Đối tượng bị tác động trong giai đoạn thi công xây dựng cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG Nhà máy chế biến tôm Minh Phú – Hậu Giang (Trang 64)

4. Tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường

3.1.1.3. Đối tượng bị tác động trong giai đoạn thi công xây dựng cơ sở hạ tầng

Qua việc nhận định các nguồn gây tác động trong giai đoạn thi công xây dựng cơ sở hạ tầng cho thấy các đối tượng có thể bị tác động trong giai đoạn này như sau:

a. Đối tượng tự nhiên a.1. Môi trường không khí

Tác động do ô nhiễm bụi

Bụi phát tán từ mặt đất do hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng ra vào công trình được xem là một trong những tác động chính gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh khu vực thực hiện dự án, nếu không có biện pháp quản lý, xử lý bụi hơp lý sẽ gây nên những tác động như sau:

- Môi trường không khí chứa nhiều bụi sẽ gây các tác động xấu đến sức khỏe con người. Mũi người chỉ có khả năng giữ lại một phần lớn bụi với bụi có đường kính > 10µm, còn bụi nhỏ hơn sẽ đi vào phổi tích tụ lại làm viêm loét niêm mạc, thành khí quản tạo nên các bệnh bụi phổi hay những chứng bệnh ngoài da.

- Ngoài ra, bụi bám trên lá cây làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, gây ức chế đến quá trình trao đổi chất của thực vật. Bụi cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

=>Nhận xét, đánh giá

Theo kết quả tính toán cho thấy tải lượng bụi phát sinh trong giai đoạn xây dựng vào khoảng 65 tấn. Đây là nguồn tác động mang tính tạm thời (chỉ xảy ra trong giai đoạn xây dựng) và trong điều kiện nóng nắng, gió to. Tuy nhiên, việc kiếm soát phát sinh bụi trong giai đoạn xây dựng sẽ được chủ dự án cùng đơn vị thi công sẽ đặc biệt quan tâm và trình bày biện pháp giảm thiểu tại Chương 4.

Tác động do tiếng ồn

Tiếng ồn, rung từ hoạt động của máy móc, thiết bị thi công tại công trường hay từ phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng sẽ gây nên những tác động xấu đến sức khỏe con người, các công trình kiến trúc ...

Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tiếng ồn phát sinh nơi làm việc được giới hạn tối đa như sau:

Bảng 3.7: Tiêu chuẩn tiếng ồn nơi làm việc của Bộ Y tế

TT Thời gian tiếp xúc Mức ồn cho phép (dBA)

1 8 giờ ≤ 85 2 4 giờ ≤ 90 3 2 giờ ≤ 95 4 1 giờ ≤ 100 5 30 phút ≤ 105 5 15 phút ≤ 110 6 < 15 phút ≤ 115 7 8 giờ ≤ 85

Do vậy, khi làm việc trong môi trường có tiếng ồn vượt mức quy định sẽ gây nên những tác động như sau:

Bảng 3.8: Tác động của tiếng ồn có cường độ cao đối với sức khỏe con người

TT Mức ồn (dBA) Tác dụng lên người nghe

1 0 Ngưỡng nghe thấy

2 100 Bắt đầu làm biến đổi nhịp tim 3 110 Kích thích mạnh màng nhĩ

4 120 Ngưỡng chói tai

5 130 ÷ 135 Gây bệnh thần kinh, nôn mửa làm yếu xúc giác và cơ bắp 6 140 Đau chói tai, gây bệnh mất trí, điên

7 150 Nếu nghe lâu sẽ thủng màng tai 8 160 Nếu nghe lâu sẽ nguy hiểm

9 190 Chỉ nghe trong thời gian ngắn đã nguy hiểm

(Nguồn: Phạm Ngọc Đăng, 2003)

- Cơ quan thính giác của con người có một khả năng chịu đựng sự tác động của tiếng ồn và có khả năng phục hồi lại độ nhạy cảm rất nhanh. Sự thích nghi của tai người cũng có một giới hạn nhất định.

- Khi tiếng ồn được lập lại nhiều lần, thính giác không có khả năng phục hồi hoàn toàn về trạng thái bình thường. Sau một thời gian dài sẽ sinh ra các bệnh lý như bệnh nặng tai và điếc.

=>Nhận xét

Theo kết quả tính toán mức ồn phát sinh trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng cho thấy mức ồn tại khoảng cách 1 mét so với nguồn phát sinh ồn đều vượt tiêu chuẩn quy định và giá trị mức ồn giảm dần theo khoảng cách. Mức ồn cách nguồn phát sinh khoảng 10 mét sẽ đảm bảo an toàn.

