Giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật.

Một phần của tài liệu Thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006-2020 (Trang 76)

a) Về kinh tế:

3.2.2.2Giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật.

- Cơ sở hạ tầng là một trong hai yếu tố hàng đầu mà các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư. Thực tế cho thấy, địa phương nào có cơ sở hạ tầng yếu kém thì rất khó thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, ngược lại nếu không thu hút được đầu tư thì khả năng cải tạo cơ sở hạ tầng cũng rất hạn chế. Cái vòng luẩn quẩn đó tạo nên tình trạng vùng kinh tế nào phát triển thì ngày càng phát triển, còn vùng nào có cơ sở hạ tầng kém phát triển thì ngày càng tụt hậu. Do đó, việc cải tạo nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng được coi là nhiệm vụ kinh tế xã hội cực kỳ quan trọng của các địa phương. Giải quyết được vấn đề này mới mong thu hút được nhiều vốn đầu tư, đồng thời khai thác được tiềm năng thiên nhiên phong phú còn đang tiềm ẩn trong lòng đất hoặc tại các vùng xa xôi, hiểm trở.

- Như vậy, quy hoạch đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thống nhất, hợp lý, tập trung dứt điểm, không dàn trải, vì như vậy hiệu quả đầu tư sẽ không cao, công trình chậm hoàn thành, khó đưa vào sử dụng. Không phân đều đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện, thị mà phải căn cứ theo quy hoạch phát triển kinh tế của từng huyện, thị.

- Ngoài ra, cần có những ưu đãi rõ ràng, cụ thể về tài chính, tín dụng đối với các hình thức đầu tư như BTO, BT, BOT vào các địa bàn trọng điểm để hình thức này nhanh chóng được các nhà đầu tư triển khai thực hiện, góp phần hỗ trợ vốn đầu tư cho ngân sách. Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất và đặc biệt trong tương lai không xa, chúng ta phải nghĩ tới việc thành lập đặc khu kinh tế để cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng.

Tỉnh cần tập trung vốn đầu tư của nhà nước, huy động vốn đầu tư nước ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta còn phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế.

- Tăng cường công tác quản lý, cải tạo nâng cấp các hệ thống hạ tầng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp đã được quy hoạch và phát triển thêm các cụm công nghiệp mới. Lựa chọn các nhà đầu tư là các doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm chuyên môn để đảm nhiệm việc tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng của mỗi cụm công nghiệp. Đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ bỏ vốn đầu tư và thu hồi lại từ các khoản đóng góp làm hạ tầng của các doanh nghiệp đăng ký thuê đất trong cụm. Hoặc tỉnh ứng vốn trước để đền bù, giải phóng mặt bằng (sẽ thu lại các doanh nghiệp), xây dựng đường trục chính, kêu gọi các doanh nghiệp chuyên ngành cấp điện, cấp nước bỏ vốn đầu tư hạ tầng và cho doanh nghiệp thuê đất trực tiếp của thành phố.

- Sau khi quy hoạch cụm công nghịêp được phê duyệt, cần sớm thực hiện việc công bố công khai về quy hoạch sử dụng đất, tiêu chuẩn, đối tượng doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách ưu đãi…được áp dụng cho cụm công nghiệp.

- Cần phải coi trọng, không thể bỏ qua quy trình thẩm định đánh giá tính khả thi của các dự án, các doanh nghiệp xin thuê đất tại cụm công nghiệp. Tránh tình trạng thành phố tập trung vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉ đạo đền bù giải phóng mặt bằng rất tốn kém nhưng sau đó việc xem xét cấp đất cho các dự án được thực hiện dễ dãi, tuỳ tiện, chưa đúng đối tượng để xảy ra nhiều phức tạp khi không phải tất cả đều là các nhà đầu tư có tiềm năng.

Cần một cơ chế hỗ trợ, tác động từ phía tỉnhở mức độ nào đó để tạo đà và thu hút các nguồn vốn khác cùng tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Như hỗ trợ hơn nữa kinh phí chuẩn bị đầu tư của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: chi phí lập dự án, chi phí lập hồ sơ giao đất, chi phí hành chính cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ứng vốn để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá vật liệu nổ và xây dựng các cơ sở hạ tầng sử dụng chung trong khu, cụm công nghịêp. Bao gồm: đường trục giao thông sử dụng chung, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải trung tâm, hào kỹ thuật để lắp đặt đường cấp điện, nước, điện thoại…, hệ thống cây xanh, tường rào bao quanh khu, cụm công nghiệp. Lựa chọn và quyết định Ban quản lý dự án, các đơn vị có đầy đủ năng lực để tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghịêp để quản lý việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

- Đẩy nhanh đầu tư, xây dựng phát triển lĩnh vực cung cấp dịch vụ cơ bản như: viễn thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, vận tải, nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

- Tỉnh Hưng Yên đang tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai nhanh các công trình trọng điểm: cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng từ Hà Nội về thành phố Hưng Yên và tuyến đê sông Luộc; xây dựng đường nối với cao tốc quốc lộ 5 và quốc lộ 1; nâng cấp đường tỉnh lộ 200 lên cấp 3 đồng bằng. Nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn vào đúng cấp; dự án thoát lũ khẩn cấp sông Điện Biên, sông Đồng Quê -Cửu An; nạo vét, nâng cấp các trục sông, kênh mương đảm bảo giao thông đường thủy và thủy lợi; dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch; Khu Đại học Phố Hiến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; quy hoạch cảng sông Hồng, sông Luộc; quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe phù hợp với xu thế phát triển.

- Xây dựng hệ thống cấp nước tập trung với quy mô phù hợp, khai thác tốt nguồn nước ngầm, đảm bảo 97% hộ đô thị và 87% hộ nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2015, 100% hộ được dùng nước sạch vào năm 2020. Quan tâm xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là thoát nước ở các khu thành phố, thị trấn, thị tứ và các khu, cụm công nghiệp phải tập trung quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm hoàn thành những công trình then chốt theo hướng hiện đại hoá và đồng bộ, nhất là ở những vùng có động lực phát triển. Hoàn thiện mạng lưới giao thong thiết yếu, quốc lộ 38B, quốc lộ 39B và tỉnh lộ 200 theo chuẩn đường cấp ba đồng bằng. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, và đường nối hai tuyến đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua Hưng Yên; xây dựng các đường đấu nối với các trục vành đai Hà Nội..

Một phần của tài liệu Thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006-2020 (Trang 76)