5. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Kết cấu chuyện lồng trong chuyện
Có thể hiểu một cách đơn giản kết cấu chuyện lồng trong chuyện đó là thủ pháp mà ở đó tác giả, người sáng tạo đã lồng ghép một câu chuyện độc lập (có liên quan hoặc không về mặt nội dung) vào tác phẩm chính trong quá trình diễn tiến của tác phẩm.
Trong Mẫu thượng ngàn, câu chuyện chính là về làng Đình Cổ trong cuộc chiến đấu chống lại Pháp xâm lược, sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Lồng trong đó là chuyện về cuộc đời số phận của những nhân vật chính, có ảnh hưởng đến cốt truyện: như cuộc đời của Phác, Nhụ, Điều, bà cô Tổ, bà ba Váy, những câu chuyện đồng hóa của con người ngoại quốc cũng được nhà văn rất chú ý đến. Câu chuyện riêng của mỗi nhân vật, mỗi một số phận con người trong tác phẩm góp phần tạo nên câu chuyện chung cho tác phẩm và là thành công mà tác phẩm đạt được.
Câu chuyện về cuộc đời của Đinh Công Phác - Trịnh Huyền có mối quan hệ trực tiếp đến cốt truyện, Phác được sinh ra trong một gia đình nhà Nho, có truyền thống yêu nước. Phác cùng với người anh mình là Đinh Công Chất, đã tham gia cuộc khởi nghĩa của cụ Đề Nghĩa, chống lại thực dân Pháp. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã thất bại, quân Pháp săn lùng những người tham gia cuộc khởi nghĩa. Hai anh em Chất và Phác phải rời bỏ quê hương. Anh lên vùng xứ Mường lấy vợ, sinh con, rồi mất ở đó. Phác mang hai nửa khuôn mặt trên mình khác nhau xuống vũng chiêm trũng, lập nghiệp, do bản tính lương
thiện và tài nghệ đàn hát, nên được gia đình ông trưởng Kiên gả con gái cho, cô đã có một đứa con tên Nhụ. Sau khi lấy vợ, do một lần sinh nở vợ anh mất, quá đau khổ và buồn bã, anh rời bỏ quê hương thứ hai và trôn theo cây đàn với người vợ. Cùng đứa con gái trở về quê cũ với cái tên mới Trịnh Huyền, không dám nhận lại người thân, sống trong thầm lặng và hy sinh. Khi trở về mọi sự với anh đã thay đổi rất nhiều: Người anh yêu trước kia, đã từng “trải ổ” cùng anh nay đã đi lấy chồng; anh trai đã mất, để lại đứa con thơ; người cha nay đã quá giá… Nhưng tinh thần yêu nước trong Trịnh Huyền thì vẫn như xưa.
Nguyễn Xuân Khánh đã dành ngòi bút ưu ái cho người phụ nữ khi ông dành chương VII nói riêng về cuộc đời bà cô tổ Vũ Thị Ngát. Nhà văn đã để cho bà cô tổ xuất hiện khi bà đã gần chín mươi tuổi và sự xuất hiện thật đặc biệt: bà cô tổ xuất hiện trên đền Mẫu. Rồi quay ngược trở lại cuộc đời của bà cứ dần dần hé lộ.
Bà cô tổ thời con gái lấy chồng là ông Phủ Khiêm, sau một thời gian chung sống, ông Phủ Khiêm qua đời, bà tái giá, lấy ông trưởng Cam, cuộc đời bà tưởng dừng lại ở đây với hạnh phúc với ông Cam, nhưng rồi ông Cam cũng bỏ bà cô tổ mà đi. Bà trở về làng Cổ Đình, dâng tiền bạc, xây dựng, tu bổ lại đền Mẫu và từ đó, bà ở lại đây hầu cận Mẫu. Cuộc đời của một phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, vất vả, long đong.
