Trong thực tế, có hoàn thiện tốt được những quy định của pháp luật về tiền lương thì khi đó quyền và lợi ích của người tham gia lao động mới được bảo vệ một cách tốt nhất. Theo như một số định hướng hoàn thiện quy định pháp luật về tiền lương vừa đề cập, dưới đây là một số kiến nghị cụ thể của em nhằm hoàn thiện pháp luật về chế độ tiền lương hiện hành:
Thứ nhất, cần nâng cao mức tiền lương tối thiểu.
So với mức phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay, có thể thấy, mục tiêu tính đúng, tính đủ lương tối thiểu được đặt ra là khá cao nhưng thực tế đạt được còn thấp. Mức lương tối thiểu so với nhu cầu của NLĐ và nhu cầu đặt ra là quá thấp không đủ chi cho nhu cầu cần thiết của bản thân họ. Hiện nay, Nhà nước ta quy định mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng/tháng. Và theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thì mức lương này mới đáp ứng được khoảng 65,7% mức sống tối thiểu của NLĐ. Nền kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển, mức sống của người dân càng cao, thì việc tăng mức lương tối thiểu là hết sức cần thiết. Tiền lương được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung cầu sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm. Khi tăng lương tối thiểu phải dựa vào các quy luật cung cầu, giá trị và cạnh tranh của thị trường; việc tăng lương tối thiểu phải theo định kỳ và niên hạn. Bên cạnh đó việc tăng lương còn phải phụ thuộc vào điều kiện, khu vực và môi trường làm việc.
Ngoài ra, việc quy định mức tiền lương tối thiểu ở nước ta hiện nay không theo nền kinh tế thị trường mà có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước. Nhà nước chỉ điều chỉnh lương tối thiểu khi có sức ép của xã hội và cứ nói đến tiền lương là lại nói đến cân đối ngân sách. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng một cơ chế kiểm soát và điều chỉnh lương tối thiểu, sao cho lương tối thiểu được điều chỉnh thường xuyên theo yếu tố thị trường. Đồng thời, Nhà nước không được can thiệp quá sâu mà chỉ ban hành các quy định mang tính định hướng về tiền lương, trao quyền chủ động đến mức tối đa cho các doanh nghiệp khi xây dựng chế độ tiền lương.
Thứ hai, cần ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn cách tính lương cho NLĐ trong trường hợp làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
Tại Điều 97 BLLĐ, Nhà nước đã quy định về Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Song thực tế, những quy định ấy còn quá chung chung và mang nặng tính hình thức, gây khó khăn cho NLĐ lẫn NSDLĐ trong quá trình áp dụng pháp luật về vấn đề này. Vì không có những quy định cụ thể nên mỗi doanh nghiệp hiện nay áp dụng một cách tính lương không đồng nhất với nhau, có những doanh nghiệp còn áp dụng những thông tư, nghi định đã hết hiệu lực, hạn chế đi những quyền lợi chính đáng của NLĐ. Vì vậy, việc ban hành những văn bản pháp luật, hay sửa đổi bổ sung nhưng quy định cách tính lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm là điều tất yếu cần làm với pháp luật nước ta hiện nay. Khi có những quy định cụ thể, cách tính lương làm thêm giờ cho NLĐ được minh bạch, công khai tại mỗi doanh nghiệp. Đối với NLĐ, nó tạo sự công bằng cho bản thân họ, khiến cho công sức họ bỏ ra để đóng góp cho doanh nghiệp được ghi nhận xứng đáng, giúp NLĐ có tinh thần và động lực làm việc tốt, gắn bó với doanh nghiệp của mình. Về phía doanh nghiệp, khi có hướng dẫn cụ thể về cách tính lương này, các cán bộ nghiệp vụ về tiền lương sẽ dễ dàng hơn trong công tác tính lương cho NLĐ hàng tháng, hạn chế một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật mà tính lương sai trái, vụ lợi cho bản thân, khấu trừ đi khoản tiền lương chính đáng phải trả cho NLĐ, hơn nữa còn giảm thiểu những tranh chấp không đáng có xảy ra giữa các bên.
Thứ ba, quy định mức chế tài để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các đối tượng.
Tình trạng vi phạm pháp luật về tiền lương ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng và phức tạp. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có một cơ chế hợp lý để điều chỉnh vấn đề này, cho nên các tranh chấp về tiền lương thường tồn tại ở dạng tập thể mà chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cơ chế giải quyết tranh chấp ở nước ta còn nhiều hạn chế và chưa bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ Cho nên họ không sử dụng cơ chế khác để bảo vệ quyền lợi cho mình mà đã phải sử dụng “vũ khí cuối cùng” để đấu tranh bằng cách tổ chức các cuộc đình công buộc NSDLĐ phải nhân nhượng. Trên thực tế, thanh tra lao động hoạt động kém hiệu quả, NLĐ thì ở thế yếu nên luôn có suy nghĩ “ thà yếu còn hơn không có,” cho nên vi phạm pháp luật thì nhiều mà không bị phát hiện và xử lý. Điều cần thiết hiện nay là quy định các hành vi vi phạm pháp luật tiền lương cụ thể trong một văn bản tương ứng với các hình thức và mức độ xử lý cho phù hợp. Cần quy định và tăng mức chế tài áp dụng đối với những hành vi vi phạm, đặc biệt là những hành vi không đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan lao động, không trả lương đúng cho NLĐ theo thỏa thuận sao
cho các chế tài đủ để răn đe, ngăn ngừa hạn chế xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm của các đối tượng. Chế tài ra đời không phải tự bản thân nó thực hiện chức năng của mình mà phải dựa vào khả năng thực hiện của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, cần tăng cường quyền hạn cho các cơ quan lao động trong việc xử lý vi phạm, phát huy tính chủ động, độc lập cần thiết để các cơ quan này thực hiện tốt chức năng của mình. Hoạt động sự nghiệp của các cơ quan lao động chỉ phát huy hết hiệu lực, hiệu quả khi đi đôi với quá trình kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.