PHI CHÍNH THỨC TRONG LÀNG NGHỀ
Sylvie Fanchette, IRD Nguyễn Xuân Hoản, CASRAD
Công nghiệp hóa ởĐồng bằng sông Hồng đã phát triển trong các làng nghề từ nhiều thế kỉ. Song song với nông nghiệp, hoạt động tiểu thủ công chỉ bó hẹp bên trong các làng nghề ở giai đoạn trước Đổi mới. Các hoạt
động tiểu thủ công đã gia tăng nhanh chóng vì lao động nông nghiệp dựa trên tưới tiêu, mặc dù rất vất vả, vẫn không thể nuôi sống dân cư có mật
độ rất cao (hơn 1.000 người trên mỗi km2) và có nhiều thời gian nông nhàn trong năm. Các làng này sản xuất hàng hóa và dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày (lương thực thực phẩm, đồ thờ cúng, các sản phẩm công nghiệp và vật liệu xây dựng, dịch vụ thương mại và vận chuyển...) và xuất khẩu (rổ rá, bàn ghế, quần áo len và đồ mỹ nghệ...). Kể từ khi Đổi mới, chúng ta
đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và sựđa dạng hoá và mở rộng diện tích sản xuất và tạo nhiều công ăn việc làm tại nông thôn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh đã thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏở nông thôn, đặc biệt thúc giục các cơ sở phi chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn, còn các hộ
kinh doanh gia đình thì gia nhập các hợp tác xã. Tuy nhiên, việc công nghiệp hóa nông thôn xuất phát từ “cơ sở”, sử dụng vốn địa phương và áp dụng một
số cải tiến kĩ thuật, gặp nhiều khó khăn để đi vào cuộc sống mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi.
Trước hết, chính sách của nhà nước và tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nông thôn mâu thuẫn với các chính sách đất đai và công nghiệp trong bối cảnh thành phố Hà Nội mở rộng và theo Quy hoạch Tổng thể của thủ đô năm 2010. Cái thời “nhỏ là đẹp” rõ ràng đã qua (trong chiến tranh công nghiệp được phân tán ra các khu vực nông thôn để hạn chế bom đạn phá hủy cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương) và Nhà nước, để thực hiện mong muốn hiện đại hóa đất nước với sự hỗ trợ các nguồn vốn nước ngoài, đã chuyển sang phát triển công nghiệp
đại quy mô và xây dựng các khu công nghiệp lớn, trong khi vẫn tiếp tục bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Về phương diện tiếp cận tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước được vay khoảng 22 triệu đồng/nhân công, các doanh nghiệp tư nhân được vay 6 triệu đồng/nhân công, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức được vay 2 triệu đồng/ nhân công (Unido, 1998).
Các cơ sở sản xuất nhỏở nông thôn ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai do chủ trương tự do hóa và việc ngừng bao cấp các làng nghề. Vì vậy chúng ta đứng trước mâu thuẫn sau: ngành công nghiệp cơ khí hóa với khả năng tạo việc làm hạn chế lại được chính quyền ưu ái nhất đặc biệt trong tiếp cận đất đai. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ trong các làng nghề sử dụng rất nhiều lao động và dùng ít vốn lại không được nâng đỡ mặc dù đã có nhiều nghị quyết với ý định tốt đẹp được thông qua về việc này.
Hơn nữa, cách tiếp cận chính thức/phi chính thức, theo ý kiến của chúng tôi, không lí giải được tình hình thị trường lao động phi nông nghiệp tại các khu vực đông dân của Đồng bằng sông Hồng bởi vì ranh giới giữa hai khu vực này là không rõ nét do sự hội nhập rất mạnh giữa số lượng đông đảo các hộ kinh doanh gia đình siêu nhỏ và nhỏ không đăng kí và các doanh nghiệp chính thức tại các làng nghề.
Thật vậy, hầu hết các làng nghềđược tổ chức thành các cụm và được liên kết bởi mối quan hệ bổ sung và trao đổi trong chuỗi sản xuất đang ngày càng trở nên phức tạp do nhu cầu cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất và đa dạng hóa hoạt động. Trong bối cảnh mật độ dân số rất cao và thiếu việc làm nông thôn, các làng nghề mang lại cho nhiều người dân nông thôn thiếu vốn
đầu tư cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất thông qua đảm nhận một công
đoạn đòi hỏi một mức độ tay nghề nhất định.
Trong bài viết này, chúng tôi trình bày phương thức tổ chức của các cụm làng nghề và bản chất của mối liên kết giữa các doanh nghiệp và hộ gia đình, có hoặc không đăng kí. Chúng tôi sẽ phát triển giả thuyết rằng sức mạnh của cụm phụ thuộc vào tính bổ sung giữa các loại hình doanh nghiệp và tính linh hoạt của các mối quan hệ giữa các điều kiện sử dụng nhân công, mặt bằng sản xuất và các thị trường mục tiêu. Chính sách chính thức hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không tính đến đặc thù của các chuỗi sản xuất dựa trên tính bổ sung giữa các loại doanh nghiệp quy mô rất khác nhau, có thể có
ảnh hưởng tiêu cực đến tính năng động của các cụm và làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chính thức.
I. Các cụm làng nghề: hệ thống sản xuất tại chỗ tạo
nhiều việc làm phi chính thức