8. Kết cấu của Luận văn
2.5.1. Thành tựu
(i) Chuyển đổi trong phương thức phân bổ ngân sách
Trước khi có Luật ngân sách sửa đổi 2002, NSNN được phân bổ cho các bệnh viện theo những định mức chung theo khu vực kinh tế - xã hội. Từ khi có Luật ngân sách sửa đổi, mức ngân sách cho bệnh viện tuyến tỉnh và huyện chủ yếu do chính quyền địa phương quyết định và có sự khác nhau đáng kể. Hiện chưa có một hệ thống dữ liệu chính thức và phương thức phân bổ ngân sách chính thống cho các bệnh viện.
Từ sau Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, phương thức phân bổ ngân sách đã có những chuyển đổi theo hướng “cấp ngân sách ở mức ổn định theo giai đoạn 3 năm” - một bước chuyển theo hướng khoán ngân sách, giảm bớt những quy định liên quan tới các định mức tài chính khá cứng nhắc đối với các cơ sở bệnh viện.
Cùng với việc thực hiện chính sách thu một phần viện phí, nhất là chính sách xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho bệnh viện, tỷ trọng NSNN cấp cho bệnh viện ngày càng có xu thế giảm. Song, mức độ giảm có sự khác nhau giữa các loại bệnh viện. Năm 2010, tỷ lệ ngân sách cấp cho bệnh viện tuyến
trung ương chiếm khoảng 28%; bệnh viện tuyến tỉnh khoảng 12% và bệnh viện tuyến huyện khoảng 40%.
(ii) Tăng nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện
Nguồn tài chính quan trọng của bệnh viện những năm gần đây là các nguồn chi trả của những người sử dụng dịch vụ do bệnh viện cung cấp, chủ yếu bao gồm chi trả của BHYT và viện phí trực tiếp - nguồn thu sự nghiệp. Những nghiên cứu gần đây cho thấy nguồn thu sự nghiệp của các bệnh viện chiếm tỷ trọng rất cao ở hầu hết các nhóm bệnh viện (96,8% ở bệnh viện tự chủ toàn phần; 72% ở bệnh viện tuyến trung ương; 81,7% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 59,4% ở bệnh viện tuyến huyện). Đây là một biểu hiện tích cực cho thấy mức độ tự chủ về tài chính ngày càng cao của các cơ sở KCB công lập.
(iii) Chuyển biến tích cực trong linh vực Bảo hiểm y tế
Trước và sau Nghị định số 43/2006/NĐ-CP có thể thấy tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế, số người nghèo được cấp thẻ BHYT và tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được KCB miền phí gia tăng mạnh.
Năm 2010 số người nghèo được cấp thẻ BHYT tăng gấp 3 lần so với năm 2005, với tổng số trên 15,8 triệu thẻ, chiếm trên 40% tổng số người có thẻ BHYT. Thực hiện Nghị định số 36/2005/NĐ-CP, kinh phí cấp cho KCB trẻ em dưới 6 tuổi tăng từ 890,1 tỷ năm 2005 lên 1.053 tỷ năm 2010. Năm 2005 có 50% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ KCB miễn phí, con số này tới cuối năm 2010 là 85%.
(iv) Tạo sự linh hoạt trong huy động nguồn lực đầu tư của các bệnh viện công
Việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển các cơ sở y tế công lập được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu: Liên doanh, liên kết để đầu tư trang thiết bị y tế và phát triển các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Tính đến năm 2008, các bệnh viện công đã huy động được khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai các kỹ thuật cao, trong đó các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên 500 tỷ đồng, các đơn vị thuộc TP Hồ Chí Minh huy động và vay quỹ kích cầu gần 1.000 tỷ đồng; các đơn vị thuộc Hà Nội huy động được trên 100 tỷ
đồng, Quảng Ninh gần 50 tỷ đồng... Nguồn vốn quan trọng này đã góp phần đổi mới trang bị kỹ thuật y tế, đặc biệt những trang thiết bị kỹ thuật cao, trong hoàn cảnh kinh phí Nhà nước chưa cung cấp đủ. Tất cả các bệnh viện lớn đều thành lập Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, hoặc Khoa khám chữa bệnh chất lượng cao, coi đây là nguồn tăng thu chủ yếu, được tập trung đầu tư các máy móc hiện đại, phòng bệnh đầy đủ tiện nghi, chủ yếu để phục vụ cho những người có khả năng chi trả. Một số bệnh viện có khu dịch vụ theo yêu cầu riêng biệt, trong khi nhiều bệnh viện không có khu vực riêng. Bảng giá dịch vụ theo yêu cầu của nhiều bệnh viện được thông báo rộng rãi cho người bệnh. Giá dịch vụ theo yêu cầu có sự khác nhau giữa các bệnh viện. Các bệnh viện thực hiện tốt huy động vốn như: Nhân Dân Gia Định, Từ Dũ, Hùng Vương, Bệnh viện Mắt, Bình Dân, Đa khoa Khu vực Thủ Đức,…
(v) Chế độ đãi ngộ cán bộ, nhân viên bệnh viện
Theo Nghị định 43-CP, bệnh viện tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động được quyết định tổng mức thu nhập trong năm cho người lao động, nhưng tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ, sau khi đã thực hiện trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25%). Thực hiện quy định này đã góp phần cải thiện thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện, nhất là ở tuyến trung ương, mặc dù chưa có được số liệu đầy đủ về mức và các nguồn thu nhập tăng thêm thực tế của cán bộ, nhân viên các bệnh viện tự chủ.