5. Cấu trúc của luận văn
2.1.2.1. Nhân vật lý tưởng là mẫu hình kẻ sỹ tài hoa
Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa là hai tiểu thuyết đề cập phần
nào đến lịch sử xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và kéo dài đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc và hòa bình lặp lại, đất nước thống nhất. Chính vì vậy mà
sự có mặt, xuất hiện nhân vật anh hùng lịch sử trong hai tiểu thuyết là điều tất yếu.
Trong hai tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng không nhiều các nhân vật anh hùng, nhưng những nhân vật được nhà văn xây dựng mang chí khí của thời đại lịch sử mà họ đang sống và chính họ đồng thời cũng là nhân chứng của lịch sử. Những nhân vật anh hùng, kẻ sỹ tài hoa được nhà văn xây dựng với những nét tính cách mang đầy đủ nhất bản chất cách mạng của người Việt, trung thành tuyệt đối với lý tưởng đã chọn, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho sự nghiệp lớn. Có thể kể đến ở đây những nhân vật như: Cụ Đồ Tiết, Đinh Công Chất, Đinh Công Phác, Tuấn, Huy, Trí, sư cụ, nhà sư Vô Trần, Hải, An,…
Trong số bộ ba tiểu thuyết về lịch sử văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Quý Ly ra đời đầu tiên và gây được tiếng vang lớn. Hồ Quý Ly
lấy bối cảnh lịch sử là vào khoảng cuối thế kỉ XIV những năm cuối của triều Trần và kéo dài liên tục trong tám năm. Nhà Trần đã từng trải qua các đời vua Trần đã phát triển cường thịnh cả về kinh tế, chính trị, quân sự… Nhưng đến lúc này thì “vượng khí nhà Trần đã hết”, liên tiếp các đời vua Trần sau không những không đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước mà còn ăn chơi xa hoa hưởng lạc. Vì vậy mà đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than, đói khổ dẫn đến nổ ra các cuộc khởi nghĩa như loạn đảng Phạm Sư Ôn….
Người anh hùng tiêu biểu và nổi bật phải kể đến trong Hồ Quý Ly là:
Trần Khát Chân. Trần Hưng Đạo người có công dựng nên một nhà Trần hùng mạnh, hai lần đánh thắng quân Nguyên, thì Trần Khát Chân là một trong những người trung thành cuối cùng của nhà Trần. Trần Khát Chân đã lấy cả tính mạng của mình ra chỉ nhằm giữ lại nhà Trần một thời cường thịnh mà nay “đã mục nát”. Trần Khát Chân là một vị tướng tài, trong khi vua tôi nhà Trần phải lánh nạn về bến Bình Than, khi Chế Bồng Nga tấn công Thăng
Long lần thứ năm vào năm Canh Ngọ (1390), ông đã dẫn quân anh dũng đánh lui quân Chiêm Thành, giết được Chế Bồng Nga, cứu nguy cho xã tắc. Trần Khát Chân: “Người anh hùng đã vụt lên như một ngôi sao rực rỡ trên chính trường Đại Việt. Ông xuất hiện trong hoàn cảnh vừa vinh quang vừa gay go. Ông xuất hiện trong hoàn cảnh đụng đầu lịch sử giữa hai phái thủ cựu và canh tân đang quyết liệt nhất. Lịch sử như cái guồng quay… nó buộc con người phải quay theo” [ 20, tr. 288].
Bối cảnh của hai tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa là bối cảnh xã hội Việt Nam thời kỳ nhà nước phong kiến bắt đầu suy tàn, đang dần dần thỏa hiệp và theo Pháp. Như vậy là đi ngược lại với mong muốn và ý chí của nhân dân ta. Trong thực tế đã diễn ra các cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại Pháp và triều đình phong kiến. Chính vì vậy mà trong tác phẩm
Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa chúng ta thấy dáng dấp của những kẻ
sỹ, mang tư tưởng không thỏa hiệp.
Ở Mẫu thượng ngàn tiêu biểu cho thế hệ trước là những nhà Nho yêu
nước, sự tiếp nối đó được chuyển đổi dần dần sang thế hệ trẻ qua anh em Chất, Phác, rồi tiến xa hơn nữa là Huy, Tuấn… họ đã hình thành một bước chuyển tiếp có sự kế thừa truyền thống của ông cha đi trước nhưng đồng thời cũng đã áp dụng những gì mới mẻ cho phù hợp với hiện thực.
