2.2.1. Tiền lương tối thiểu
Hệ thống tiền lương tối thiểu của một quốc gia được xây dựng phụ thuộc vào mối tương quan kinh tế - chính trị - xã hội trong từng quốc gia. Ở Việt Nam cũng vậy, tiền lương tối thiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam “được xác định theo tháng,
ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành” (Khoản 1 Điều 91 BLLĐ).
Qua nhiều lần cải cách về chính sách tiền lương tối thiểu, đến năm 2013, Nhà nước ta thông qua Nghị định số 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định này, “Từ ngày 01/7/2013 mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng”. Mức lương này đã thay thế mức lương tối thiểu chung quy định tại các văn bản về chế độ tiền lương trước đó. Nó được xác định trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Mức lương này là cơ sở để Chính phủ ban hành về mức lương tối thiểu vùng cũng như là căn cứ để các doanh nghiệp, các ngành xây dựng mức tiền lương cho NLĐ phù hợp với nền kinh tế từng thời kỳ.
Đối với tiền lương tối thiểu vùng: Từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, Nghị định
103/2014/NĐ-CP – nghị định quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động đã có hiệu lực áp dụng. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng hiện nay cao hơn so với mức lương năm 2014 từ 250.000 đến 400.000 đồng mỗi tháng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định
có quy định mức lương tối thiểu vùng như sau: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000đồng/tháng; vùng III:2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. Trên thực tế, mức lương tối thiểu hiện nay chưa thật sự phù hợp với cơ chế thị trường, dù liên tục điều chỉnh nhưng tăng vẫn không kịp so với tốc độ trượt giá và mức tăng trưởng của nền kinh tế. Ông Nguyễn Tiến Đăng - Trưởng phòng Tiền lương, Vụ Lao động - Tiền lương (2014) cho rằng “Mức lương tối thiểu vùng quy định ngày 1/1/2015 chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu của người lao động”. Thật vậy, mức lương tối thiểu hiện nay rất thấp và khả năng đàm phán hạn chế của NLĐ trong điều kiện cơ chế thỏa thuận còn khiến nhiều doanh nghiệp bám vào để trả lương và ép tiền công của NLĐ. Việc phân vùng lương tối thiểu theo địa giới hành chính (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) còn nhiều bất cập. Có những tỉnh có tới 2 vùng hưởng lương tối thiểu khác nhau. Điều này dẫn tới việc dịch chuyển lao động từ vùng lương tối thiểu thấp sang vùng cao. Hơn nữa, lương tối thiểu vùng vẫn quy định trả theo tháng tại 4 vùng, chưa áp dụng theo ngày, giờ đối với các công việc không trọng ngày, công việc bán thời gian. Trong khi đó, BLLĐ có quy định tiền lương xác định theo giờ, ngày.
Đối với tiền lương tối thiểu ngành: “Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố” (Khoản 3 Điều 91 BLLĐ). Theo như điều luật trên thì pháp luật nước ta không quy định mức lương tối thiểu với từng ngành nghề cụ thể. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, họ đã có mức lương tối thiểu với các ngành nghề khác nhau. Vấn đề này xuất phát từ thực tiễn tình hình kinh tế nước ta.Trước mắt, với tình hình kinh tế chúng ta chưa đạt được sự ổn định thì nhà nước mới chỉ quy định mức lương tới thiểu vùng mà chưa quy định mức lương tối thiểu ngành là hợp lý, vì từng vùng đang có mức sống chênh lệch khác nhau, còn với các ngành – đặc biệt là các ngành công nghệ kỹ thuật cao thì mức lương vượt quá mức lương tối thiểu rất xa và người ta không cần đến công bố lương tối thiểu của Chính phủ. Tuy nhiên, việc nhà nước không ban hành mức lương tối thiểu ngành sẽ gây khó khăn cho những ngành yếu thế, có khả năng những NLĐ trong khu vực đó sẽ bị lạm dụng và áp dụng mức lương tối thiểu không hợp lý.