Khái niệm vốn đầu tư

Một phần của tài liệu Vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế ở tỉnh Phú Thọ (Trang 27)

Vốn là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang có nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khả năng đáp ứng vốn đầu tư chưa tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế do tích lũy vốn từ nội bộ nền kinh tế quốc dân thấp, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn hạn hẹp … Vì vậy việc nhận thức và vận dụng đúng đắn phạm trù về vốn đầu tư sẽ là tiền đề thúc đẩy khai thác có hiệu quả tiềm năng vốn cho đầu tư phát triển kinh tế nói chung, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nói riêng trong xu thế hội nhập và phát triển.

Vốn là một phạm trù kinh tế, đã được lý thuyết kinh tế chính trị học từ trường phái cổ điển đến hiện đại đề cập đến dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau và đã có nhiều những quan niệm khác nhau về vốn, các nhà kinh tế học trước C.Mác cho rằng, vốn là một phạm trù kinh tế được thông qua phạm trù tư bản. Còn khi nghiên cứu sự chuyển hóa của tiền thành tư bản, C.Mác khẳng định: “Như vậy giá trị ứng ra lúc đầu không những được bảo toàn trong lưu thông, mà còn thay đổi đại lượng của nó, còn cộng thêm một giá trị thặng dư, hay đã tự thêm giá trị. Chính sự vận động ấy nó biến thành tư bản” [23, tr.228].

- Như vậy, C.Mác đã vạch rõ bản chất và chức năng của tư bản (vốn) trong phát triển kinh tế. Bản chất của tư bản là giá trị, chức năng của tư bản là sinh lời, nhưng để giá trị trở thành tư bản là tư bản sinh lời phải trải qua sự vận động, tức là tư bản phải có mặt trong lưu thông, tham gia vào quá trình sản xuất, thông qua sự vận động, tư bản sinh sôi nảy nở và lớn lên không ngừng.

- Trong điều kiện kinh tế quốc tế ngày càng phát triển, vốn không chỉ là yếu tố cần thiết đối với quá trình sản xuất của các nước phát triển mà là yếu tố quan trọng của tất cả các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Cho nên, phạm trù về vốn luôn được các nhà kinh tế học nghiên cứu và tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau:

Dưới góc độ tài chính-tiền tệ: “vốn là tổng số tiền biểu hiện nguồn gốc hình thành của tài sản được đầu tư trong kinh doanh để tạo ra thu nhập và lợi tức” [23, tr.29].

Dưới góc độ tài sản: “vốn là những tài sản có khả năng tạo ra thu nhập và bản thân nó cũng được cái khác tạo ra” [5, tr.56].

Nếu xét dưới góc độ nhân tố đầu vào, “vốn là một trong ba yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất (lao động, đất đai, vốn).Vốn bao gồm các sản phẩm lâu bền được chế tạo để phục vụ sản xuất (Máy móc, công cụ, thiết bị, nhà cửa, kho lưu trữ thành phẩm hoặc bán thành phẩm)” [18, tr.300].

Và theo: “Từ điển tiếng Việt” của viện ngôn ngữ học, “vốn là tiền của bỏ ra lúc đầu, dùng trong sản xuất kinh doanh, nhằm mục tiêu sinh lợi” [39, tr.1126].

Vậy, vốn có thể là tiền, hay tài sản được giá trị hóa. Nhưng với tư cách là vốn thì tiền hay tài sản phải được đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra hàng hóa, dịch vụ nhằm mục tiêu có thu nhập trong tương lai, nghĩa là vốn luôn gắn với sự vận động và đảm nhiệm chức năng sinh lời.

Để hiểu rõ hơn bản chất của vốn để từ đó có biện pháp đúng đắn khi huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển một cách có hiệu quả, cần nhận thức sâu sắc những vấn đề sau đây:

Một là, hình thức biểu hiện của vốn.

+ Xét về mặt trừu tượng, vốn là hình thái giá trị, có nghĩa giá trị đó được ứng ra để chuyển hóa nó thành các yếu tố cấu thành quá trình sản xuất, trải qua quá trình sản xuất, giá trị lớn lên không ngừng.

+ Xét về mặt cụ thể, vốn được biểu hiện rất phong phú, đa dạng, bao gồm: tài sản hữu hình, tài sản vô hình và tài sản tài chính. Những tài sản này

tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm hang hóa, dịch vụ, đồng thờ làm tăng giá trị. Có thể biểu hiện một cách đơn giản, vốn là giá trị thực của tài sản hữu hình, tài sản vô hình và tài sản tài chính đưa vào đầu tư để tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm mục tiêu lợi nhuận.

- Tài sản hữu hình là những tài sản tồn tại dưới dạng cụ thể của vật chất bao gồm: nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ, nguyên nhiên vật liệu, bán thành phẩm, trụ sở, văn phòng, trang thiết bị nội thất, phương tiện đi lại…

- Tài sản vô hình là những tài sản không tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể, bao gồm những sản phẩm của trí tuệ như: bằng phát minh, sáng chế, bản quyền, thương hiệu sản phẩm, uy tín, vị trí kinh doanh, chi phí đào tạo nguồn nhân lực…

- Tài sản tài chính bao gồm tiền mặt hay các chứng chỉ có giá ( cổ phiếu, trái phiếu, giấy ghi nợ …), có thể gọi chung là tiền, nhưng không phải tất cả đều là vốn, tiền là hình thái cụ thể của của vốn. Tiền được coi là vốn khi và chỉ khi tiền đại diện cho một lượng giá trị hàng hóa, dịch vụ, hay tài sản nhất định, được ném vào lưu thông hoặc tham gia trực tiếp vào sản xuất kinh doanh để kiếm lời.