Viết Mẫu thượng ngàn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không có ý định tham lam là diễn tả lại cả cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta trên quy mô cả nước. Mà nhà văn đã giới hạn cho mình phạm vi ở chính một làng trung du Bắc Bộ, qua các cuộc khởi nghĩa của những người nông dân yêu nước và của các sỹ phu yêu nước tiêu biểu.
Nguyễn Xuân Khánh đã để cho các sự kiện lịch sự đi theo chiều từ xa nhất đến gần nhất, đúng như những gì đã xảy ra. Đầu tiên phải kể đến đó là
phong trào Văn Thân rồi tiếp đến các cuộc khởi nghĩa của các cụ Đốc Ngữ, Đề Nghĩa, rồi đến các hoạt động cách mạng có tổ chức như Huy và các anh em đồng chí của anh. Nhân vật cách mạng - những nhà Nho yêu nước có chung một điểm chung là những người dũng cảm, đối đầu với đế quốc hùng mạnh vẫn không mất đi ý chí và tinh thần chiến đấu, hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc ngày chiến thắng.
Đầu tiên phải kể đến đó là cụ Đồ Tiết - thế hệ nhà Nho, đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa của cụ Đốc Ngữ. Khi cuộc khởi nghĩa của cụ Đốc Ngữ thất bại, cụ Đồ Tiết bị bắt vào tù, nhưng không vì thế mà cụ nhụt đi ý chí và tinh thần chiến đấu. Sau khi được ra tù, ông lui về ở ẩn, chờ thời cơ. Sau đó cụ Đồ Tiết đã không trực tiếp tham gia các cuộc khởi nghĩa, nhưng ông đã góp sức nhỏ bé bằng việc tham gia hội kín ở làng, dạy chữ cho trẻ nhỏ… một việc làm gián tiếp, có ý nghĩa đối với cách mạng. Khi Huy tìm thấy con đường đi đúng đắn, lý tưởng chân chính, Huy đã đưa hoạt động cách mạng về làng, cụ Đồ Tiết là một người tham gia đầu tiên vào hoạt động cách mạng.
Đinh Công Chất, Đinh Công Phác là hai người con trai của cụ Đồ Tiết. Chất và Phác được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Hai người con trai của cụ Đồ Tiết đã tiếp tục đi theo con đường mà cha mình đã chọn.
Chất và Phác cùng tham gia khởi nghĩa của cụ Đề Nghĩa chống lại thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại do chưa có phương pháp đúng và lực lượng, vũ khí con non yếu. Nên đã bị thực dân Pháp càn quét, bắt bớ, tra tấn dã man. Người anh là Chất phải trốn lên xứ Mường, sống ở đó lấy vợ và sinh được một người con trai tên là Điều, rồi sau đó do ốm chết. Người em Phác trong cuộc khởi nghĩa do bị phóng hỏa, nên đã bị cháy xém một bên mặt, Phác phải trốn xuống vùng Sơn Nam, một vùng đất chiêm trũng quanh năm lụt lội. Nhờ sự thật thà và tài hoa của mình, anh đã lấy vợ và biết hát văn.
Nhiều năm sau đó Phác trở về quê cũ, do buồn vì cái chết của vợ, anh muốn quên đi và cũng mong muốn trở về quê hương, sau nhiều năm xa cách. Khi trở về Phác đã phải thay tên đổi họ từ Đinh Công Phác thành Trịnh Huyền cùng với khuôn mặt biến dạng nên đã không bị nhận ra.
Nhưng Trịnh Huyền “một tâm hồn nho sỹ” [21, tr. 481]. “Xưa kia đã một thời theo Đảng Văn Thân chống lại người Pháp” [21, tr. 779]. Anh nhớ như in lời nói của cụ Đề Nghĩa: “Hãy nuốt nước mắt. Hãy nuốt mối hận thù vong quốc vào tận đáy lòng…” và sau này “nếu bản thân cũng sức tàn, lực kiệt, không làm gì nổi nữa, thì hãy dạy con dạy cháu, chớ bao giờ được quên nỗi quốc sỉ” [ 21, tr. 13]. Chính vì vậy mà Phác trở về từ cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng không hề nản chí, vẫn nuôi trong lòng chí khí nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Khi Huy đưa đường lối cách mạng đúng đắn về làng, Phác cùng với cha là cụ Đồ Tiết đã tham gia rất năng nổ từ việc mở trường học, Phác dạy cả chữ Nho và chữ Quốc Ngữ cho mọi người, làm cho Pháp phải nghi ngờ: “đằng sau những lớp học này là cái gì đó” [21, tr. 518].
