Bước chuyển trong sự thay đổi của các nhân vật tiêu biểu

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 55)

5. Cấu trúc của luận văn

2.1.1.3. Bước chuyển trong sự thay đổi của các nhân vật tiêu biểu

Nhân vật trong cả Mẫu thượng ngànĐội gạo lên chùa đều có những bước chuyển trong cuộc đời của họ và đã được Nguyễn Xuân Khánh khắc họa rõ nét:

Những nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh cứ từ từ dịch chuyển, có những nhân vật tiến những bước dài, nhưng cũng có những nhân vật tiến chầm chậm. Họ đến cái đích cuối cùng mà họ cần đến theo cách riêng của họ:

Đó là một anh Đinh Công Phác, con người của nhà Nho sang con người chiến sỹ, rồi Huy, Tuấn, cũng đã có được những bước chuyển lớn trong cuộc đời.

Một anh Phác nhà Nho, mới đầu chỉ tham gia các cuộc khởi nghĩa của cụ Đốc Ngữ. Rồi dần dần cùng với sự lớn dần lên của cách mạng, thì nhà Nho đã trở thành một chiến sỹ cách mạng từ khi nào không hay. Tham gia cuộc cách mạng, sống và hy sinh vì cách mạng. Phác đã có sự chuyển biến lớn trong cả tư tưởng và hành động. Những thế hệ trẻ của làng Cổ Đình cứ dần dần trưởng thành và đã có những bước tiến dài và mạnh mẽ hơn thế hệ cha ông đi trước. Thế hệ sau Phác là Huy và Tuấn, những thanh niên yêu nước, không ngập chìm, đắm đuối trong sự xa hoa, trước “tiên cảnh”, không mơ mộng. Họ sống thực tế, sống cùng với những người dân nghèo khổ, họ hiểu khát vọng cháy bỏng của nhân dân là đánh đuổi Pháp. Chính vì thế mà những thanh niên ấy đã không ngừng tìm ra chân lý, tìm ra con đường đi đúng đắn cho bản thân mình. Phác là đại diện cho một thế hệ có bước chuyển dài.

Trong Đội gạo lên chùa, bước chuyển thể hiện khá rõ nét trong nhân vật nhà sư Vô Trần. Vô Trần một con người có tới hai bước dịch chuyển, anh chuyển từ một người am hiểu cả Nho học lẫn Tây học, rồi anh dứt bỏ cuộc sống đời thường để vào chùa tìm sự tĩnh tại và an lành, nhưng rồi anh lại bước ra cuộc đời với một con người trách nhiệm.

Vô Trần với lòng tin ở đức Phật và tìm thấy sự thanh tịnh nơi Phật, Vô Trần đã dứt bỏ gia đình để đến ở chùa, học kinh kệ. “Vô Trần tinh tấn tu hành chẳng mấy chốc đã mười bảy, mười tám.” [19, tr. 92]. Và rồi chúng ta thấy “một nhà sư trẻ tuổi, mặt sáng như trăng rằm, ăn nói mềm dẻo, làu thông kinh kệ, giỏi chữ Hán, là niềm tự hào của hòa thượng Vô Chấp” [19, tr. 92].

Rồi con của Phật lại bước ra cuộc đời đi theo tiếng gọi của con tim, của tình yêu. Trong cái đêm tối tĩnh mịch ấy, ở vườn cò, Vô Trần đã gắn cuộc đời

mình với bà Nấm. Chính điều này là bước đệm tạo nên bước chuyển tiếp theo của Vô Trần. Sống với con người của cuộc đời, sống vào thời kỳ mà cả dân tộc đang đắm chìm trong ách áp bức, bóc lột của thực dân. Vô Trần đã gặp được lý tưởng mà anh đã sống và cống hiến, hy sinh cả đời mình cho dân tộc. Vô Trần trở thành một nhà sư cách mạng. “Chuyện ông sư Vô Trần phá giới trở thành nhà cách mạng thật thú vị” [19, tr. 143], Vô Trần đã cùng với nhân dân đi phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, đã vũ trang tuyên truyền, hùng hồn diễn thuyết giữ chợ làng Sọ… Và sau này Vô Trần đã tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành một vị tướng tài giỏi trên chiến trường miền Nam.

Nếu như ở Vô Trần là bước chuyển mạnh mẽ về tư tưởng chính trị và ý thức đấu tranh, thì ở nhà sư Khoan Độ là bước chuyển làm thay đổi bản chất con người Khoan Độ. Khoan Độ vốn là một con người hung dữ, cha Khoan Độ đã phải cắt gân anh đi để giữ anh lại, nhưng không thể, Khoan Độ vẫn sống buôn thả, như cũ và còn trở nên lì lợm hơn trước. Nhưng chính bằng tình yêu thương của Khoai đã đưa anh trở về với cuộc sống đời thường, một con người biết yêu thương, quan tâm và sẻ chia.

