Tổ chức của cơ quan thanh tra nhà nước

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thanh tra Nhà nước tỉnh Sơn La (Trang 27)

7 Kết cấu đề tài

1.2.1. Tổ chức của cơ quan thanh tra nhà nước

Tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước bao gồm một hệ thống các cơ quan thanh tra được thành lập từ trung ương đến địa phương (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện) để xem xét, đánh giá, xử lý hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ,

quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý; kiến nghị các biện pháp khắc phục những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ở các nước có thể chế chính trị, cơ chế quản lý nhà nước khác nhau thì tổ chức thanh tra được thành lập có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu bộ máy tổ chức khác nhau. Mặt khác, do yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, hệ thống bộ máy quản lý nhà nước nên tổ chức thanh tra cũng có những thay đổi để phù hợp với xu hướng đổi mới chung của đất nước trong từng thời kỳ.

Ở nước ta sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 64/SL ngày 23-11-1945 thành lập thanh tra đặc biệt với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt. Trải qua các thời kỳ cùng với sự đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức này cũng thay đổi với những tên gọi cơ cấu khác nhau.

Theo Luật Thanh tra năm 2010, cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là Thanh tra bộ); Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Thanh tra tỉnh); Thanh tra sở; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Thanh tra huyện).

- Thanh tra Chính phủ

“Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” [7, tr.15]. Tổng Thanh tra Chính phủ là thành viên Chính

phủ, do Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra Chính phủ do Chính phủ Quy định.

- Thanh tra bộ

“Thanh tra bộ là cơ quan của bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” [7, tr.20]. Chánh Thanh tra bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau

khi thống nhất với Tổng thanh tra Chính phủ.

- Thanh tra tỉnh

“Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm giúp uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” [7, tr.24]. Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

- Thanh tra sở

“Thanh tra sở là cơ quan của sở, giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” [7, tr.28]. Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

- Thanh tra huyện

“Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp huyện, có trách nhiệm giúp uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” [7, tr.32]. Chánh Thanh tra huyện do Chủ tịch uỷ ban

nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Do mô hình các cơ quan thanh tra nhà nước hiện nay được xác định là các đơn vị của cơ quan quản lý nhà nước theo cấp hành chính nên quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước có phần nào hạn chế, tính độc lập chưa cao.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình thanh tra mà theo đó nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra đó rất cao, tiêu biểu như mô hình thanh tra Quốc hội của các nước Bắc Âu và châu Mỹ. Các cơ quan thanh tra theo mô hình này trực tiếp trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Mô hình này được tổ chức rất gọn nhẹ, như thanh tra Quốc hội Thuỵ Điển có 4 thanh tra viên, Đan Mạch có 6 thanh tra viên...hoàn toàn độc lập với các cơ quan hành pháp và tư pháp, nó không bị chi phối bởi bất cứ cơ quan, cá nhân nào. Thậm chí Quốc hội cũng không được can thiệp vào hoạt động của nó. Thanh tra Quốc hội có nhiệm vụ cơ bản là giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, bao gồm cơ quan hành chính và Toà án. Luật thanh tra Quốc hội Thuỵ Điển quy định: “Thanh tra Quốc hội bảo đảm cho các Toà án và cơ quan hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải tuân theo những quy định của Hiến pháp, pháp luật về tính khách quan và công bằng; các quyền của công dân không bị xâm phạm bởi hoạt động công quyền” (Điều 3).

Thanh tra Quốc hội có chức năng giám sát đối với Bộ trưởng, các viên chức nhà nước và những người làm việc trong cơ quan nhà nước. Thanh tra Quốc hội không có quyền xem xét, can thiệp vào hoạt động xét xử của Toà án, song có quyền giám sát việc chấp hành pháp luật và thực thi chức trách, công vụ của các Thẩm phán, nhân viên Toà án.

Quyền hạn của các cơ quan theo mô hình thanh tra Quốc hội rất lớn: - Thanh tra trụ sở cơ quan nhà nước vào bất cứ thời điểm nào;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu để phục vụ việc điều tra hoặc tiến hành việc kiểm tra những vấn đề có liên quan đến vụ việc;

- Tiếp cận thường xuyên các tài liệu trong hoạt động của các cơ quan hành chính, Toà án, các cơ quan thực thi quyền lực công, ngay cả khi tài liệu đó được coi là bí mật;

- Trong quá trình điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoặc thanh tra vụ việc, khi phát hiện một viên chức nhà nước thuộc quyền giám sát của Thanh tra Quốc hội đã phạm tội hình sự trong thực thi công vụ thì Thanh tra viên Quốc hội có quyền tiến hành điều tra sơ bộ giống như một Uỷ viên công tố và đương nhiên hoạt động đó phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu có căn cứ cho rằng đã có phạm tội xảy ra, thanh tra viên Quốc hội có quyền chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết;

- Có quyền đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, cách chức, thu hồi giấy phép hành nghề đối với những công chức có hành vi vi phạm chức trách, nhiệm vụ được giao, nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự;

- Trong những trường hợp nhất định, Thanh tra Quốc hội của một số nước có quyền phạt tiền và áp dụng biện pháp xử lý khác theo thẩm quyền đối với hành vi chống đối, cản trở việc điều tra, thanh tra. Điều 21 Luật về thanh tra Quốc hội Thuỵ Điển quy định các thanh tra viên, khi tiến hành thu thập thông tin và thẩm vấn trong những trường hợp không phải là thủ tục điều tra ban đầu, có quyền xử phạt không quá 1000 curon đối với những hành vi chống đối, cản trở việc điều tra, thanh tra.

Ngoài mô hình Thanh tra Quốc hội, trên thế giới còn có các mô hình thanh tra khác như thanh tra, giám sát hành chính (chủ yếu ở các nước châu Á, châu Phi như Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Ai Cập...); mô hình thanh tra chuyên ngành (điển hình như Pháp, Nhật, Thuỵ sĩ, Bỉ...).

Nhìn chung các mô hình này đều quy định cho các cơ quan thanh tra những nhiệm vụ, quyền hạn có hiệu lực cao, đặc biệt là thanh tra Quốc hội như đã phân tích ở trên. Từ đó có thể thấy việc tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước ở nước ta như hiện nay, bên cạnh những thành tựu còn rất nhiều hạn chế, nhất là hạn chế trong việc đảm bảo tính hiệu lực của các quyết định thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước vì thế cũng chỉ ở mức

tương đối, tính độc lập chưa cao, chịu sự chi phối nhiều bởi các cơ quan chủ quản là các cơ quan quản lý hành chính nhà nước theo các cấp, các ngành.

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động thanh tra Nhà nước tỉnh Sơn La (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)