Trên thực tế vốn được vận động trải qua ba hình thức:

T - H (TLSX + SLĐ) …SX … H’ - T’: đây là hình thức vận động của vốn trong các doanh nghiệp sản xuất. Xét theo nghĩa rộng, thực chất đó cũng chính là mô hình tái sản xuất xã hội nói chung.

T - H - T’: đây là hình thức vận động của vốn trong các doanh nghiệp thương mại dịch vụ.

T - T’: đây là hình thức vận động của vốn trong các tổ chức tài chính trung gian.

Trong đó:

T: là lượng tiền ứng ra để đầu tư phát triển.

H’: hàng hóa thu được sau quá trình sản xuất - kinh doanh.

T’: lượng tiền thu được khi kết thúc chu kỳ kinh doanh { T’>T và T’= T+∆t (∆t là lượng giá trị tăng thêm)}.

Nhưng với hình thái giá trị - tiền tệ, vốn là yếu tố linh hoạt, biến hóa nhất trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi chủ thể kinh doanh đều có thể sử dụng một hay nhiều phương thức đầu tư vốn theo các mô hình vận động của vốn như đã nêu ở trên và nhằm mục tiêu lợi nhuận. Sự vận động của vốn trên thị trường tuân thủ quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Song, với khả năng nhận thức của mình con người có thể nắm bắt, vận dụng quy luật đó để tạo nhiều biện pháp huy động vốn một cách có hiệu quả, đáp ứng được mục đích sản xuất kinh doanh của mình.

Hai là, vốn là hàng hóa đặc biệt.

Với tư cách là hàng hóa, vốn có hai thuộc tính đó là giá trị và giá trị sử dụng, có chủ sở hữu và là một trong những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, vốn được coi là hàng hóa, do đó muốn phát triển sản xuất - kinh doanh đòi hỏi phải có vốn đầu tư. Cho nên, vốn được xem như là đối tượng trao đổi, mua bán trên thị trường và cũng do quan hệ cung-cầu trên thị trường vốn quyết định.

Khác với hành hóa thông thường vốn là hàng hóa đặc biệt bởi nó có khả năng sinh lời. Tức là chủ sở hữu sẽ nhận được được một khoản lợi tức (giá bán hay lãi suất quyền sử dụng vốn) khi bán quyền sử dụng vốn cho người mua (các nhà đầu tư). Các nhà đầu tư khi mua quyền sử dụng vốn phải bỏ ra một khoản chi phí (giá mua quyền sử dụng vốn) trả cho chủ sở hữu và nhận về mình quyền sử dụng vốn. Do tách rời giữa quyền sử dụng vốn và quyền sở hữu vốn làm cho vốn trở nên linh hoạt hơn trong lưu thông và sinh lời. Tức là nhờ có sự tách rời giữa quyền sở hữu vốn và quyền sử dụng vốn mà khi sử dụng chúng trong hoạt động đầu tư, vốn không những không mất đi giá trị và giá trị sử dụng mà còn được bảo toàn và tăng lên. Điều này đã được C.Mác chỉ rõ: “Hàng hóa tư bản có đặc tính là: khi giá trị của nó được đem tiêu

dùng đi, hàng hóa-tư bản không những giữ được giá trị và giá trị sử dụng của nó, mà còn làm cho giá trị và giá trị sử dụng của nó tăng thêm nữa”[23, tr.537].

Ba là, vốn có mối quan hệ mật thiết với thời gian.

C.Mác viết: Tiền không chỉ được đem nhượng lại với hai điều kiện, một là, nó sẽ quay về điểm xuất phát sau một kỳ hạn nhất định, và hai là, nó sẽ quay trở về điểm đó với tư cách là tư bản đã thực hiện, nghĩa là sau khi đã thực hiện được các giá trị sử dụng của nó, thực hiện được các khả năng của nó là sản xuất ra giá trị thặng dư [23, tr.525].

Vậy là chủ sở hữu vốn nhượng lại quyền sử dụng vốn cho nhà đầu tư trong một khoảng thời gian xác định. Và sau khi vốn trải qua chu kỳ vận động, nó lại quay về tay chủ sở hữu với một giá trị lớn hơn. Lượng giá trị lớn hơn đó là lợi tức của chủ sở hữu vốn vay hay lãi suất phải trả của nhà đầu tư khi sử dụng vốn.

Sự vận động ấy tạo nên dòng chảy không ngừng của vốn trong nền kinh tế thị trường. Khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh các nhà đầu tư luôn chú ý tới yếu tố thời gian (thời gian ngắn hay dài). Không một nhà đầu tư nào khi xác định hiệu quả đầu tư lại không đưa toàn bộ chi phí và thu nhập về cùng một thời điểm để so sánh, tính toán các chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ suất doanh lợi/ vốn, tỷ suất doanh lợi/ doanh thu, vòng quay của đồng vốn... Chính vì vậy mà vốn luôn có giá trị về mặt thời gian.

Một phần của tài liệu Vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế ở tỉnh Phú Thọ (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)