Một số yếu tố khác.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn bằng tinh trùng lấy từ mào tinh trong điều trị vô sinh (Trang 35)

Ngoài các yếu tố trên còn có một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai là phác đồ kích thích buồng trứng, phác đồ dài thu được nhiều nang noãn hơn, noãn đồng đều hơn.

Độ dày và đặc điểm của niêm mạc tử cung cũng ảnh hưởng đến kết quả có thai. Một số nghiên cứu cho thấy khi niêm mạc tử cung dưới 7mm thì không trường hợp nào có thai.

Chất lượng phôi cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai, nếu phôi chuyển có chất lượng tốt thì tỷ lệ có thai cao hơn là chuyển phôi xấu.

1.10. Các nghiên cứu về vô sinh không có tinh trùng.

Trước đây các trường hợp vô sinh do tinh trùng yếu, do số lượng tinh trùng ít hay do tỷ lệ tinh trùng dị dạng cao thường được điều trị bằng phương pháp lọc rửa tinh trùng sau đó bơm tinh trùng vào buồng tử cung, còn các trường hợp vô sinh không có tinh trùng thường được tư vấn điều trị bằng bơm tinh trùng vào buồng tử cung với tinh trùng người cho (IAD) hoặc xin con nuôi.

Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn được giới thiệu lần đầu năm 1992 và sau đó đã được chứng minh là một lựa chọn hàng đầu cho các trường hợp vô sinh nguyên nhân do chồng. Từ đó cho đến nay đã có rất nhiều các nghiên cứu về kỹ thuật ICSI trên các bệnh nhân vô sinh nam.

Năm 1995, Tsirigotis nghiên cứu 54 bệnh nhân được thực hiện 59 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm/tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Các bệnh nhân chủ yếu là không có tinh trùng do thất bại khi nối ống dẫn tinh, không có ống dẫn tinh bẩm sinh, liệt dương và suy một phần tinh hoàn. Trong nghiên cứu này có tất cả 521 noãn được thực hiện ICSI bằng tinh trùng lấy từ mào tinh bằng phương pháp chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da. Tỷ lệ có thai là 30,5% trên số chu kỳ KTBT và 33,3% trên số chu kỳ chuyển phôi. Tỷ lệ làm tổ là 14,2%. Tác giả đã kết luận PESA là phương pháp đơn giản, hiệu quả chọc hút tinh trùng trong các trường hợp không có tinh trùng do tắc nghẽn và không tắc nghẽn. Phương pháp an toàn, hiệu quả, ít gây biến chứng như các phương pháp phẫu thuật mở [103].

Ou và cộng sự, Pasqualotto và cộng sự đã nghiên cứu các trường hợp chọc hút tinh hoàn từ mào tinh lại lần thứ hai đã kết luận thủ thuật này có thể tiến hành lại vẫn lấy được tinh trùng di động và khả năng thụ tinh tương đương lần chọc hút đầu tiên [104, 105].

Năm 2002 Grégory và cộng sự báo cáo thực hiện 71 chu kỳ IVF/ICSI cho 42 cặp vợ chồng vô sinh không có tinh trùng. 49 chu kỳ với tinh trùng lấy từ mào tinh, 22 chu kỳ với tinh trùng lấy từ tinh hoàn. Cả hai phương pháp trích xuất tinh trùng đều bằng phẫu thuật mở. Tỷ lệ thụ tinh với tinh trùng từ mào tinh là 88% và 68% với tinh trùng lấy từ tinh hoàn. Kết quả có 13 trường hợp có thai trong tổng số 71 chu kỳ điều trị đạt 18,3% [106].

Năm 2003 Glina và cộng sự đã nghiên cứu hồi cứu 79 chu kỳ chọc hút mào tinh (PESA) cho 58 bệnh nhân vô sinh không có tinh trùng. 65 chu kỳ chọc hút được tinh trùng chiếm 82%, trong đó có 15 bệnh nhân chọc hút 2 lần, 5 bệnh nhân chọc hút 3 lần và 1 bệnh nhân chọc hút 4 lần. Tỷ lệ có thai là 38%. Tác giả đã kết luận PESA là thủ thuật đơn giản, hiệu quả, có thể áp dụng để chọc hút tinh trùng cho các bệnh nhân vô sinh không có tinh trùng [107].

Năm 2004 Lin nghiên cứu 56 cặp vợ chồng vô sinh không có tinh trùng. Các trường hợp chọc hút chẩn đoán có tinh trùng sẽ được trữ lạnh. Tác giả so sánh kết quả giữa hai nhóm sử dụng tinh trùng trữ lạnh và tinh trùng tươi. Tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ có thai ở nhóm tinh trùng trữ lạnh lần lượt là 71,6%, 14,0% và 40,6%. Còn ở nhóm sử dụng tinh trùng tươi là 69,2%, 13,2% và 41,2%. Không có sự khác biệt giữa hai nhóm. Tác giả kết luận tinh trùng chọc hút bằng phương pháp PESA có đủ để trữ lạnh/rã đông trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm [108].

Năm 2008 Naru và cộng sự nghiên cứu 517 cặp vợ chồng được điều trị bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn của ba nhóm lấy tinh trùng từ mào tinh (69 trường hợp), tinh hoàn (47 trường hợp) và từ mẫu xuất tinh (421 trường hợp tinh trùng ít và bình thường). Kết quả cho thấy tỷ lệ có thai tương ứng là 43,5%, 36,2% và 41,4%. Tỷ lệ sảy thai tương ứng là 16,7%, 23,5%, và 12,1%. Không có sự khác biệt về tỷ lệ có thai cũng như sảy thai giữa các nhóm với p > 0,05 [109].