Phác hăng hái trong công việc đi tuyên truyền tư tưởng chống Pháp cho bà con, chuẩn bị sức người cho các cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn tiếp theo nổ ra. Thực dân Pháp sau những nghi ngờ đã theo dõi đã biết lai lịch của Phác, đồng thời cũng biết được các hoạt động có tổ chức của Phác cùng đồng chí, đã tiến hành truy quét tận cùng tổ chức. Khi bị Pháp phát hiện ra, Phác không nhụt chí đã chạy vào rừng tập hợp mọi người lại để quay trở về làng đánh Pháp. Cái chết của Phác là cái chết của một Nho sỹ - một chiến sỹ. “Julien cho cắt đầu của Trịnh Huyền đem bêu ở gốc đa đầu làng” [21, tr. 781]. Hành động đó không làm cho nhân dân ta nhụt đi ý chí yêu nước, mà chính nó lại làm tăng thêm tinh thần yêu nước trong nhân dân sôi sục hơn, dâng cao hơn.
Trong Mẫu thượng ngàn chúng ta còn thấy có sự xuất hiện nhân vật nhân vật chức năng, họ sinh ra để làm cách mạng. Đó là Huy, Tuấn… bản thân là trí thức tiểu tư sản, được tiếp xúc với Tây học, với văn hóa phương Tây sớm nhất, tân tiến và có suy nghĩ vượt lên trên. Những người mang sứ mệnh đi tuyên truyền đường lối đúng đắn cho dân, giúp nhân dân có cái nhìn đúng đắn về bản chất thực dân xâm lược, và chỉ cho nhân dân cách phản kháng lại thực dân Pháp đạt kết quả cao mà ít bị tổn thương nhất. Biết con đường cách mạng là không bằng phẳng và nguy hiểm luôn bên cạnh, xác định tư tưởng đây là cuộc chiến sẽ trả giá bằng tính mạng, nhưng Huy và đồng đội của mình không nhụt ý chí mà sẵn sang lựa chọn.
Nếu như cụ Đồ Tiết, Phác, Chất… là tiêu biểu cho những Nho sỹ, thì Huy tiêu biểu cho những chiến sỹ cách mạng. Huy với nhiệm vụ là giác ngộ quần chúng, đưa những người có tinh thần yêu nước, có tư tưởng chống Pháp vào đội ngũ. Huy đã tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu khi tổ chức cách mạng còn non trẻ. Về lại làng Cổ Đình, Huy nhằm hai mục đích lớn của đời mình và thực hiện lý tưởng lớn lao, một mặt Huy nhằm xây dựng căn cứ cách mạng ở làng, một mặt khác Huy muốn góp phần đưa làng quê thoát khỏi cảnh lạc hậu, cảnh mù chữ. Chính Huy đã làm sống lại con người của Phác, cụ Đồ Tiết, để tiếp tục trở lại với tinh thần chống giặc ngoại xâm.
Huy đã làm thay đổi nhận thức và tinh thần dân tộc, của dân làng Cổ Đình. Tác phẩm kết thúc nhưng lại mở ra trước mắt Huy một con đường mới, một khởi đầu mới, bởi cách mạng là một quá trình dài, gian khổ, còn nhiều khó khăn chờ anh trước mắt và anh vẫn cần phải dũng cảm đương đầu.
Trong Đội gạo lên chùa, ý thức của các nhà Nho xưa cũng đang được tiếp nối, từ: sư cụ, sư Vô Trần, sư Khoan Độ,… những con người mẫu mực của Nho giáo đang bước ra trở thành những con người chiến sỹ. Những kẻ sỹ không thỏa hiệp với cuộc sống, họ đã đi theo một lý tưởng mới đúng đắn và
dần dần hoàn thiện lý tưởng mới đó. Và sự tiếp nối đó được tiếp cho thế hệ trẻ sau này là: Hải, Tiến, An, Trắm, Cường...
Đội gạo lên chùa là mạch nối bằng bạc từ trong Mẫu thượng ngàn
hay Hồ Quý Ly. Đúng vậy, ở Đội gạo lên chùa, tinh thần của các Nho sỹ, kẻ
sỹ tài hoa lại tiếp tục được khẳng định, nhưng có nét mới hơn và hiện đại hơn so với hai tiểu thuyết trước. Đội gạo lên chùa là tiểu thuyết viết về thời kỳ Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, đi qua kháng chiến chống Pháp, rồi cải cách ruộng đất, cho đến khi đất nước được hoàn toàn thống nhất. Các nhân vật được lấy từ nguyên mẫu của đời sống có thật và hư cấu.
