BÀN LUẬN
4.1.3. Thời gian vô sinh.
Thời gian vô sinh trung bình của các bệnh nhân không có tinh trùng trong nghiên cứu của chúng tôi là 3,97 + 3,4 năm, trong đó nhóm chọc hút có tinh trùng là 4,09 + 3,4 năm và nhóm chọc hút không có tinh trùng là
3,72 + 3,4 năm. Sự khác biệt về thời gian vô sinh giữa hai nhóm chọc hút có và không có tinh trùng không có ý nghĩa thống kê với p = 0,427 (xem bảng 3.2). Điều này hoàn toàn toàn hợp lý vì khi bị vô sinh do không có tinh trùng thì thời gian vô sinh thường ít liên quan đến có tắc nghẽn hay không tắc nghẽn đường dẫn tinh, tức là có thể hiểu không phải cứ để lâu thì các trường hợp không tắc đường dẫn tinh sẽ trở thành tắc hoặc ngược lại. Thời gian vô sinh của trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương nghiên cứu của Godwin (1998), có thời gian vô sinh trung bình là 4 năm [38]. So với nghiên cứu của Hán Mạnh Cường (2010), thời gian vô sinh của các bệnh nhân điều trị bằng phương pháp IVF đơn thuần tương ứng là 5,1 + 3,6 năm và 6,0 + 3,4 năm, chứng tỏ các bệnh nhân vô sinh không có tinh trùng thường đi khám và được điều trị sớm hơn [126]. So với nghiên cứu của Seyed (2006) có thời gian vô sinh là 7,6 ± 5,7 năm ở nhóm chọc hút có tinh trùng và 8,4 ± 6,2 năm ở nhóm chọc hút không có tinh trùng thì nghiên cứu của chúng tôi có thời gian vô sinh ngắn hơn [124]. 71,1% bệnh nhân có thời gian vô sinh dưới 5 năm và chỉ có 5,2% các bệnh nhân có thời gian vô sinh trên 10 năm (xem bảng 3.2). Điều này một lần nữa khẳng định các bệnh nhân vô sinh không có tinh trùng thường đi khám sớm và chẩn đoán không có tinh trùng không mất nhiều thời gian.