Năm 2009, Savio và cộng sự so sánh tỷ lệ có thai sau chuyển phôi đông lạnh của các phôi từ chu kì ICSI mà tinh trùng lấy từ xuất tinh tự nhiên với chọc hút mào tinh hoặc từ tinh hoàn thấy tỷ lệ có thai lần lượt là 20,1% và 16,1%. Tác giả cũng không thấy sự khác nhau giữa hai nhóm chọc hút tinh trùng từ mào tinh hay tinh hoàn [110].

Tang và cộng sự (2007) nghiên cứu chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da cho 118 bệnh nhân nam vô sinh không có tinh trùng. Kết quả tác giả tìm thấy tinh trùng ở mào tinh 60 trường hợp (đạt tỷ lệ 50,85%), Tỷ lệ chọc hút thành công cao hơn ở nhóm có tinh hoàn thể tích và nồng độ FSH bình thường so với nhóm tinh hoàn nhỏ và FSH cao. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Tác giả đã kết luận phương pháp PESA là phương pháp nhanh, hiệu quả, nhẹ nhàng giúp chẩn đoán phân biệt không có tinh trùng do tắc nghẽn và không có tinh trùng không do tắc nghẽn [111].

Nilsson (2007) nghiên cứu so sánh tỷ lệ có thai sau chuyển một phôi blastocyte giữa nhóm ICSI bằng tinh trùng từ xuất tinh (587 bệnh nhân), nhóm ICSI bằng tinh trùng từ PESA/TESE (31 bệnh nhân) với nhóm bệnh nhân làm IVF cổ điển (680 bệnh nhân). Kết quả cho tỷ lệ có thai là 41,4% ở nhóm IVF/ICSI; 51,6% ở nhóm TESE-PESA/ICSI và 40,4% ở nhóm IVF cổ điển. Không có sự khác biệt giữa các nhóm [112].

Bromage và cộng sự (2007) nghiên cứu chọc hút tinh trùng từ mào tinh hoặc từ tinh hoàn 106 bệnh nhân nam vô sinh nguyên phát không có tinh trùng đã kết luận những bệnh nhân không có tinh trùng mà kích thước tinh hoàn và nồng độ FSH bình thường thì có khả năng chọc hút được tinh trùng, còn chỉ có dưới 1/3 số bệnh nhân có tinh hoàn bé, FSH tăng cao có thể chọc hút được tinh trùng [113].

Sukcharoen và cộng sự (2002) nghiên cứu mối liên quan giữa độ căng của mào tinh với hiệu quả của phương pháp PESA đã kết luận khi mào tinh căng thì tỷ lệ chọc hút được tinh trùng cao [114].

Marcelli và cộng sự (2008) báo cáo tổng kết chọc hút tinh hoàn 142 trường hợp không có tinh trùng mà trong tiền sử bị tinh hoàn lạc chỗ, kết quả 65% các trường hợp chọc hút có tinh trùng, và nếu kích thước tinh hoàn trên 10ml và nồng độ FSH bình thường thì tỷ lệ này là 75% [115].

Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật chọc hút tinh trùng/tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Các tác giả còn tiếp tục nghiên cứu trữ lạnh mẫu tinh trùng để sử dụng cho lần sau. Jin và cộng sự (2006) đã tiến hành trữ lạnh mẫu tinh trùng sau chọc hút chẩn đoán. Tác giả so sánh kết quả có thai giữa nhóm tinh trùng trữ lạnh/rã đông với nhóm tinh trùng mới chọc hút. Kết quả cho thấy tỷ lệ thụ tinh nhóm tinh trùng trữ lạnh cao hơn so với nhóm tinh trùng tươi (84,05% vs 73,29%, p < 0,05), còn lại tỷ lệ có thai, tỷ lệ làm tổ không khác nhau [116]. Nghiên cứu này tác giả chỉ mới bắt đầu thực hiện trên 27 bệnh nhân và chưa tính được tỷ lệ sống sót sau rã đông.

Mặc dù có nhiều nghiên cứu về vô sinh không có tinh trùng nhưng các nghiên cứu cũng chưa chỉ ra được phương pháp trích xuất tinh trùng nào là tối ưu chính vì vậy Proctor và cộng sự (2010) tiến hành nghiên cứu phân tích gộp so sánh các phương pháp trích xuất tinh trùng để đưa ra khuyến cáo xem nên áp dụng kỹ thuật nào để trích xuất tinh trùng, tuy vậy nghiên cứu này cũng chưa đưa ra được kết luận thỏa đáng. Trong nghiên cứu này tác giả phân tích, so sánh 4 phương pháp PESA, MESA là hai phương pháp lấy tinh trùng từ mào tinh và TESA (hoặc TEFNA), TESE là hai phương pháp lấy tinh trùng từ tinh hoàn. Mặc dù số liệu không đủ để đưa ra được kết luận nhưng tác giả cũng khuyến nghị nên chọn phương pháp đơn giản và ít xâm lấn nhất để trích xuất tinh trùng [4].

Tại Việt nam Hồ Mạnh Tường và cộng sự báo cáo kết quả thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp ICSI cho 37 cặp vợ chồng vô sinh do tinh trùng yếu, kết quả có thai lâm sàng là 37,1% [117]. Ngoài ra, tại Việt nam còn một số báo cáo về tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với các trường hợp mẫu tinh trùng yếu, ít và bất thường.

Tuy nhiên các nghiên cứu này chưa có tính chất hệ thống và với cỡ mẫu nhỏ, phương pháp nghiên cứu chưa chặt chẽ. Chính vì vậy chúng tôi thiết kế nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hiệu quả của phương pháp PESA/ICSI.

Chương 2

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiệu quả phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn bằng tinh trùng lấy từ mào tinh trong điều trị vô sinh (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(133 trang)
w