1.1. Mất và phá huỷ nơi cư trú
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm loài, quần thể và hệ sinh thái. Cuộc sống của các loài sinh vật luôn gắn liền với nơi cư trú. Nơi cư trú bị phá hủy sẽ dẫn đến Đa dạng sinh học bị suy thoái. Tại Châu Á nhiệt đới, 65% nơi cư trú đã bị mất là các cánh rừng tự nhiên. Tốc độ phá rừng đặc biệt lớn tại các nước như: Philipin, Bangladet, Sri Lanka, Việt Nam, Ấn Độ, vùng tiểu Sahara, các nước Châu Phi…đã làm mất nơi cư trú của các loài động thực vật hoang dã.
Rừng mưa nhiệt đới chiếm khoảng 7% diện tích bề mặt trái đất, nhưng ước tính ở đó sinh sống trên 50% tổng số loài sinh vật của trái đất. Theo số liệu phân tích vào năm 1982 diện tích rừng mưa nhiệt đới vào khoảng 9,5 triệu km2. Đến năm 1985 còn lại 8,5 triệu km2. Hiện nay cứ mỗi năm chúng ta lại mất đi khoảng 180.000km2, trong đó 80.000km2 bị mất hoàn toàn và 100.000km2 bị suy thoái trầm trọng.
Với tố độ như hiện nay theo dự báo của các nhà khoa học thì tới năm 2040 chỉ còn lại một phần rất nhỏ của rừng mưa nhiệt đới nguyên vẹn. Rừng tự nhiên của Việt Nam phần lớn là rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, là nơi ở lý tưởng của nhiều loài động vật cũng đã bị suy thoái trầm trọng.
Theo đánh giá của Viện Điều tra quy hoạch rừng, nước ta chỉ còn 4% rừng nguyên sinh tập trung ở vùng Bắc Trường Sơn và Tây Nguyên. Có thể nói, đây là nơi cư trú cuối cùng của các loài sinh vật đặc hữu và quý hiếm ở Việt Nam.
Phá rừng không chỉ gây tổn thất đến sản xuất mà còn dẫn đến mất cân bằng sinh thái và mất tính đa dạng sinh học. Điều lo lắng nhất là các khu rừng nhiệt đới đang mất dần với tốc độ đe dọa khoảng 2% mỗi năm. Việc khai thác gỗ, khai hoang để phát triển trồng trọt và chăn nuôi không phải là cách sử dụng có lợi nhất về kinh tế ở các khu rừng nhiệt đới. Nguyên nhân của sự phá rừng nhiệt đới không chỉ do sự tăng trưởng dân số nhanh và sự nghèo khổ mà quan
trọng là còn do thị trường và chính quyền địa phương có khuynh hướng chỉ đơn thuần thừa nhận giá trị kinh tế của rừng mà chưa biết đến giá trị quan trọng bảo vệ cân bằng sinh thái của rừng.
Bảng 3.1. Diễn biến diện tích rừng Việt Nam và hậu quả
TT Loại rừng chủ yếu Diễn biến diện tích Hậu quả
1980 1990 1998
1 Rừng lá rộng thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới trữ lượng giàu
617,2 834,2 221,4 Diện tích giảm nhanh, cấu trúc hệ sinh tháibị phá vỡ, nơi ở của các loài động vật bị xáo trộn
2 Rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trữ lượng nghèo
1.715 1.382,4 1.647,2
3 Rừng lá kim 81,3 66,5 36,8
4 Rừng rụng lá 1.202 935 632,8
5 Rừng ngập mặn ven biển 34,2 9,8 2,3
[Nguồn: Chương trình kiểm kê đánh giá rừng theo định kỳ Viện Điều tra quy hoạch rừng, 1998].
1.2. Sự thay đổi trong thành phần hệ sinh thái
Chẳng hạn như mất hoặc suy giảm của một loài có thể dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học. Ví dụ, nỗ lực loại trừ chó sói châu Mỹ ở miền nam California dẫn đến viêck giảm sút các quần thể chim hót trong vùng. Khi quần thể chó sói châu Mỹ giảm sút, quần thể con mồi của chúng, gấu trúc Mỹ, sẽ tăng lên. Do gấu trúc Mỹ ăn trứng chim, nên khi số lượng chó sói ít hơn thì số lượng gấu trúc ăn trứng chim lại nhiều lên, kết quả là số lượng chim hót sẽ ít đi .