Mặc khác, xung quanh khu vực thực hiện dự án với bán kính hơn 200m hiện không có công trình kiến trúc cao tầng cũng như các khu dân cư, khu di tích nên tác động từ tiếng ồn, rung tại công trường chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, công nhân lao động làm việc tại công trình là những người bị ảnh hưởng trực tiếp, đây là đối tượng sẽ được chủ dự án và đơn vị thi công xây dựng quan tâm để đưa ra những biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn thi công xây dựng.

Tác động do khí thải từ phương tiện, máy móc thiết bị tại công trường

Theo phân tích nguồn phát sinh các khí độc (COx, SOx, NOx, VOC) là những khí chính có trong khí thải từ hoạt động đốt dầu DO của các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng hay máy móc, thiết bị làm việc tại công trình, các thành phần ô nhiễm này nếu không có biện pháp quản lý tốt sẽ gây nên những tác động như sau:

- Tác động của carbon oxit (COx)

CO là một chất khí không mùi, không màu và có tỷ trọng gần bằng tỷ trọng của không khí (1,25g/l ở điều kiện chuẩn), CO có độ hòa tan trong nước kém. Đây là một khí độc, phần lớn tác động lên động vật máu nóng. Vì vậy, là chất độc cho con người ở nồng độ cao CO gây thay đổi sinh lý và có thể gây chết người (ở nồng độ > 750ppm). Thực vật tiếp xúc ở nồng độ cao (100 - 1.000 ppm) sẽ bị rụng lá, xoắn quăn, cây non chết yểu (Đặng Kim Chi, 1998).

Mặt khác, theo Lê Huy Bá (2006), sự hiện diện CO trong không khí ở nồng độ cao sẽ là tác nhân gây tác hại đến sức khỏe con người và động vật máu nóng. Người và động vật có thể chết đột ngột khi tiếp xúc hít thở khí CO, do nó tác dụng mạnh với hemoglobin (Hb) mạnh gấp 250 lần so với oxy. Các triệu chứng bệnh xuất hiện tương ứng với các nồng độ CO và mức Hb.CO trong máu như sau:

Bảng 3.9: Mức độ gây độc phụ thuộc nồng độ Hp.CO trong máu

Nồng độ CO trong không khí (ppm)

Nồng độ Hb.CO trong

máu (phần đơn vị) Mức gây độc

50 0,07 Nhiễm độc nhẹ

100 0,12 Nhiễm độc vừa và chóng mặt

250 0,25 Nhiễm độc nặng và chóng mặt

500 0,45 Buồn nôn, nôn, trụy tim mạch

1.000 0,60 Hôn mê

10.000 0,95 Tử vong

(Nguồn: Lê Huy Bá, 2006)

- Tác động của nitơ oxit (NOx)

Sự hiện diện của NO và NO2 có thể gây ra hiện tượng khói quang học. Khí NO2 có thể hấp thụ phần lớn các bức xạ nhìn thấy làm giảm khả năng nhìn trong cả lúc trời ít mây và ít các hạt lơ lửng, NO2 gây nguy hiểm cho sức khỏe ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Ở nồng độ 0,06ppm, nếu tiếp xúc lâu dài sẽ gây ra bệnh phổi.

Là một chất khí màu nâu nhạt, mùi của nó có thể được bắt đầu phát hiện ở nồng độ 0,12ppm. Khi tiếp xúc với niêm mạc, tạo thành axit qua đường hô hấp hoặc hòa tan vào nước bọt vào đường tiêu hóa, sau đó vào máu. Trong không khí NO2 kết hợp với hơi nước tạo thành axit HNO3 theo mưa rơi xuống đất tạo thành mưa axit gây hại cho mùa màng, cây cối, nhà cửa.

Bảng 3.10: Tác hại của NO2 đối với người và động vật

STT Nồng độ (ppm) Tác hại

01 100 Có thể làm chết người và động vật khi tiếp xúc vài phút 02 5 Có thể gây tác hại bộ máy hô hấp sau vài phút tiếp xúc 03 15-50 Gây nguy hiểm cho tim, phổi, gan sau vài giờ tiếp xúc 04 0,06 Có thể gây bệnh phổi nếu tiếp xúc lâu dài

(Nguồn: Lê Huy Bá, 2006)

- Tác động của sunfua oxit (SOx)

SO2 vào cơ thể qua đường hô hấp và tiếp xúc với niêm mạc ẩm ướt nên hình thành nhanh chóng các axit, do dễ tan trong nước nên SO2 sau khi hít thở vào sẽ phân tán trong máu tuần hoàn.

