 2 đến 3 ngày, độ sâu trung bình khoảng từ 0,5m đến 1m.

Trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của các hiện tượng như lụt, bão có xu hướng muộn hơn so với quy luật hàng năm.

Có thể nói, trong số các loại dị thường thời tiết thì hiện tượng lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới gây ra nhiều tác động tiêu cực nhất, có cường độ phá hủy dữ dội nhất, gây ra nhiều thiệt hại về người và vật chất; Đặc biệt là đối với các vùng chuyên về sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

So với cả nước, hiện tượng lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới của vùng nghiên cứu diễn biến có phần phức tạp hơn cả về cường độ và số lượng.

Xét trên phạm vi cả nước số lượng bão đều biến động khá mạnh theo thời gian. Bắc Bộ là vùng có tần số bão cao nhất, nhiều năm số lượng bão lên đến 6 - 7 cơn, trong khi có những năm không có cơn nào. Vùng biển ít bão nhất là Ninh Thuận - Bình Thuận và Nam Bộ (0 - 3 cơn/năm). Ngoài ra có thể căn cứ vào diễn biến của đường trung bình trượt 5 năm để xem xét sự biến động của bão qua từng giai đoạn. Trong cả giai đoạn 1945 - 2007, số cơn bão tại các vùng biển gần bờ Việt Nam đều có xu thế tăng lên theo thời gian, tăng mạnh nhất là ở vùng biển Đà Nẵng - Bình Định và tăng ít nhất là ở vùng biển Ninh Thuận - Bình Thuận.

Biểu đồ 3.11. Tổng số lượng cơn bão theo vùng sinh thái và theo tháng.

Hoạt động của bão thường xảy ra theo quy luật mùa. Tại vùng biển Bắc Bộ, mùa bão bắt đầu sớm nhất vào khoảng tháng 5 và kéo dài đến khoảng tháng 11. Tháng có nhiều bão nhất là tháng 9. Càng đi về các vùng biển phía nam hoạt động của bão thường bắt đầu muộn hơn. Hoạt động của bão ở vùng biển Ninh Thuận - Bình Thuận và Nam Bộ gần như tương tự nhau cả về số lượng, cường độ cũng như thời gian hoạt động. [7]

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG GIS VÀ VIỄN THÁM XÂY DỰNG BẢN ĐỒ BIẾN ĐỘNG QUỸ ĐẤT LÚA DO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2000 - 2010 (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)