2. BẢO TỒN LOÀI
2.3. Công cụ bảo tồn loài
2.3.1. Bảo tồn loài bằng pháp chế.
* Các bộ luật quốc gia
Nhiều bộ luật quốc gia đã nhằm cụ thể vào việc bảo tồn loài. Ví dụ Luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng do Quốc hội Mỹ thông qua năm 1973 nhằm “cung cấp một phương tiện mà nhờ đó các hệ sinh thái, nơi mà có các loài đang bị đe doạ và đang có nguy cơ tuyệt chủng, sẽ được bảo tồn và cung cấp một chương trình để bảo tồn các loài đó”. Bộ luật này đã cung cấp một cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ một số loài động vật quan trọng nhất tại nước Mỹ như gấu xám Bắc Mỹ, đại bàng trắng, sếu và sói xám. Kết quả là năm 1994 loài đại bàng trắng Bắc Mỹ đã chuyển từ cấp có nguy cơ tuyệt chủng sang cấp ít nguy hiểm hơn là “bị đe doạ” vì số lượng cá thể của chúng tăng từ 400 đôi vào năm 1960 lên tới 4000 đôi như hiện nay.
* Các thoả thuận quốc tế
Việc bảo tồn đa dạng sinh học cần phải được giải quyết ở mọi cấp độ khác nhau trong chính phủ của từng quốc gia và giữa các chính phủ. Trong khi các cơ chế kiểm soát chính hiện có chủ yếu là dựa vào từng quốc gia riêng biệt thì các thoả thuận quốc tế đang ngày càng được sử dụng nhiều trong bảo vệ các loài và nơi cư trú. Hợp tác quốc tế là một điều kiện tiên quyết vì các lý do khac nhau:
- Các loài thường di chuyển qua các biên giới. ví dụ các hoạt động boả tồn chim di cư ở phía Bắc Châu Âu sẽ không thành công nếu như nơi cư trú qua mùa đông của chim ở Châu Âu bị phá huỷ.
- Việc buôn bán quốc tế có thể gây nên hậu quả làm suy giảm đa dạng sinh học do khai thác quá mức phục vụ cho thương mại quốc tế.
- Lợi ich của đa dạng sinh học là có tầm quan trọng quốc tế. - Các vấn đề có tính chất toàn cầu như ô nhiễm môi trường,..
Hiệp ước quan trọng nhất trong việc bảo vệ các loài ở qui mô quốc tế là Công ước về buôn bán các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng (CITES, Convention on International Trade in Endangered Species) được ra đời năm 1973 cùng với sự ra đời của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNDP). Công ước này hiện có 120 nước tham gia. Công ước CITES đưa ra một danh sách các loài được kiểm soát trong việc buôn bán quốc tế; các quốc gia thành viên đồng ý hạn chế buôn bán và khai thác có tính hủy diệt các loài này. Phụ lục I của của Công ước liệt kê 675 loài động vật và thực vật bị cấm buôn bán hoàn toàn.
Một hiệp ước quốc tế quan trọng khác là Công ước về bảo vệ các loài động vật di cư, ký năm 1979, mà trọng tâm là các loài chim di cư. Công ước này là một phần bổ sung quan trọng cho Công ước CITES vì nó đa khuyến khích các nỗ lực quốc tế bảo tồn các loài chim di cư xuyên biên giới cũng như đa nhấn mạnh các cách tiếp cận trong việc nghiên cứu, quản lý và kiểm soát săn bắn.
Còn có các thỏa thuận quốc tế khác nhằm bảo vệ các loài sinh vật, đó là: + Công ước về Bảo tồn các loài sinh vật biển vùng Nam Cực
+ Công ước Quốc tế về kiểm soát cá voi
+ Công ước Quốc tế về bảo vệ các loài chim và Công ước Benelux về việc săn bắn và bảo vệ các loài chim
+ Công ước bảo tồn đa dạng sinh học
Nhược điểm của các hiệp ước quốc tế này là sự tham gia tự nguyện; các quốc gia có thể rút lui khỏi công ước để theo đuổi các lợi ích riêng của họ khi cảm thấy các điều kiện phải tuân thủ là quá khó khăn.
2.3.2. Bảo tồn loài bằng công cụ kỹ thuật
Trong công tác bảo tồn loài có thể dùng các công cụ kỹ thuật như quy hoạch môi trường, GIS hoặc viễn thám. Đây là những công cụ được ứng dụng rộng rãi trong công tác điều tra, quy hoạch môi trường nói chung cũng như trong công tác điều tra quy hoạch các vùng sinh thái nói riêng được xác định có tính đa dạng sinh học cao.