Bảng 3.11: Tác hại của SO2 đối với con người và động vật

STT Nồng độ ô nhiễm Ảnh hưởng

01 30-20mg SO2/m3 Giới hạn của độc tính

02 50mg SO2/m3 Kích thích đường hô hấp, ho

03 260 - 130mg SO2/m3 Liều nguy hiểm sau khi hít thở (30 – 60 phút) 04 1300 - 1000mg SO2/m3 Liều gây chết nhanh (30 – 60phút)

(Nguồn: Lê Huy Bá, 2006)

Độc tính chung của SO2 là rối loạn chuyển hoá protein và đường, thiếu vitamin B và C, ức chế enzym oxydaza. Hấp thụ lượng lớn SO2 có khả năng gây bệnh cho hệ tạo huyết và tạo ra methemoglobin tăng cường quá trình oxy hoá Fe2+ thành Fe3+.

Đối với thực vật: đối với thực vật, SO2 có tác hại đến sự sinh trưởng của rau quả. Nồng độ SO2 chỉ độ 0,03ppm đã gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của rau quả. Đối với các loại thực vật nhạy cảm, giới hạn gây độc kinh niên khoảng 0,15 – 0,30 ppm. Nhạy cảm nhất đối với SO2 là các thực vật bậc thấp rêu, địa y. Ở nồng độ thấp nhưng với thời gian kéo dài một số ngày sẽ làm lá úa vàng và rụng. Khi nồng độ SO2 trong không khí khoảng 1-2ppm có thể gây chấn thương đối với lá cây sau vài giờ tiếp xúc. Ở nồng độ cao thì trong một thời gian ngắn đã làm rụng lá và gây bệnh chết hoại đối với thực vật.

SO2 là chất chủ yếu của mưa axit. Mưa axit làm tổn thương lá cây, trở ngại quá trình quang hợp, làm cho lá cây bị vàng úa và rụng, phá hoại các tổ chức bên trong, khiến cho cây trồng mọc khó khăn. Mưa axit còn cản trở sự sinh trưởng của bộ rễ làm suy giảm khả năng chống bệnh và sâu hại của cây. Mưa axit làm axit hoá đất, giải phóng các ion kim loại gây độc cho thực vật.

Đối với vật liệu: sự có mặt của các khí axit trong không khí ẩm làm tăng cường quá trình ăn mòn kim loại, phá huỷ vật liệu bê tông, và các công trình xây dựng, nhà cửa.

Đối với khí hậu khu vực: sự tích luỹ SO2, NO2 trong khí quyển dẫn đến axit hoá nước mưa. Khí SO2 là tác nhân chính gây nên hiện tượng mưa axit đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Sự lan truyền chất ô nhiễm khí axit diễn ra trên quy mô rộng lớn, không biên giới nhưng trong khu vực có nguồn thải SO2 lớn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp. Do vậy, quá trình công nghệ có sử dụng nhiên liệu dù quy mô nhỏ chưa gây ô nhiễm một cách trực tiếp cũng gián tiếp góp phần làm ô nhiễm tầng khí quyển. Mưa axit sẽ gây thiệt hại tài nguyên sinh học trong khu vực.

- Tác động của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)

Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong thành phần có chứa cacbon hữu cơ rất dễ bay hơi, bao gồm một số chất thông dụng như axeton, benzen, ethylaxetat, buthylaxetat … chúng ít gây độc mãn tính mà chủ yếu gây độc cấp tính như chóng mặt, say nôn, sung mắt, co giật, ngạt, viêm phổi. Một số ít chất có khả năng gây độc mãn tính thì lại tạo ra ung thư máu, bệnh thần kinh.

Nguồn phát sinh VOC do đốt không triệt xăng dầu, các dung môi tự bay hơi, từ quá trính sơn … Nhìn chung, xăng dầu và sơn là hai thứ phát sinh nhiều VOC nhất.

- Tác động của chì (Pb)

Trong suốt thế kỷ qua, một loạt các nghiên cứu về lâm sàng, dịch tễ và các độc tố đã tiếp tục xác định bản chất của độc tố chì và nhận ra rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương trầm trọng nhất và người ta cũng đã điều tra nghiên cứu cơ chế hoạt động của độc tố chì. Tóm lại, chì có ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong cơ thể người, nhất là ảnh hưởng đến phát triển hệ thần kinh

a.2. Môi trường nước mặt

Môi trường nước mặt xung quanh khu vực thực hiện dự án (chủ yếu là sông Cái Dầu, sông Hậu) bị ảnh hưởng chủ yếu từ nước mưa chảy tràn có chứa các chất bẩn trên bề mặt công trình, nước thải sinh hoạt của công nhân.

a.2.1. Tác động của nước mưa chảy tràn

Nước mưa chảy tràn qua khu vực thi công dự án cuốn theo đất, cát và các chất hữu cơ rơi vãi ... xuống nguồn nước gây ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt. Nước mưa khi cuốn trôi sẽ mang nhiều đất, cát làm cho hàm lượng cặn tăng cao trong môi trường nước.

