II. Xu hướng mở rộng phạm vi liên kết của các nước Đông và Đông Na má ra ngoài khố
1. Những cơ hội đối với nền kinh tế
1.4. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu chính của AFTA là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực ASEAN bằng việc hình thành một khối thị trường thống nhất, rộng lớn. Ngoài những tác động đến hoạt động ngoại thương của Việt nam, AFTA còn tác động mạnh tới đầu tư nước ngoài tại Việt nam.
Tham gia thực hiện AFTA của Việt nam không chỉ thu hút các nhà đầu tư ASEAN mà cả các nhà đầu tư ngoài khu vực vì họ yên tâm trước những cam kết hội nhập AFTA của Việt nam. Các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy rằng khi đầu tư vào Việt nam, họ không chỉ có thị trường Việt nam mà còn có thêm thị trường ASEAN với 508 triệu dân, hàng hoá được tự do buôn bán trong khối với thuế suất thấp và không có các hàng rào phi thuế. Như vậy là đã giải quyết được phần lớn đầu ra cho sản phẩm trong tình hình thị trường tiêu thụ khó khăn như hiện nay. Hơn nữa, hàng hoá sản xuất tại Việt nam nhưng được gắn nhãn mác hàng hoá ASEAN, ngày càng có uy tín trên thị trường quốc tế, ưu thế này giúp sản phẩm của các nhà đầu tư vươn ra các thị trường khác ngoài thị trường ASEAN trong khi họ vẫn tận dụng được các lợi thế khác của Việt nam. Bên cạnh đó, lợi ích mà AFTA mang lại cho Việt nam là chúng ta có thể nhập khẩu nguyên vật liệu từ các nước ASEAN với mức thuế suất thấp để sản xuất hàng xuất khẩu mà vẫn được tính thành tích nội địa hoá để hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP (hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển trong khuôn khổ GATT). Đây sẽ là một động lực khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn và công nghệ vào khu vực ASEAN nói chung và Việt nam nói riêng nhằm thâm nhập vào hai thị trường rộng lớn và khó tính là Mỹ và EU mà họ vẫn
có được những điều kiện thuận lợi khác như giá nhân công rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên,...
Hoạt động đầu tư nước ngoài vào nước ta trong thời gian qua đã có những kết quả khả quan: từ tháng 1/1988 đến tháng 7/2002 chúng ta đã cấp 4.047 giấy phép với tổng số vốn đăng ký lên tới 41,5 tỷ USD. Trong cùng thời gian, 1.432 dự án đã tăng vốn lên 7,05 tỷ USD nâng tổng số vốn đăng ký lên 48,6 tỷ USD. Đến tháng 7/2002, có 3.264 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 38,3 tỷ USD, vốn đã thực hiện là 22 tỷ USD chiếm 57% số vốn đã đăng ký, một tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Vừa qua Việt nam được Cơ quan tư vấn về rủi ro chính trị và kinh tế (PERC) tại Hồng Kông công nhận là nước có môi trường đầu tư an toàn nhất trong khu vực sau sự kiện 11/9 xảy ra ở Mỹ. Những tác động tích cực của AFTA đối với FDI tại Việt nam cùng với sự ổn định về chính trị - xã hội, tốc độ tăng trưởng cao, chi phí lao động thấp, sức mua lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú,... và sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ giúp Việt nam thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài như các mục tiêu đã đề ra.