Bên cạnh đó, còn nhiều các câu chuyện nhỏ khác, xoay quanh câu chuyện chính, nhằm làm nổi bật tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Câu chuyện của một bà ba Váy, một người phụ nữ luôn khao khát yêu và được yêu. Bà sống với người chồng mà mình không yêu, mặc dù sinh cho ông Cỏn mấy đứa con liền, nhưng trong lòng bà luôn hướng về người yêu cũ và cả đời bà luôn nhớ về mối tình thời trẻ ấy.
Cuộc đời của cô Mùi, bị mang tiếng là sát phu, khi mà cả ba người đàn ông đi qua đời cô Mùi đều bỏ cô mà đi. Vì người ta nhìn cô lúc nào cũng căng tràn nhựa sống, có một ma lực hút rất mạnh đối với những người đàn ông khác. Không thể sống giữa đời thường, cô Mùi lên đền Mẫu ở và trở thành cô đồng Mùi.
Nhân vật nào cũng có những câu chuyện về cuộc đời mình, câu chuyện tình của Điều và Nhụ như là sự tiếp nối cho thế hệ trẻ của người dân làng Cổ Đình tiếp theo. Yêu thương chỉ mới chớm đến với Điều và Nhụ, nhưng hạnh phúc ấy không được bao lâu, thì đã bị cướp đi. Các câu chuyện của các nhân vật trong Mẫu thượng ngàn, đều có phần nào liên quan đến Mẫu, được soi chiếu dưới ánh sáng của Mẫu.
Nếu như Mẫu thượng ngàn, câu chuyện của các nhân vật được soi chiếu dưới ánh sáng của Đạo Mẫu thì Đội gạo lên chùa được soi chiếu dưới ánh sáng của Đạo Phật. Câu chuyện chính trong Đội gạo lên chùa là câu chuyện về cuộc phiêu lưu của hai chị em An và Nguyệt, là câu chuyện về làng Sọ - một làng quê bé nhỏ, đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với những biến động lớn lao của người dân.
Câu chuyện của nhân vật chính An, cuộc đời sóng gió với nhiều thăng trầm trong cuộc sống, cha mẹ bị giặc giết hại thảm thương, hai chị em An và Nguyệt phải bỏ làng ra đi, rồi may mắn được sư cụ chùa Sọ cưu mang. Ở chùa An nên người, được sư bác Khoan Độ dạy võ, được sư phụ dạy kinh kệ nhà Phật, được thầy Hải trường làng dạy chữ, được nương nhờ cửa Phật, cuộc sống tưởng rằng như vậy là yên lành, nhưng nào ngờ cuộc sống đưa đẩy đã dẫn An đi từ cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác. Trong cái cách ruộng đất, An bị nghi ngờ là có lập trường tư tưởng không đúng đắn phải đi cải tạo cùng với sư phụ. Rồi cách mạng sửa sai, được về lại chùa, An được vào bộ đội, được là bộ đội cụ Hồ. Sống phục vụ và chiến đấu trong
quân đội, ngày giải ngũ, An đứng giữa ngã ba đường, một bên là Huệ - người yêu, một người tàn phế, chỉ còn lại một mình trên đời, đang cần An chăm sóc, một bên là tiếng gọi của đức Phật, nhưng đức Phật đã trao cho An hai chữ: “tùy duyên”.
Cuộc đời của thiền sư Vô Úy một thiền sư suốt đời theo Phật, sống theo lý tưởng từ bi hỷ sả. Được sinh ra trong một gia đình Nho học, danh giá, cha là ông Cử Mậu. Ông Cử Mậu do tham gia phong trào Cần Vương nên bị bắt đầy ra Côn Đảo. Thiền sư Vô Úy được bà nội nuôi dạy và hướng Phật từ bé, không được may nắm như người anh là Trường, Sinh - tức thiền sư Vô Úy, không được đến trường đi học, cùng bà nội bươn trải nuôi sống gia đình bằng nghề thuốc. Sinh rất thông minh, Sinh tự học và làm cho mọi người kinh ngạc về sự thông minh của mình. Người cha sau nhiều năm ở Côn Đảo về, cũng ngỡ ngàng về tài năng của con, ông càng ngỡ ngàng hơn, khi Sinh quyết định lên chùa. Cái duyên với Phật có lẽ do bà nội thiền sư Vô Úy dẫn dắt, nhưng lòng tin là ở nơi Sinh.