Mặt khác, nước mưa chảy tràn qua khu vực vệ sinh máy móc, thiết bị tại công trường có thể sẽ kéo theo dầu mỡ rơi vãi trên mặt đất và làm cho hàm lượng dầu mỡ thải tăng cao trong môi trường nước.

Nước mưa còn có thể bị ô nhiễm khi chảy qua các khu vực sân bãi có chứa các chất thải ô nhiễm như bãi chứa nguyên liệu, khu vực thi công ngoài trời ... Tính chất ô nhiễm của nước mưa trong trường hợp này bị ô nhiễm cơ học (đất, cát, rác), ô nhiễm hữu cơ và dầu mỡ. Vấn đề ô nhiễm nước mưa sẽ kéo theo sự ô nhiễm nguồn nước tại khu vực thực hiện dự án và từ đó gây tác động đến môi trường nước xung quanh.

a.2.2. Tác động do nước thải sinh hoạt

Nước thải sinh hoạt chủ yếu chứa các cặn bã, các chất lơ lững, thành phần hữu cơ dễ phân hủy, vi sinh, thành phần dinh dưỡng khá cao. Mặc khác, trong nước thải sinh hoạt còn có chứa một lượng xà phòng và chất tẩy rửa.

Các thành phần gây ô nhiễm đến môi trường nước trong giai đoạn thi công xây dựng sẽ được đánh giá cụ thể như sau:

Tác động của các chất hữu cơ dễ phân hủy

Các chất hữu cơ dễ phân hủy đó là các hợp chất protein, hydratcacbon, chất béo có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Đây là các chất gây ô nhiễm chính có nhiều trong nước thải sinh hoạt và nước thải từ các ngành chế biến thủy sản, thực phẩm.

Hàm lượng chất hữu cơ trong nước là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng nước trong thủy vực. COD và BOD5 là hai chỉ số dùng để đánh giá hàm lượng chất hữu cơ trong nguồn nước.

Dựa vào chỉ số COD trong nước có thể đánh giá cơ bản mức độ ô nhiễm nước trong thủy vực như sau:

- Nếu COD > 8mg/l : ô nhiễm nhẹ; - Nếu COD: 8 - 30mg/l : ô nhiễm vừa; - Nếu COD >30mg/l : ô nhiễm nặng.

Tác động của các chất hữu cơ có trong nước thải chủ yếu là các chất hữu cơ dễ bị phân hủy bởi vi sinh vật. Sự hiện diện của chất hữu cơ sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển mạnh, gây ra các tác động xấu đến môi trường nước mặt tại khu vực và vùng lân cận do:

- Làm thiếu trầm trọng Oxy hòa tan (DO) trong môi trường nước do vi sinh vật sử dụng để phân hủy các chất hữu cơ, gây ảnh hưởng xấu đến các loài động, thực vật thủy sinh;

- Tạo ra các khí độc do quá trình phân hủy sinh học của vi sinh vật như H2S, NH3 và các mầm móng gây bệnh từ các vi khuẩn lan truyền trong môi trường nước.

Tác động của chất rắn lơ lững

Các chất rắn có trong nước bao gồm:

- Các chất vô cơ: là dạng muối hòa tan hoặc không hòa tan như đất, đá ở dạng huyền phù lơ lững

- Các chất hữu cơ như xác các vi sinh vật, tảo, động vật nguyên sinh, động - thực vật phù du …

Chất rắn ở trong nước làm trở ngại cho việc sử dụng và lưu chuyển nước, làm giảm chất lượng nước sinh hoạt và sản xuất. Chất rắn lơ lững là tác nhân gây ảnh hưởng đến đời sống động thực vật phiêu sinh trong nước, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi ô xy trong nước, làm giảm chất lượng nguồn nước tiếp nhận vì độ đục tăng cao, gây bồi lắng kênh rạch sông ngòi. Cản trở quá trình quang hợp của hệ thực vật

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG Nhà máy chế biến tôm Minh Phú – Hậu Giang (Trang 64)