Nhân tố đẩy là những nhân tố mang tính khách quan như chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài tại các nước xuất khẩu vốn. khả năng của nhà đầu tư
nước ngoài, sự thích nghi của công nghệ và sản phẩm, các đối thủ cạnh tranh của địa phương trong việc thu hút FDI…
Chính sách của nước xuất khẩu vốn phụ thuộc vào nền kinh tế của quốc gia đó. Một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP trên đầu người lớn sẽ dẫn đến sự tích lũy vốn tạo sự dư thừa vốn đầu tư của quốc gia đó, do đó, chính phủ sẽ có chính sách thúc đẩy xuất khẩu vốn để đem lại thu nhập lớn hơn cho quốc gia. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ban hành chính sách tăng cường xuất khẩu vốn nhằm giảm bớt cường độ cạnh tranh trên thị trường nội địa. Ngoài ra, chính sách của chính phủ cũng hướng luồng vốn xuất khẩu vào các khu vực khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ chính trị, ngoại giao của quốc gia xuất khẩu vốn với khu vực và quốc gia nhập khẩu vốn.
Khả năng của công ty khi đầu tư. Một công ty khi tham gia kinh doanh quốc tế đòi hỏi phải phải phân tích kĩ lưỡng môi trường bên ngoài và môi trường bên trong doanh nghiệp để từ đó quyết định chiến lược kinh doanh quốc tế, quyết định phương thức thâm nhập thị trường một cách có hiệu quả. Phân tích môi trường bên ngoài giúp công ty chỉ ra được cơ hội và thách thức đối với mình khi kinh doanh quốc tế còn phân tích môi trường bên trong công ty sẽ chỉ ra được điểm mạnh, yếu của mình làm giúp công ty tận dụng cơ hội, giảm bớt thách thức trên thị trường quốc tế (phân tích SWOT). Xem xét khả năng của công ty khi đi đầu tư là xem xét những yếu tố về nguồn lực, kinh nghiệm quản lý và các chức năng tác nghiệp. Những điều này sẽ quyết định công ty có đi đầu tư hay không và đầu tư vào thị trường nào để đạt được lợi nhuận tối ưu với khả năng vốn có của công ty.
Sự thích nghi của sản phẩm và công nghệ của chủ đầu tư đối với thị trường địa phương. Mỗi quốc gia đều có sự khác biệt so với phần còn lại của thế giới, sự khác biệt đó có thể là về văn hóa, trình độ phát triển kinh tế và khoa học công nghệ…Sự khác nhau này sẽ dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm là khác nhau giữa các quốc gia. Các chủ thể kinh doanh quốc tế khi thâm nhập thị trường nước ngoài phải chú ý điểm này, tùy từng thị trường, tùy từng sản phẩm, tùy khả năng của doanh nghiệp mà áp dụng các chiến lược cho hợp lý và có hiệu quả.
Các đối thủ cạnh tranh được hiểu ở đây là các địa phương trong cùng một quốc gia tiếp nhận vốn FDI. Do vốn đầu tư nước ngoài không chịu sự chi phối chính trị như nguồn vốn viện trợ ODA nên các nhà đầu tư sẽ chọn địa điểm đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Những địa phương có điều kiện tự nhiên xã hội thuận lợi, cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển kinh tế là những nhân tố kéo các nhà
đầu tư nước ngoài đến địa phương đó. Nếu hai địa phương lân cận có các đặc điểm tự nhiên xã hội tương đồng thì chính sách khuyến khích đầu tư của địa phương sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.