GIẢI PHÁP MỞ RỘNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN TẠI AGRIBANK CỐC LẾU
3.2.3. Kiến nghị với Chính Phủ, cơ quan quản lý Nhà nước
Để thực hiện tốt giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động huy động vốn của Ngân hàng thì các điều kiện về kinh tế - xã hội và môi trường pháp lý ổn định là rất cần thiết và đặc biệt là sự phối hợp giữa Ngân hàng với các cơ quan quản lý Nhà nước, với Chính phủ. Trong đó:
*Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô
Môi trường kinh tế vĩ mô bao gồm các yếu tố bao trùm tới toàn bộ hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế như: tăng trưởng kinh tế, tỷ giá, lạm phát, cán cân thương mại.... Để ổn định môi trường kinh tế vĩ mô thì Nhà nước cần có những việc làm cụ thể sau:
Phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo điều tiết nền kinh tế phát triển ổn định, tránh các đột biến bất thường làm giảm giá trị đồng tiền đặc biệt là các khoản tiền gửi tại ngân hàng dù là dưới hình thức nào. Thông qua việc kiểm soát tốc độ lạm phát, Nhà nước đã góp phần bảo đảm sức mua của đồng tiền không bị suy giảm tức là giá trị thực tế ổn định làm cho người dân tin tưởng vào đồng bản tệ vì một người sẽ không ngần ngại gửi một món tiền vào ngân hàng khi họ tin tưởng rằng mình sẽ thu về khoản tiền có giá trị cao hơn so với giá trị gửi trước kia sau thời gian nhất định. Mặt khác, thông qua việc xác định tỷ giá hợp lý sẽ giảm thiểu hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, thu hẹp phạm vi hoạt động của ngoại tệ, mở rộng phạm vi lưu hành VNĐ góp phần vào việc kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả và chính xác với mức lãi suất phù hợp và giữ vững ổn định tiền tệ.
*Tạo lập môi trường pháp lý ổn định.
Hoạt động của NHTM nằm trong môi trường pháp lý do Nhà nước quy định và chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật về kinh doanh ngân hàng do vậy, đòi hỏi Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của mình để xây dựng được môi trường pháp lý ổn định, đồng bộ, bảo vệ khách hàng nghĩa là các
điều khoản trong Luật, Bộ luật liên quan cũng như các văn bản pháp quy ngang hoặc dưới luật hiện hành phải đảm bảo số tiền khách hàng gửi vào ngân hàng được bảo toàn và tăng trưởng.
Việc ban hành hệ thống pháp lý đồng bộ, rõ ràng cũng sẽ thúc đẩy hoạt động của ngân hàng đồng thời sẽ tạo niềm tin cho dân chúng. Với những quy định khuyến khích của Nhà nước sẽ có tác động trực tiếp đến việc điều chỉnh quan hệ giữa người tiêu dùng và người tiết kiệm, giúp cho việc chuyển một phần tiêu dùng sang đầu tư một cách nhanh chóng, chuyển dần cất trữ dưới dạng vàng, ngoại tệ vàbất động sản sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoặc gửi tiền vào ngân hàng.
*Ổn định môi trường xã hội.
Nước ta với đặc điểm là đông dân tộc sinh sống với những phong tục tập quán khác nhau nên việc huy động vốn của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý của người dân nhất là thói quen giữ tiền ở nhà, mua vàng tích trữ, với họ như thế an toàn hơn, tiện dụng hơn vì khi nào cần tiền họ sẵn sàng bán đi nhanh chóng còn nếu gửi ngân hàng thì khi rút ra sẽ không tiện vì một số thủ tục, giấy tờ và không có lợi khi rút trước hạn. Vì vậy, Nhà nước cần có biện pháp nhằm khuyến khích, động viên người dân gửi tiền và chi tiêu qua tài khoản mở tại ngân hàng, đối với các cán bộ ngoài thuộc cơ quan Nhà nước, nhân viên trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty phải nên có quyết định yêu cầu họ mở tài khoản, trả lương qua tài khoản đó để có thể thu hút được một lượng lớn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào ngân hàng đồng thời kiểm soát được một số tệ nạn. Ngoài ra, Nhà Nước cần có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, từ đó nâng cao đời sống và thu nhập của người dân để họ có thể tăng tích luỹ và sẽ gửi tiền vào ngân hàng ngày càng nhiều hơn.
KẾT LUẬN
Nước ta đang trong giai đoạn hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH đất nước nên cần một lượng vốn rất lớn để thực hiện kế hoạch đề ra và lượng vốn đó được cung cấp một phần bởi ngân sách nhà nước, phần kia từ các tổ chức kinh tế, dân cư trong và ngoài nước đặc biệt là từ các trung gian tài chính ngân hàng. Bởi ngành ngân hàng là ngành có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của kinh tế, của đất nước. Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của hệ thống ngân hàng lại phụ thuộc phần lớn vào lượng vốn huy động của họ. Và cho tới bây giờ bài toán huy động vẫn chưa được giải một cách rõ ràng.
Kết hợp giữa lý luận về Tài chính – Ngân hàng được học tại trường cùng với quá trình thực tập tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Cốc Lếu – Lào Cai. Em đã nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của hoạt động huy động vốn - một hoạt động có thể nói là truyền thống và có tính quyết định tới mọi hoạt động khác của Ngân hàng. Huy động vốn là một bài toán tương đối phức tạp không chỉ riêng với Agribank Cốc Lếu mà cho toàn hệ thống ngân hàng đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu ở nhiều góc độ và nhiều phương diện khác nhau. Em đã mạnh dạn xây dựng chuyên đê tốt nghiệp với tên đề tài: “Giải pháp mở rộng hoạt động huy động vốn tại ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Cốc lếu – Lào Cai”. Tuy nhiên, năng lực bản thân và kinh nghiệm thực tế còn hạn chế nên chuyên đề khó tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý của giáo viên hướng dẫn và đơn vị thực tập để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
Qua đây, Em xin gửi lời cảm ơn tới giáo viên hướng dẫn Th.s Nguyễn Thị Thanh Huyền trong toàn bộ thời gian hoàn thành chuyên đề tốt nghiệp Em đã nhận được sự hướng dẫn hết sức tận tình và trách nhiệm của Cô.
Em xin cảm ơn Cán bộ, nhân viên và lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Cốc lếu đã tạo điều kiện tốt nhất và nhiệt tình giúp đỡ Em trong quá trình thực tế tại đơn vị.