1.3. Sự nhập nội các loài ngoại lai
Sự nhập nội của các loài ngoại lai, đặc biệt là các loài ngoại lai xâm lấn có thể phá vỡ toàn bộ hệ sinh tháivà ảnh hưởng đến các quần thể động vật hoặc thực vật bản địa . Những kẻ xâm chiếm này có thể ảnh hưởng bất lợi cho các loài bản địa do quá trình sử dụng các loài bản địa làm thức ăn, làm nhiễm độc chúng, cạnh tranh với chúng hoặc giao phối với chúng.
Do động vật có khả năng phát tán (bị động, chủ động) và sự hình thành và biến mất của các chướng ngại đã dẫn tới sự thay đổi vùng phân bố của loài. Khi những cá thể phát tán đến lãnh thổ mới phải có khả năng sống được ở đấy thì ranh giới vùng phân bố mới được thay đổi.
Ví dụ loài người đã mang 44 loài thú từ Châu Âu sang Tân Tây Lan và 4 loài khác mang đến ngẫu nhiên thì chỉ có 22 loài sinh tồn được.
Khi một loài động vật nào đến vùng phân bố mới, nếu khả năng sinh thái cao, cao hơn các loài địa phương thì loài động vật mới đến sẽ sinh sản nhanh và có khả năng xâm chiếm lấy lãnh thổ mới này. Do đó dồn các loài địa phương lại, làm cho quan hệ giữa các sinh vật trong vùng phân bố mới thay đổi, làm thay đổi thành phần loài, hình thành động vật giới mới. Vì vậy trong động vật giới của bất cứ khu vực nào cũng có thể chia ra hai loại động vật:
- Động vật bản địa (autochtones) là những động vật sinh ra và sống ở địa phương đó.
- Động vật ngoại lai (imigrate) là những động vật từ những nơi khác chuyển đến và sinh sống ở đó.
Vì vậy khi nghiên cứu địa động vật của vùng nào cũng cần phải tìm ra những loài điển hình cho động vật giới nơi đó và những loài trộn lẫn nhau của các vùng động vật giới lân cận và để xác định sự du nhập của các loài ngoại lai.
Con người đã làm thay đổi cơ bản đặc tính phân bố của động vật bằng việc di chuyển và phát tán các loài trên phạm vi toàn cầu. Những loài thích nghi với điều kiện mới có khả năng phát triển mạnh và lấn át những loài bản địa được gọi là những loài xâm lấn.
Hiện nay những loài sinh vật lạ xâm lấn là mối đe doạ nghiêm trọng đối với các loài sinh vật bản địa: cạnh tranh lấn chiếm nơi cư trú, thức ăn và lây lan
bệnh dịch, phá hoại mùa màng và gây ô nhiễm sinh học. Ở Việt nam hiện nay có một số loài xâm lấn gây tác hại trầm trọng cho môi trường cũng như cho con người như: ốc bươu vàng, ốc sên, cây trinh nữ đầm lầy (cây Mai Dương), bèo Nhật Bản v.v.. Các loài đó được du nhập theo ba nguyên nhân chính sau đây:
- Chế độ thuộc địa của các nước châu Âu. Khi những người châu Âu đến một vùng thuộc địa mới họ thường mang theo những loài động vật từ các nơi khác nhau tới nhằm để làm thức ăn, làm cảnh và tạo ra thú vui săn bắn.
-Nghề trồng cây cảnh và làm nông nghiệp: Những cây trồng được mang tới nơi ở mới cũng nhằm mục đích để làm thức ăn, cây cảnh hay chăn nuôi gia súc. Sau khi thoát vào tự nhiên với điều kiện thuận lợi chúng phát triển nhanh và lấn át những loài cây bản địa.
- Vận chuyển không chủ đích: Đây là nguyên nhân thường xảy ra nhất nhưng khó kiểm soát nhât. Những hạt cỏ cây lẫn với những hạt ngũ cốc rất dễ phát tán trên các cánh đồng. Các loài chuột, côn trùng, ký sinh theo các phương tiện vận chuyển đi các nơi. Các loài tảo hay các loài động vật không xương sống khác trong các vùng biển hay nước ngọt bám theo các con tàu, thuyền rồi phát tán đi các nơi và bắt đầu cuộc sống du nhập mới.
1.4. Khai thác quá mức
Săn bắn quá mức, đánh cá quá mức, hoặc thu hoạch quá mức một loài hoặc một quần thể có thể dẫn tới sự suy giảm của loài hoặc quần thể đó, suy giảm sự đa dạng của hệ sinh thái.
