Kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các địa phương và bài học cho Hưng Yên.

Một phần của tài liệu Thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006-2020 (Trang 29)

học cho Hưng Yên.

* Kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Bình Dương

Bình Dương với diện tích 2.681,1 km2, dân số khoảng 218,6 vạn người, là một tỉnh cửa ngõ phía Bắc của TP Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế phía Nam và Nằm trong vùng KTTĐ Nam Bộ. Tốc độ tăng GDP ổn định, bình quân giai đoạn 2006 – 2010 trên 20%/năm. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm gần 60% GDP.

Thu hút FDI: Tính đến hết tháng 10 năm 2010, tỉnh thu hút thêm 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (gồm 104 dự án mới, vốn 413 triệu USD và 135 dự án bổ sung vốn 536 triệu USD), giảm 61,5% so với năm 2009 và đạt kế hoạch năm, vốn đầu tư bình quân 1 dự án là 4,0 triệu USD thấp hơn hơn 4 lần so với năm 2009 (năm 2009 bình quân 20,4 triệu USD/dự án – dự án khu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội Phú Hưng Long có vốn đầu tư là 1,7 tỷ USD, chiếm 84%). Đến nay, tính đến hết năm 2010 toàn tỉnh có 2.006 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư là 13,7 tỷ USD. Năm 2010, tuy không có nhiều dự án lớn nhưng thu hút FDI tiếp tục phát triển theo hướng tăng nhanh về chất và đa dạng về cơ cấu ngành nghề. Đáng chú ý

là trong nguồn vốn FDI đầu tư năm 2010, có đến 70% số vốn đầu tư vào các KCN của tỉnh. Điều này cho thấy sự chuyển biến hướng rõ rệt theo chủ trương tập trung đầu tư vào các KCN hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhằm phát triển theo hướng bền vững. Đạt được những kết quả trên cho thấy hướng đi đúng đắn của lãnh đạo, cán bộ của tỉnh trong việc định hướng phát triển.

(Báo cáo KT-XH Bình Dương năm 2009 và tháng 10/2010 trên website của tỉnh)

Kinh nghiệm hàng đầu của Bình Dương là cần duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các sở ngành với các nhà đầu tư nhắm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ.

Thứ hai, Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ khu vực phía Nam, nơi nền kinh tế đang phát triển rất năng động, gần TP Hồ Chí Minh với thị trường rộng lớn, chi phí lao động với giá thấp.

Thứ ba, Bình Dương làm tốt công tác xúc tiến đầu tư và kêu gọi đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi tham quan nước ngoài để giới thiệu và thu hút đầu tư trực tiếp vào Bình Dương đồng thời làm tốt marketing địa phương, tỉnh rất tích cực giới thiệu về tỉnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, Bình Dương tập trung ngay việc xây dựng kết câu hạ tầng cho các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư vào tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách thu hút nhân tài và nguồn nhân lực có chất lượng cao về tỉnh, cũng như tập trung phát triển ngành công nghiệp bổ trợ, nên các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào tỉnh đã có các ngành phụ trợ cho họ để tổ chức sản xuất và đi vào hoạt động ngay, tận dụng được cơ hội đầu tư.

* Kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh với diện tích 798 km2, dân số 102,7 vạn người, là một tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống khoa bảng và nền văn hoá lâu đời, mảnh đất trù phú nằm trong vùng KTTĐ Bắc Bộ.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh giai đoạn 2006 – 2010 là: Đẩy mạnh CNH – HĐH theo định hướng XHCN, phát triển kinh tế - xã hội với nhịp độ cao, hiệu quả, bền vững, khai thác mọi nguồn lực và khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp.

Bước vào năm 2009, tỉnh Bắc Ninh với hơn 10 năm tái lập tỉnh, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng: Nhịp độ tăng trưởng kinh tế luôn giữ ở mức độ cao; bình quân mỗi năm tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 13,5% trong đó khu vực nông nghiệp tăng 6%; khu vực công nghiệp xây dựng cơ bản tăng 22%; khu vực dịch vụ tăng 12,5% mỗi năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá: Tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng nhanh từ 23,7% (1997) lên 47,8% (2006) và 64,6% (2010); tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 45% (1997) xuống còn 23,6% (2006) và 11% (2010).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục gia tăng: tính đến hết năm 2009, đã có 194 dự án đã đầu tư vào với tổng vốn đăng ký 2.180,8 triệu USD và chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế biến. Bình quân hàng năm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra khoảng 24,1% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và đóng góp 5,5% GDP cho tỉnh. Đạt được kết quả trên, đó là:

Thứ nhất, Bắc Ninh thực hiện nhất quán đường lối phát triển kinh tế của tỉnh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư, gắn với việc hoàn chỉnh hệ thống luật pháp chính sách trong nước và của tỉnh, việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế,… đã củng cố và làm gia tăng mạnh mẽ lòng tin của các nhà đầu tư.