Những nhân vật lý tưởng là mẫu hình của kẻ sỹ tài hoa như: sư cụ, sư bác Khoan Độ, sư Vô Trần, Hải… là những con người dám xả thân vì nghĩa lớn, không hề sợ gian khổ, khó khăn. Sư cụ, là trụ trì chùa Sọ bề ngoài chúng ta tưởng như bình thường, vì cụ chỉ là một nhà sư, nhưng sư cụ cũng là một nhà Nho, một nhà cách mạng nhiệt thành. Mặc cho bị nghi oan, bị đưa ra đấu tố, rồi thời gian ở trại cải tạo đã phải chịu nhiều gian khổ, nhưng vẫn một lòng theo Phật pháp, theo cách mạng. Sư cụ có cách hành sự riêng của mình, không theo lẽ thông thường của người bình thường.
Pháp danh của sư cụ là Vô Úy (không sợ hãi), cũng là nhân vật thể hiện rõ nhất tư tưởng lòng từ bi có thể không thay đổi được thế gian ở thời mạt pháp, không có nó thì tất cả sẽ sụp đổ. Được Nguyễn Xuân Khánh lấy làm nguyên mẫu cho tác phẩm của mình là: cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, tức cụ Thiều Chửu, tác giả của bộ Hán Việt tự điển nổi tiếng. Cụ Thiều Chửu chưa ngày nào được đi học, chỉ được bà nội dạy chữ Hán và Quốc ngữ. Sau đó nhờ tự học mà cụ sớm tinh thông Tứ Thư Ngũ Kinh, về sau thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anh, đặc biệt am hiểu Hán học, Phật học và còn là một lương y. Cụ từng dẫn đoàn tăng ni và trẻ mồ côi lên Thái Nguyên tăng gia sản xuất, đóng góp cho kháng chiến chống Pháp. Là một trong những người sáng lập ra Hội truyền bá
Quốc ngữ, đi tới đâu cụ cũng mở trường dạy chữ. Cụ khước từ làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Cách mạng lâm thời để nguyện một đời làm Phật sự, vậy mà trong cải cách ruộng đất, cụ lại bị quy là địa chủ và bị đấu tố. Trước nỗi oan khuất quá lớn, sau khi viết bức thư tuyệt mệnh gửi Hồ Chủ tịch, cụ đã gieo mình xuống sông Cầu tự vẫn.
Sư Vô Trần một nhà cách mạng, một chiến sỹ, một người anh hùng tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cả gia đình Vô Trần đã tham gia kháng chiến, sống chiến đấu vì sự độc lập của đất nước. Con trai là Căn hy sinh trong chiến trường miền Nam, vợ mất vì công cuộc cải cách nghi ngờ là người của Quốc Dân Đảng, bản thân ông đã mất vì bệnh ung sau ngày đất nước thống nhất. Chỉ còn lại mình Huệ - cô con gái thứ, mang thương tật của chiến tranh, mất một chân.
Bất kỳ ai khi đọc Đội gạo lên chùa đều bị ám ảnh bởi cái chết của thầy giáo Hải, một cái chết hóa thành bất tử, một anh hùng của thời đại. Khi Hải chọn con đường làm thông ngôn cho Pháp, nhưng thực chất là làm gián điệp lấy thông tin cho cách mạng, là Hải đã chọn con đường chôn gai như Huy, hay Tuấn trong Mẫu thượng ngàn. Hải đã không hề gian khổ, cho dù bị tra tấn dã man, đến lúc chết vẫn không khai, vì Hải biết cách mạng cần sự im lặng của mình.
Chúng ta còn bắt gặp hình ảnh của Tiến, Cường… trong thời kỳ chiến đấu ở miền Nam, cả Tiến và Cường với ý thức đơn giản lúc đầu đi bộ đội là để lấy lại danh dự cho gia đình và khẳng định chính mình. Vì vậy, ngay khi huấn luyện tổ ba người có lý lịch phức tạp nhất lại luôn xuất sắc trong mọi công việc được giao. Khi vào chiến trường cả Tiến, Cường và cả An nữa họ đã thay đổi hoàn toàn ý chí chiến đấu, họ hiểu được nhiệm vụ vinh quang mà mình đang đảm nhiệm, họ tự hào vì mình là người lính cụ Hồ. Họ cũng có nhưng nỗi lòng, những tình cảm riêng tư, nhưng họ đã để sang một bên và
chiến đấu, hy sinh hết mình. Họ đã biết biến tình cảm riêng ấy thành động lực để chiến đấu, như Tiến, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ nơi quê nhà,