Cái đêm ân nghĩa mặn nồng. Thân xác họ đã thề thốt với nhau những lời nặng tình nhất. Họ chẳng nói lời thề non hẹn biển, nhưng họ biết rằng từ phút ấy, đời họ gắn chặt với nhau. Họa chăng cái chết mới chia rẽ nổi. Đêm hôm ấy họ tỷ tê với nhau nhiều chuyện lắm” [19, tr. 288].

Nhưng rồi sự ra đi của Khoai và đứa con chưa chào đời đã làm anh rơi xuống tột cùng của sự đau khổ. Anh mất phương hướng, mất đi niềm tin, như một kẻ điên dại, anh bỏ làng ra đi và anh trở thành cướp. Cướp đường cướp chợ, nhưng là cướp của nhà giàu có. Nhưng rồi anh đã tìm lại chính mình dưới ánh sáng từ bi của Phật. Để anh trở thành một người có ích, mặc cho sự nghi ngờ vây quanh. Nhà sư Khoan Độ đã xuất thân từ giang hồ và giờ đây

anh trở thành người xuất gia, thề một lòng một dạ đi theo Phật pháp và bảo vệ cho chùa.

Nếu như nhà sư Khoan Độ nhờ võ xuất thân từ giang hồ, trở thành người xuất gia, thì An lại ngược lại chính nhờ học võ, An đã bước qua ngưỡng cửa chùa để về với cuộc sống. Đúng như lời của Sư bác Khoan Độ nói với An, trước khi An lên đường đi bộ đội: “Hóa ra tôi dạy chú học võ cũng có ích. Tôi xuất thân giang hồ. Từ võ biến thành người xuất gia, còn chú xuất thân tu hành, nay thành một chiến binh”. [19, tr. 653]

An, một chú bé có số phận khổ cực, được nương nhờ của Phật, được sư cụ chùa Sọ nhận nuôi và dạy cho kinh Phật. Chú bé dần dần trưởng thành qua những bước chuyển trong cuộc đời, có những bước dài, có những bước ngắn nhưng đã ghi dấu ấn trong cuộc đời An.

Bước vào chùa An là một chú bé nhút nhát, dưới sự dạy bảo của sự cụ, sư Khoan Độ, An đã bước đầu trưởng thành lên so với lúc mới đến ở chùa. An đã cùng với sư cụ trải qua rất nhiều gian nan, khổ cực khi toàn dân ta đưa ra đấu tố những thành phần bị quy là địa chủ, phản cách mạng. Những ngày ở chùa một mình, hay những ngày gian khổ nhất ở trại cải tạo với sư cụ đã dạy cho An nhiều về cuộc đời, chính vì vậy, An đã dần dần hiểu rõ về con người, về cuộc đời và về những lời Phật dạy.

Nhận quyết định lên đường nhập ngũ và trở thành anh bộ đội cụ Hồ. An đã hạnh phúc biết bao, tim anh như muốn vỡ ra. Mặc dù là nhà sư nhưng anh cũng đã được góp phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc chung của đất nước, cũng vào sinh ra tử cùng đồng đội. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản vậy thôi. Ấy vậy mà không hề đơn giản, mang trong mình niềm tin ở đức Phật và luôn ghi tạc những lời Phật dạy. Nhưng An lại đang ở vào thời kỳ có chiến tranh, không phải là An không có lòng căn thù, không

phải là An hèn nhát, không dám bắn thẳng vào địch, mà là An đang chịu ảnh hưởng lớn của sự từ bi hỷ sả của Phật giáo. Nhưng rồi con người chú tiểu trong anh đã ẩn đi, để cho con người chiến sỹ trong An lớn lên và trưởng thành, đây là một bước chuyển lớn trong An. Cùng với đó, một lần nữa, con của Đức Phật đã làm như lời dạy của sư phụ mình, với hai chữ: “tùy duyên”, đó là dành phần cuộc đời còn lại để chăm sóc cho người con gái nhỏ bé, mang trên mình sự tàn phế, không còn người thân - là Huệ. Khi ra quân lại là một bước chuyển lớn trong An, trước mọi đắn đo và do dự, An đã quyết định sống cuộc sống của một con người cá nhân, một con người với nghĩa vụ và trách nhiệm, hàn gắn vết thương chiến tranh để lại sau cuộc chiến tranh ác liệt.

Không phải chỉ có những nhân vật nam mới có những bước chuyển trong cuộc đời, trong tính cách mà các nhân vật nữ cũng được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh miêu tả những bước chuyển đó. Những người phụ nữ như: Nhụ, bà cô Tổ, Rêu, bà Nấm, Hiếu… họ đều có những thay đổi, đáng chú ý. Việc sử dụng bước chuyển ở các nhân vật nữ cũng cho thấy ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh đề cao vai trò của người phụ nữ và cũng đang tạo ra được sự bình đẳng nam nữ trong văn học.

Sử dụng những bước chuyển trong sự thay đổi của các nhân vật như vậy Nguyễn Xuân Khánh đã thành công trong việc khắc họa tính cách nhân vật, qua đó bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)