Thứ hai, Nền kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập và mức sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện sẽ góp phần mở rộng dung lượng thị trường của tỉnh và trong nước.

Thứ ba, Sự ổn định về chính trị - xã hội cùng với sự đảm bảo về an ninh của tỉnh đã làm cho cộng đồng các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư quốc tế đánh giá là địa bàn đầu tư an toàn.

Thứ tư, Cùng với hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài đã được hoàn chỉnh hơn tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ rõ ràng và thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong năm qua tỉnh Bắc Ninh đã liên tục thực hiện các thủ tục hành chính với chủ trương đổi mới, ưu đãi khuyến khích đầu tư, thực hiện cơ chế quản lý “một cửa”, coi mọi khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp là của chính mình và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đó, đảm bảo môi trường đầu tư cởi mở thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Thứ năm, Hoạt động xúc tiến đầu tư đã được triển khai tích cực ở nhiều ngành, nhiều cấp, ở cả trong nước và nước ngoài dưới nhiều hình thức đa dạng, nhằm vào các địa bàn trọng điểm, dự án quan trọng đã thu hút mối quan tâm của các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài, góp phần quảng bá hoạt động đầu tư nước ngoài tại tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương là hai tỉnh tương đối thành công trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự có vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tiền đề, những điều kiện cũng như quyết định bước đi của quá trình công nghiệp hoá của hai tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương.

Rõ ràng, sự phát triển mạnh mẽ của Bắc Ninh, Bình Dương trong những năm gần đây đã cho thấy không phải do cơ chế, chính sách riêng mà là do tỉnh đã linh hoạt vận dụng các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, cụ thể hoá thêm cho phù hợp với điều kiện của tỉnh. Những kinh nghiệm quý báu mà Bắc Ninh, Bình Dương đã và đang thực thi là một bài học cho các tỉnh trong cả nước nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng tham khảo trong quá trình phát triển kinh tế và kêu gọi thu hút đầu tư. Tỉnh Hưng Yên cần tham khảo và áp dụng linh hoạt với điều kiện cụ thể của tỉnh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, Việt Nam đã gia nhập WTO và phải cam kết theo một lộ trình tiến tới xoá bỏ hoàn toàn thuế quan, thực hiện tự do hoá thương mại, đầu tư, trí tuệ. Các công ty xuyên quốc gia trong hoạt động đầu tư luôn muốn chuyển dòng vốn của mình vào các nước là thành viên của WTO. Ảnh hưởng của các công ty này rất lớn đến sự phát triển của kinh tế thế giới, nó là lực lượng phân công lao động quốc tế, đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá sản xuất. Các công ty xuyên quốc gia theo một phương châm kinh doanh “Lấy thế giới làm nhà máy, lấy các nước làm phân xưởng” nhằm thông qua phân công quốc tế tận dụng được ưu thế kỹ thuật, tiền vốn, sức lao động và thị trường của các nước.

Không thể phủ nhận rằng bất kỳ một quốc gia nào khi tham gia vào kinh tế quốc tế đều có thể thu được lợi ích nếu tập trung vào những tương quan thuận lợi hơn của nước mình so với một số quốc gia khác. Tuy nhiên, vốn đầu tư nước ngoài không chỉ ảnh hưởng tích cực mà còn có những ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, Việt Nam không thể đứng ngoài một quá trình chung đang diễn ra khắp toàn cầu, nhưng

chúng ta phải nhận thức rõ vị trí và điều kiện phát triển kinh tế của mình, nhận thức được những cơ hội và thách thức đặt ra trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Nghiên cứu, tìm kiếm, đánh giá những thế mạnh, điểm yếu của mình để đề ra những chính sách thu hút FDI phù hợp cho cả nước nói chung và cho từng địa phương nói riêng.

Qua kinh nghiệm của các tỉnh trong nước, Hưng Yên có thể vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm đó và có những nhận định cho phù hợp với điều kiện của tỉnh. Phát huy triệt để lợi thế so sánh về địa lý của tỉnh thông qua việc phối kết hợp với các tỉnh lân cận; xây dựng các khu công nghiệp tập trung gắn với quy hoạch phát triển kinh tế cũng như quy hoạch lãnh thổ của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Có thể nói rằng luôn lắng nghe và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư là điều hết sức cần thiết để tranh thủ tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho sự đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh.

CHƯƠNG II

Một phần của tài liệu Thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006-2020 (Trang 29)