Trải qua nhiều khổ ải thăng trầm, đã cảm hóa được Khoan Độ và về làm trụ trì chùa Sọ. Nơi đây, dù gặp nhiều thăng trầm trên con đường tu nghiệp nhưng thiền sư Vô Úy vẫn một lòng theo Phật và bảo vệ Phật pháp.
Cậu chuyện của nhà sư cách mạng Vô Trần, được nhà văn dành hẳn phần thứ 5 của chương 1 để kể lại. Cuộc đời của Vô Trần, cái duyên đến với nhà Phật của Vô Trần gần với thiền sư Vô Úy. Vô Trần là con một trong một gia đình danh giá ở Hà Nội, sau nhiều lần theo mẹ đến chùa Ổi lễ Phật, Vô Trần đã cảm cái mùi hương của nhà Phật làm cho ông trở nên đam mê lạ thường. Sau nhiều lần bỏ học chốn nhà xuống chùa Ổi, rồi một ngày Vô Trần Quyết định đi tu. Cuộc đời của Vô Trần đã không dừng lại ở đó, trong cái đêm ở rừng cò với bà Nấm, Vô Trần lại bước ra cuộc đời làm con người
có trách nhiệm - trở thành một nhà cách mạng, một anh hùng của hai cuộc kháng chiến.
Câu chuyện của Hải - một thầy giáo làng, nhấp nhận làm thông ngôn cho Pháp, hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Những câu chuyện của: Tiến, của Cường, Trắm… những con người đi theo lý tưởng cách mạng cứ đan cài vào nhau.
Đan xen vào đó là các câu chuyện của những người con gái, những người phụ nữ luôn là chỗ dựa cho những người đàn ông. Đó là cuộc đời của Nguyệt, vào ở chùa nhưng không được xuống tóc, vì còn có duyên với đời quá nặng, người chồng sắp cưới cũng bỏ cô mà đi. Mãi sau này, khi hòa bình lặp lại Nguyệt đã tìm thấy hạnh phúc với anh Hạ. Không được may mắn như Nguyệt và cô cháu Hiếu, Rêu - cô gái với cả cuộc đời đi tìm cha, đã tự gieo mình xuống cái giếng thơm của chùa, để rồi Rêu đẹp thanh khiết mãi, tiếng hát của cô cứ trong trẻo mãi. Câu chuyện của bà vãi Thầm với những con đom đóm, mà hằng đêm về bên bà trò chuyện. Hay cuộc đời bất hạnh của Khoai, bà Nấm…
Điểm chung của cả hai tiểu thuyết là: khi kể về cuộc đời của mỗi nhân vật, tác giả đều dành cho họ một tình cảm riêng, một không gian rộng mở, một thời gian dài để cho họ được sống trọn vẹn cuộc sống của mình.
Câu chuyện của các nhân vật, cứ lồng vào nhau, đan cài vào nhau, nhằm làm nổi bật câu chuyện chính và tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Câu chuyện của nhà văn ở hai tiểu thuyết cứ đàn cài vào nhau, chính điều đó tạo ra sự luân phiên trong thay đổi điểm nhìn. Vì vậy làm cho nhân vật được nhìn nhận và xét dưới nhiều góc độ, hiện lên một cách dung dị, đời thực nhất. Đây là ưu điểm của kiểu kết cấu chuyện lồng trong chuyện, góp
phần tạo nên thành công của nhà văn trong việc tạo dựng cho tiểu thuyết một nghệ thuật trần thuật hiện đại.