Dựa trên quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân,

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thanh tra Nhà nước tỉnh Sơn La (Trang 74)

7 Kết cấu đề tài

3.1.1.Dựa trên quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân,

dân, vì dân

Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) của nước ta ghi nhận: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2); “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân” (Điều 3) và “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Điều 12).

Như vậy, bằng việc đảm bảo về mặt Hiến định, chúng ta đang tiến hành tạo dựng những nền tảng cần thiết để xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là sự kế thừa, phát triển của nhà nước dân chủ nhân dân lên tầm cao mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa không tách rời với quá trình phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc khóa VII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Thực hiện dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là bản chất tốt đẹp của nhà nước ta”.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó pháp luật giữ một vị trí quan trọng, pháp luật là ý chí của toàn thể nhân dân. Quản lý nhà nước bằng pháp luật là yêu cầu khách quan của một xã hội văn minh, công bằng, dân chủ, là phương pháp cơ bản nhằm đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của nhà nước. Xây dựng nhà nước pháp quyền hoạt động trên cơ sở pháp luật, thực hiện quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm cho toàn xã hội nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Trên cơ sở đó, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được đảm bảo, khắc phục được sự tùy tiện, lạm quyền của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Thông qua hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước sẽ đánh giá được một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó chấp hành pháp luật như thế nào, có vi phạm pháp luật hay không, vi phạm ở mức độ nào, từ đó đề ra những biện pháp xử lý thích hợp.

Để thực hiện tốt vai trò trên việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra Nhà nước nói chung cũng như cơ quan thanh tra nhà nước tỉnh Sơn La nói riêng cần phải dựa trên quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân đảm bảo chức năng của các cơ quan thanh tra nhà nước là đấu tranh chống các vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền tự do dân chủ và các quyền lợi hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức, nhằm duy trì sự công bằng trong xã hội.

3.1.2. Đặt trong tổng thể quá trình cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính

Cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính là vấn đề mang tính phổ biến trên toàn thế giới, được mọi quốc gia quan tâm, nhưng mức độ và nhu cầu cải cách, hiện đại hóa nền hành chính ở mỗi nước lại khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội đang diễn ra; tùy thuộc chế độ chính trị, hình thức nhà nước, truyền thống lịch sử của mỗi quốc gia và nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau.

Nhận thức được tầm quan trọng của cải cách hành chính, ngày 17 tháng 9 năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg

về việc phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 với các nội dung lớn:

- Cải cách thể chế;

- Cải cách bộ máy hành chính nhà nước;

- Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; - Cải cách tài chính công;

Mục tiêu của cải cách hành chính là “xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Là một bộ phận của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước tỉnh Sơn La cũng phải đặt trong tổng thể quá trình cải cách hành chính, góp phần tạo ra một cuộc cải cách hành chính đồng bộ, xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tính giản, gọn nhẹ, có hiệu quả, thời gian ngắn, thủ tục đơn giản, lực lượng ít, kết luận rõ ràng, đầy đủ, có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn. Chú trọng việc phát hiện những sơ hở yếu kém trong cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác quản lý. Đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý và khắc phục kịp thời, tránh tình trạng nặng nề về xử lý sai phạm nhưng nhẹ về đề xuất biện pháp sửa chữa, khắc phục. Tổ chức tốt việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra. Đây chính là những nguyên tắc, phương hướng trong đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan thanh tra nhà nước nói chung cũng như thanh tra nhà nước tỉnh Sơn La nói riêng.

3.1.3. Phải có những bước đi và giải pháp thích hợp theo quan điểm của Đảng đã đề ra

Công tác thanh tra góp phần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Cùng với công tác kiểm tra Đảng, các cơ quan thanh tra kiểm tra

việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào việc xây dựng Đảng, kiện toàn bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ:

“Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị đưa về các ngành, các địa phương, làm kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu; có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết; trên không thấu dưới; dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó, các địa phương chấp hành thế nào?”

Các Nghị quyết Trung ương Đảng khóa VIII, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII đã chỉ rõ: “Tăng cường tổ chức và hoạt động thanh tra, coi đó là công cụ quan trọng và hữu hiệu để đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước; thiết lập kỷ cương xã hội”. Vì thế việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra phải có những bước đi và giải pháp thích hợp với quan điểm của Đảng đã đề ra về công tác thanh tra trong giai đoạn mới. Cụ thể:

- Đổi mới tổ chức thanh tra phù hợp với chức năng quản lý nhà nước trong điều kiện mới, phát triển mạnh tổ chức thanh tra bằng việc thực hiện thể chế về từng lĩnh vực trong toàn xã hội như tài chính, lao động, giáo dục, vệ sinh - y tế, xây dựng, công vụ, v.v...

- Nghiên cứu tăng thẩm quyền cho các cơ quan thanh tra trong công việc xử lý hành chính tại chỗ các vi phạm pháp luật; phân định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan Thanh tra và Tòa án hành chính trong việc giải quyết các khiếu kiện đối với cơ quan và cán bộ, công chức hành chính, tạo điều kiện để các Tòa án hành chính phát huy đúng chức năng và thẩm quyền.

- Đẩy mạnh hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các cơ quan, tổ chức nhà nước, đề cao trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, của các cấp chính quyền đối với mọi cơ quan, tổ chức trên địa bàn lãnh thổ.

3.1.4. Đáp ứng nhu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập là một đặc trưng cho sự phát triển kinh tế thế giới thế kỷ XXI. Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần hiện nay,

việc đáp ứng được các yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế là vô cùng cần thiết. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mở cửa, đón các nguồn đầu tư từ nước ngoài mở ra nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít những thách thức. Để quản lý được nền kinh tế xã hội trong giai đoạn mới việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan thanh tra nói riêng là điều tất yếu.

Không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật mà quan trọng hơn, từ thực tiễn hoạt động, cơ quan thanh tra chủ động kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý.

Trong điều kiện hiện nay, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế về nhiều mặt, do vậy cần chú ý tới khả năng hòa nhập, phối hợp của hoạt động thanh tra vào các quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ phối hợp trong khu vực các nước ASEAN mà Việt Nam là một thành viên chính thức.

Như vậy, xuất phát từ yêu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan Thanh tra hiện nay, yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước thì việc đổi mới tổ chức và hoạt động của toàn ngành thanh tra trong đó có thanh tra nhà nước cấp tỉnh là việc làm cần thiết.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thanh tra Nhà nước tỉnh Sơn La (Trang 74)