II. Một số giải pháp của Việt nam trong quá trình hội nhập trước bối cảnh của liên kết khu vực
3. Nhóm giải pháp về chính sách xã hội nhằm hạn chế và giải quyết những vấn đề tiêu cực của hội nhập
3.2. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động giải quyết việc làm
Trong tình hình nước ta hiện nay, xuất khẩu lao động là một giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, mỗi năm Việt nam xuất khẩu được hơn 30.000 lao động, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp. Đối với người lao động, việc đi xuất khẩu lao động giúp họ có nguồn thu nhập cao, tích luỹ vốn để cải thiện đời sống và điều kiện làm việc. Đối với Nhà nước, xuất khẩu lao động trong thời gian qua đã giảm được khoản đầu tư trong nước cho việc đào tạo nghề và tạo việc làm, đồng thời nguồn ngoại tệ quốc gia cũng được bổ sung hơn 1 tỷ USD mỗi năm do người lao động chuyển về nước. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Về mặt khách quan, sự cạnh tranh giữa các quốc gia tại các thị trường tiếp nhận lao động ngày càng gay gắt. Về mặt chủ quan, hoạt động này của Việt nam còn nhiều hạn chế về chất lượng lao động, cơ chế, chính sách, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động,...Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, một số giải pháp đưa ra là:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách về xuất khẩu lao động
Hoàn thiện hệ thống văn bản về xuất khẩu lao động, ban hành sửa đổi, bổ sung những cơ chế chính sách cho phù hợp với sự vận động của thị trường, đó là chính sách đầu tư phát triển thị trường cần có các quy định về tái đầu tư cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động từ nguồn thuế doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động xuất khẩu lao động trong 5 năm. Hỗ trợ cho doanh nghiệp từ Quỹ đầu tư phát triển thị trường của Bộ, ngành, địa phương. Thêm vào đó, Nhà nước cần tiếp tục
bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhất là cơ chế về tài chính để nâng cao khả năng hoạt động và tạo sự chủ động cho doanh nghiệp xuất khẩu, ví dụ cho phép các doanh nghiệp áp dụng phí môi giới theo thông lệ quốc tế tuỳ tình hình thị trường. Ngoài ra chúng ta nên:
+ Ban hành chính sách tín dụng cho người lao động đi xuất khẩu lao động + Xây dựng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động
+ Sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng những người đã tham gia thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, đối tượng còn lại tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
+ Cơ chế sử dụng lao động xuất khẩu khi hoàn thành hợp đồng về nước.
Thứ hai, sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Việc sắp xếp và tổ chức lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động dựa trên cơ sở hoạt động của các doanh nghiệp (các tiêu chí về chất lượng tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng cho lao động và các bộ quản lý lao động ở nước ngoài, chấp hành chế độ tài chính, chế độ đăng ký hợp đồng, chế độ báo cáo, quy mô lao động đi từng thị trường,..). Tiến hành thanh tra kiểm tra, kiểm tra định kỳ hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Các Bộ, ngành, địa phương chủ quản cần lựa chọn sắp xếp lại doanh nghiệp xuất khẩu lao động đảm bảo số lượng phù hợp nhưng chất lượng cao.
Thứ ba,tăng cường hoạt động quản lý và giám sát đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, quản lý, chỉ đạo hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đầu tư về cơ sở vật chất và cán bộ, đáp ứng nhiệm vụ mở cửa thị trường và quản lý hoạt động xuất khẩu lao động. Quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp
xuất khẩu lao động. Chỉ đạo, xử lý các vướng mắc, vi phạm của doanh nghiệp, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hiện tượng tiêu cực.
Bộ lao động thương binh và xã hội nên giao cho các Sở lao động thương binh và xã hội địa phương được quyền xem xét, chọn các trung tâm, chi nhánh dịch vụ lao động nào được làm vệ tinh cho các công ty xuất khẩu lao động. Khi tuyển lao động, các chi nhánh phải báo cáo với Sở, nếu không báo cáo coi như tuyển dụng bất hợp pháp để tăng cường sự kiểm tra giám sát đối với hoạt động tuyển chọn lao động.
Chính quyền địa phương nên quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động với người dân, cung cấp những thông tin cần thiết đi đôi với việc hỗ trợ kinh phí cho người lao động.
Thứ tư, nâng cao chất lượng lực lượng xuất khẩu lao động
Các doanh nghiệp cần phải căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động và khả năng ký kết hợp đồng để lập kế hoạch xuất khẩu lao động hàng năm và dài hạn, phối hợp với các địa phương để chuẩn bị nguồn lao động đưa vào đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp phải thành lập cơ sở đào tạo với khả năng đào tạo từ 100 lao động trở lên. Song song với công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo riêng, các doanh nghiệp cần liên kết với các trường dạy nghề để đào tạo nguồn lao động theo cơ chế thị trường cung cấp lao động có chất lượng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tạo đầu ra cho trường. Bên cạnh việc đào tào nghề và ngoại ngữ cho người lao động thì nội dung đào tạo về giáo dục định hướng trong đó có phần nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán, quan hệ chủ thợ, điều kiện làm việc và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động cho họ trước khi đi ra nước ngoài cũng rất quan trọng. Hơn nữa, nội dung
chương trình đào tạo và giáo dục định hướng phải được thường xuyên điều chỉnh và cập nhật sao cho nội dung đào tạo phải sát thực và đáp ứng yêu cầu thực tế hơn. Sự nghiệp đào tạo là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp nhưng Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho việc học tập và thực hành. Đối với các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và uy tín, ngân sách Nhà nước cần đầu tư thông qua hình thức cấp phát vốn, vay ưu đãi, cho để lại các khoản nộp,... đồng thời áp dụng chế độ thu học phí để tạo nguồn vốn đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Nhà nước nên có chế độ trợ giúp hoặc cho vay ưu đãi những người đi xuất khẩu lao động là con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, kinh tế khó khăn...để họ có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài.