Những thành tựu đạt được

Một phần của tài liệu Luận Văn thạc sĩ Phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc (Trang 49)

IV. Đánh giá chung về quan hệ thương mại giữa Việt Nam với hai tỉnh Vân

1. Những thành tựu đạt được

Năm 2009, các mặt hàng nông sản (trừ gạo) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Vân Nam và Quảng Tây tăng nhanh, đặc biệt là hàng rau quả, thủy sản, cà fê, chè, hạt điều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức đúng hơn về thị trường, chú trọng hơn trong khi làm việc với khách hàng Vân Nam và Quảng Tây về các vấn đề kiểm dịch trước khi ký hợp đồng. Riêng mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu giảm. Lý do không phải phía bạn không có nhu cầu mua mà là do các doanh nghiệp của ta thực sự không mặn mà trong xuất khẩu gạo sang thị trường hai tỉnh vì yêu cầu về kiểm dịch của Trung Quốc đối với gạo của Việt Nam quá khắt khe và giá mua lại không cao. Vẫn loại gạo này xuất khẩu sang các thị trường khác thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Như thế không có nghĩa kiểm dịch của các thị trường khác không khắt khe mà là có thị trường kiểm dịch cũng khắt khe như Trung Quốc, có thị trường còn khắt khe hơn nhưng giá nhập khẩu cao hơn hẳn so với giá nhập khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc, mà vận chuyển đôi khi thuận lợi hơn.

Cơ chế hợp tác giữa chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và địa phương của hai nước cũng đã có tác dụng tích cực trong việc đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai bên phát triển: Cơ chế gặp nhau định kỳ giữa lãnh đạo các tỉnh biên giới của ta với lãnh đạo hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các tỉnh, huyện, thị giáp biên,v.v... đã tạo hành lang pháp lý thuận tiện, tạo mối quan tâm hợp tác của hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đối với thị trường Việt Nam, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong kinh doanh xuất khẩu sang thị trường hai tỉnh này. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động xúc

tiến thương mại trực tiếp như chủ động đàm phán các hiệp định và thỏa thuận kinh tế, thương mại đa phương và song phương; kịp thời đàm phán tháo gỡ những ách tắc và khó khăn về thị trường giữa hai nước; cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động của các đại diện thương mại ở Nam Ninh và Côn Minh; hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát thị trường và tham gia các hội chợ thương mại được tổ chức ở Vân Nam và Quảng Tây, tổ chức nghiên cứu và khảo sát thị trường được tăng cường và mở rộng do có sự quan tâm đầu tư và tổ chức hiệu quả hơn. Việc cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, các địa phương đã được chú ý hơn (các bản tin thị trường và các thông tin chuyên đề của Trung tâm thông tin, của Vụ Châu á Thái Bình Dương, Cục Xúc tiến Thương mại,v.v...).

Chính sách quản lý và cơ chế điều hành hiện nay đã phân định rõ giữa xuất nhập khẩu chính ngạch và hoạt động buôn bán qua biên giới. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ - TTg ngày 7/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Kèm theo đó là hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. (Số hiệu 01/2008/TTLT/BCT-BTC- BGTVT-BNN&PTNN-BYT-NHNN). Để thúc đẩy hơn nữa xuất nhập khẩu, nhân dịp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Trung Quốc (30/5-2/6/2008), hai bên đã ký kết Hiệp định kiểm dịch động vật và Hiệp định kiểm dịch thực vật.

Bảy tỉnh biên giới của Việt Nam đã thiết lập được cơ chế hợp tác với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây từ cấp tỉnh, đến các ngành chức năng, huyện, thành phố có chung biên giới; đã thường xuyên trao đổi các đoàn công tác, cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Hai bên đã tiến hành một số biện pháp cải tiến, đơn giản hóa và hài hòa các thủ tục, tăng cường phối hợp giữa

các cơ quan chức năng tại các cặp cửa khẩu quốc gia và quốc tế, như: thực hiện kéo dài thời gian mở cửa khẩu; hợp tác thanh toán qua ngân hàng theo thông lệ quốc tế bằng đồng bản tệ; cấp visa cho khách du lịch nước thứ 3 tại cửa khẩu; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bước đầu, các doanh nghiệp nước ta đã khai thác được tiềm năng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường Vân Nam và Quảng Tây nói riêng, miền Tây và Tây Nam Trung Quốc nói chung về hàng nông thủy sản. Nhiều doanh nghiệp các tỉnh biên giới đã tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường hai tỉnh này. Việt Nam đã bước đầu phát huy được lợi thế so sánh của mình trong việc tập trung xuất khẩu một số mặt hàng có thế mạnh vào Vân Nam và Quảng Tây nói riêng, vào thị trường miền Tây và Tây Nam Trung Quốc nói chung. Việt Nam đã và đang đặt trọng tâm tiêu thụ các mặt hàng nông sản nhiệt đới và thủy hải sản vào thị trường này.

Hình thức mậu dịch có chuyển biến: Các doanh nghiệp hai bên đang chuyển dần từ sản phẩm tại thị trường của nhau. Thời gian qua, ta đã duy trì hai hình thức buôn bán chính ngạch và biên mậu. Trong đó, biên mậu có vai trò quan trọng trong việc tăng nhanh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng, tháo gỡ khó khăn cho những mặt hàng chất lượng thấp và chưa đạt tiêu chuẩn VSATTP, không thể xuất sang các thị trường khác. Phương thức thanh toán đã được cải thiện hơn trước, mặc dù tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng còn ở mức thấp (khoảng 40-45%). Việc tăng thêm các chi nhánh ngân hàng tại cửa khẩu và áp dụng một số cơ chế thông thoáng trong nghiệp vụ thanh toán đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp hai bên thực hiện thanh toán qua ngân hàng trong buôn bán biên mậu. Nhờ đó đã giảm được đáng kể tình trạng tranh chấp thương mại, lừa đảo trong buôn bán qua biên giới.

Một phần của tài liệu Luận Văn thạc sĩ Phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w