Săn bắn quá mức là một trong những nguyên nhân trực tiếp rõ ràng nhất gây nên sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật, và ảnh hưởng đến một số loài thú lớn, nổi tiếng. Tuy nhiên, trong toàn bộ sự suy giảm đa dạng sinh học, chắc chắn nguyên nhân này không quan trọng bằng các nguyên nhân gián tiếp như phá huỷ và biến đổi nơi cư trú. Săn bắn chỉ ảnh hưởng chọn lọc đối với các loài đã hoặc đang là những nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế, có thể thu hoạch được, điều này rất quan trọng đối với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Do săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép: Để chứng minh tốc độ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, chúng ta có thể nhận thấy rằng giai đoạn
trước năm 1990 việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã chỉ mới sử dụng trong phạm vi miền núi, chưa thực sự trở thành kinh tế hàng hóa mang tính quốc gia và quốc tế. Khoảng từ 1990 đến nay, xu hướng tiêu dùng xã hội đã khiến việc sử dụng động vật hoang dã trở thành phổ biến trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, hầu hết các loài động vật hoang dã bị khai thác săn bắt với tốc độ cao làm đẩy nhanh sự suy giảm các loài. Hiện có khoảng hơn 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 20 loài đặc biệt quý hiếm đã được kinh doanh sử dụng trên thị trường Việt Nam.Phần lớn các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Các loài bị khai thác bất hợp pháp chủ yếu là: Rắn, Kỳ Đà, Tê Tê, Rùa các loại, thú rừng, Mèo, Lợn rừng, Hươu nai, Khỉ các loại, Cầy các loại, Gấu, Sơn Dương, Chim. Nhiều nhất vẫn là các loài: rùa, rắn.Tỷ lệ các loài được khai thác ở Việt Nam là:thú rừng chiếm 20%, rắn 45%, rùa các loại 30%, chim 3%, còn lại là các loài khác.
1.5. Ô nhiễm
Ô nhiễm do con người gây ra có thể ảnh hưởng đến mọi cấp độ của đa dạng sinh học. Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tác động trực tiếp đến các sinh vật trong hệ sinh thái, biến đổi chất lượng sống của chúng theo hướng tiêu cực.
1.6. Suy giảm chất lượng nguồn nước
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có lượng mưa phong phú và mạng lưới sông ngòi dày đặc với một hệ thống 2.345 con sông có chiều dài 10km trở lên, nên tài nguyên nước ngọt khá dồi dào. Biển và thềm lục địa Việt Nam rộng lớn, với 3.260 km bờ biển với phong cảnh kỳ thú, tài nguyên sinh vật biển rất phong phú ở cả tầng nổi và tầng đáy. Có hàng trăm loài cá chất lượng cao, nhiều bãi cá trữ lượng lớn, có thể khai thác trên 1 triệu tấn cá và 40- 50 nghìn tấn tôm một năm. Nhưng vùng biển Việt Nam đã bắt đầu bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động sống của con người từ các lưu vực sông và vùng ven biển. Đáng lo ngại là phần lớn chất thải có chứa các hoá chất độc, kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ, hoá chất dùng trong nông nghiệp... chưa được xử lý, thải trực tiếp ra nguồn nước gây ô nhiễm và làm suy thoái hệ sinh tháibiển.
Bên cạnh đó,các hoạt động nông nghiệp mà quan trọng nhất là mở rộng đất canh tác vào đất rừng, đất ngập nước, gây ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp, thay thế các giống cây con địa phương bằng các giống mới cao sản, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên như khai thác gỗ, các sản phẩm ngoài gỗ, săn bắn, sự tàn phá trực tiếp của chiến tranh, ô nhiễm môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông,v.v..
1.7. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn và không có vùng nào trên thế giới lại không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Theo ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốcvề biến đổi khí hậu, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính la những vùng đồng bằng đông dân cư và ven biển ở Châu Á. Những tác động của biến đổi khí hậu lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng suất lao động dường như sẽ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, và gia tăng đói nghèo. Theo một tài liệu mới đây của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đc xác định là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu với khoảng 1/6 diện tích đất đai và 1/3 dân số bị ảnh hưởng.
Biến đổi khí hậu đồng thời cũng là một trong những mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh họccủa hành tinh, vì khoảng 20-30% số loài đang phai đói mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Chỉ tình riêng ở Việt Nam, khoảng 700 loài đang bị đe dọa và con số này tiếp tục tăng khi mà các rạn san hô biển đang thu hẹp, những vùng đầm và các cánh rừng ngập mặn bị giảm dần và diện tích rừng nhiệt đới ẩm đang bị xuống cấp. Biến đổi khí hậu và sự suy giảm đa dạng sinh họccũng đồng thời có ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế của hàng trăm triệu người dân trên toàn thế giới và cản trở tới việc hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.( xóa đói giảm nghèo tận gốc vào năm 2015).